Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Kiên trì tính chất chính trị-xã hội
(Ngày đăng: 29/05/2012)

Tuy còn tranh luận về mục tiêu tổng thể, đa số các ý kiến tại hội thảo xây dựng Chiến lược phát triển của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội Việt Nam - VUSTA) đều nhất trí rằng tổ chức cần kiên trì tính chất chính trị-xã hội, trong khi một vài đại diện quốc tế lại có quan điểm khác.

Hội thảo do Liên hiệp hội Việt Nam tổ chức trong 2 ngày 20-21/5/2009 tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc nhằm lấy ý kiến đóng góp của các hội thành viên, đơn vị trực thuộc cho dự thảo khung Chiến lược phát triển đến 2020 của tổ chức.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh Liên hiệp hội Việt Nam đang tích cực vận động Đảng, Nhà nước có chính sách cởi mở hơn với trí thức, và bản thân VUSTA đang gấp rút chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VI với kỳ vọng sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ từ nhiệm kỳ tới.

Dự thảo khung Chiến lược được xây dựng trên cơ sở Điều lệ của Liên hiệp hội Việt Nam và các chỉ thị, nghị quyết…liên quan đến hoạt động của tổ chức.

Tại hội thảo, các nhóm thảo luận đều thống nhất nêu tính chất chính trị-xã hội ngay đầu tiên trong tầm nhìn của Liên hiệp hội Việt Nam.

Trong khi đó, vị đại diện UNDP – ông Trịnh Tiến Dũng nhận xét rằng cách đề cập này sẽ khiến cho người ngoài hiểu tổ chức “hướng tới thỏa mãn nhu cầu chính trị của Đảng nhiều hơn” là lấy hội thành viên, hội viên làm trung tâm của bản chiến lược.

Ông Seppo Kalliakoski, Phó Chủ tịch tổ chức Keppa của Phần Lan, trong khi chia sẻ kinh nghiệm làm chiến lược, cũng cho rằng chiến lược một tổ chức phải được xây dựng trên nền tảng giá trị chung của các thành viên. Trong mối quan hệ với Đảng, Nhà nước, ông Seppo khuyến nghị VUSTA nên trở thành người bạn tốt, một đối tác tin cậy hơn là dựa trên quan hệ thứ bậc trên-dưới. “Chúng ta không nên để quá khứ và hiện tại ám ảnh quá nhiều. Chúng ta tôn trọng quá khứ nhưng khi làm cần hướng đến tương lai… Trong xây dựng và thực hiện chiến lược, VUSTA nên phát huy năng lực của lớp trẻ vì lớp trẻ là tương lai của chúng ta. Chúng ta nên chuyển giao quyền lực cho lớp trẻ chứ không để đến lúc lớp trẻ đến và giành lấy”.

“Đại phẫu thuật”

Có thể ví quá trình xây dựng chiến lược của Liên hiệp hội Việt Nam như là một cuộc đại phẫu thuật tổ chức bởi những điểm mạnh-yếu, những cơ hội-thách thức đều được đưa ra mổ xẻ, phân tích tại hội thảo cũng như trong các nghiên cứu thực trạng. Bên cạnh đó, những khuyến nghị, giải pháp cũng được nhiều đại biểu đề cập.

Quyền Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam, ông Hồ Uy Liêm, thừa nhận: “Lâu nay điểm yếu của chúng ta là trách nhiệm giải trình chưa cao, các hoạt động chủ yếu xoay quanh ban lãnh đạo, chưa có sự tham gia của hội viên. Nhiều tổ chức của Liên hiệp hội Việt Nam chưa tham gia, chưa hưởng lợi từ những kết quả của Liên hiệp hội Việt Nam. Vì chưa có chiến lược nên hoạt động của VUSTA nhiều khi theo kinh nghiệm, đôi khi tự phát…”.

Có bề dày phát triển hơn 26 năm, với số hội thành viên và đơn vị trực thuộc ngày càng tăng, nhưng Liên hiệp hội Việt Nam mới tập hợp được 1/3 trí thức trong cả nước và còn chưa thu hút được sự tham gia của trí thức trẻ, trí thức trong doanh nghiệp và trí thức Việt kiều.

Ông Nghiêm Xuân Minh: “Phải hiểu đặc điểm của trí thức Việt Nam mới tìm được giải pháp tập hợp họ”.

Ông Nghiêm Xuân Minh: “Phải hiểu đặc điểm của trí thức Việt Nam mới tìm được giải pháp tập hợp họ”.

Ông Nghiêm Xuân Minh (Bộ Khoa học và Công nghệ) khuyến nghị Liên hiệp hội Việt Nam nên nghiên cứu về trí thức Việt Nam, tìm hiểu xem họ cần gì, cái gì lôi kéo họ đến với tổ chức.

Ông Bùi Sĩ Tiếu (Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam) tán đồng việc xây dựng chiến lược của Liên hiệp hội Việt Nam và cho rằng từ trước đến nay chưa có hội nào làm. Theo ông, mặc dù đã có nghị quyết về trí thức nhưng ở nhiều nơi, nhiều chỗ, trí thức chưa được trọng dụng. Do đó, nhiệm vụ của Liên hiệp hội Việt Nam trong thời gian tới là tiếp tục vận động Đảng, Nhà nước tạo cơ chế chính sách để trí thức có điều kiện đóng góp cho đất nước. “Làm sao ở Việt Nam có một tổ chức đứng ra tập hợp trí thức Việt kiều, chỉ cho họ biết chỗ nào cần