Đã từng có nhiều phương tiện truyền thông, tổ chức phi Chính phủ, thậm chí chính quyền các nước tạo ra các rào cản thuế quan vô lý, tuyên truyền bôi nhọa hình ảnh cá tra… Thế nhưng nguyên nhân sâu xa của những hành động này đơn giản chỉ vì cá tra bán quá rẻ so với các loại cá thịt trắng khác!? Điều này khiến loài cá tuyệt vời này đã, đang và sẽ gặp nhiều rào cản trong quá trình phát triển do xung đột lợi ích giữa các bên tham gia trong chuỗi ngành hàng cá tra tại nước nhập khẩu. | |
Cá tra gặp khó
Sản phẩm cá tra từng được các nhà nhập khẩu công nhận là một sản phẩm tuyệt vời với cơ thịt săn chắc, phù hợp với khẩu vị của hầu hết người tiêu dùng trên thế giới và có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau cũng như làm hàng giá trị gia tăng. Tuy nhiên, thời gian qua việc phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra đã không thuận lợi như mong muốn, dù các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư rất nhiều để trang bị thiết bị và hệ thống sản xuất tự động, cũng như trước đây đã có nhiều nhà nhập khẩu muốn phát triển kinh doanh lâu dài với chiến lược bán hàng bài bản cho cá tra.
Hiện nay, mặt hàng cá tra đang dần bị lãng quên không những tại thị trường Châu Âu mà tại các nước khác, bởi hầu hết nhà nhập khẩu cá tra ở Châu Âu không đưa cá tra vào trong thực đơn hàng ngày của họ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo các nhà nhập khẩu cá tra Châu Âu, là do cá tra đã và đang tác động đến nhiều ngành công nghiệp chế biến thủy sản ở khu vực này, đồng thời gây ra mâu thuẫn giữa nhà nhập khẩu và nhà bán lẻ. Bởi vì giá cá tra được bán trên thị trường rất thấp và nếu tìm sẽ có ngay chỗ bán với giá rẻ hơn, cũng vì thế mà họ không yên tâm kinh doanh cũng như khó kiếm lời từ việc kinh doanh loài cá này.
Mặt khác, nhiều người cho rằng, cá tra đã tạo ra sự cạnh tranh không công bằng với các loài cá khác ở Châu Âu, Mỹ, Ôxtrâylia… do cá tra chỉ có giá 3 - 6 euro/kg, trong khi các loài cá thịt trắng khác được bán tới 7 - 12 euro/kg. Vì vậy, một cách vô tình hay hữu ý, những người nuôi thủy sản tại các nước này đã “buộc tội” cá tra đã bán phá giá hay được sản xuất trong những điều kiện môi trường ô nhiễm để chống lại loài cá này. Một số Chính phủ và tổ chức phi Chính phủ cũng đang có chiến dịch ngày càng mạnh mẽ và có hệ thống chống lại cá tra. Ngoài ra, nếu các doanh nghiệp không có sự thay đổi, nguy cơ các thị trường mới như Braxin rơi vào tình cảnh như Châu Âu là hoàn toàn có thể xảy ra.
Ông Jean-Charles Diener, giám đốc Công ty Ofco Sourcing (một nhà nhập khẩu và phân phối cá tra VN tại châu Âu) cho biết, Châu Âu muốn ngừng nhập khẩu cá tra vì sản phẩm này ít có lợi cho nền kinh tế. Hầu hết, nhà nhập khẩu cá tra đều không muốn kinh doanh loài cá này, thậm chí họ sẽ thích hơn nếu cá tra không tồn tại ở Châu Âu. Tuy nhiên, hiện nay Châu Âu chưa thực hiện điều này vì người tiêu dùng tại khu vực này vẫn đang cần sản phẩm cá tra. Các nhà kinh doanh phải đưa loài cá này vào danh mục sản phẩm do họ không muốn mất khách hàng và giảm khối lượng mua nếu thay thế bằng loài cá khác. Dù lượng tiêu thụ ngày càng cao, sản phẩm cá tra chiếm ngày càng lớn trong vốn lưu động của các nhà kinh doanh tại Châu Âu, nhưng lợi nhuận từ loài cá này ngày càng giảm.
Cần bán theo giá sàn
Theo các chuyên gia ngành cá tra, nếu có một chiến lược kinh doanh tốt trong những năm trước đây cùng với sự tuân thủ nghiêm của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, cá tra đã có thể bán ở mức giá tổi thiểu cao hơn 30 - 40% so với mức giá hiện nay ở Châu Âu. Trên thực tế, tại Châu Âu có đến hơn 300 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu vào thị trường này nhưng mỗi doanh nghiệp lại chào sản phẩm với mức giá khác nhau, quy chuẩn sản phẩm cũng khác nhau khiến nhà nhập khẩu Châu Âu rất mệt mỏi. Để hạn chế tình trạng này, Việt Nam cần phải xây dựng giá sàn xuất khẩu tối thiểu cho cá tra.
Đối với việc định giá sàn cho cá tra, mức giá tối thiểu phải được xác định không chỉ căn cứ trên tình hình sản xuất thực tế cá tra tại Việt Nam mà còn phải phù hợp với thị trường cá phi lê thịt trắng trên thế giới. Ngoài ra, giá sàn cũng phải phù hợp với từng quy cách sản phẩm chính và được ghi rõ trên bao bì cũng như chứng từ. Giá tối thiểu đưa ra ban đầu có thể thấp nhưng các doanh nghiệp cần tuân thủ đúng mức giá tối thiểu của cộng đồng. Và sau đó, từng bước tăng giá cá tra ở mức chấp nhận được tùy thuộc vào thị trường. Nếu làm được điều này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp cạnh tranh bằng chất lượng, hạn chế được tình trạng cạnh tranh bằng giá, đồng thời nhà nhập khẩu cũng yên tâm hơn khi mua cá tra để kinh doanh.
Cần biết rằng cá tra có giá rất cạnh tranh so với các loài cá khác không phải do cá tra không có chất lượng tốt mà vì chi phí lao động tại Việt Nam rẻ hơn các quốc gia khác. Mặt khác, hiệu quả sử dụng nguồn đạm từ bột cá của cá tra so với các loài cá khác cũng tốt hơn rất nhiều. Cụ thể, để nuôi 1 kg cá hồi phải cần tới 4 kg cá đánh bắt để chế biến thức ăn, thậm chí phải cần đến 30 kg thức ăn đối với cá ngừ, trong khi đó chỉ cần 0,4 kg cá tạp là có thể sản xuất ra 1 kg cá tra. Điều này đã giải thích vì sao cá ngừ và cá hồi có giá rất cao so với cá tra. Trong hoàn cảnh thế giới đang lo ngại việc suy giảm nguồn lợi thủy sản đại dương thì cá tra là loài cá tối ưu để thay thế, ngành cá tra là một nghề nuôi bền vững, đây chính là thông điệp tốt nhất để quảng bá cá tra.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra phi lê cần phải cải thiện thành phần thức ăn cho cá tra cũng như hạn chế việc sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh cấm trong sản xuất. Với những cách làm này, cá tra Việt Nam sẽ giành được nhiều thị trường mới với giá bán cao hơn, người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ kiếm được nhiều lợi nhuận từ cá tra. Hơn nửa, nhà nhập khẩu và nhà bán lẻ cũng được hưởng lợi nên họ cũng sẽ có chiến lược đưa cá tra trở thành loài cá nuôi tuyệt vời nhất trên thế giới cũng như có chương trình quảng bá bán hàng để tăng lợi nhuận cho cá tra. Do vậy, để bảo vệ quyền lợi của nền công nghiệp cá tra, Việt Nam cần có chiến lược phát triển đúng đắn cho cá tra ngay từ bây giờ, trước mắt là giá bán.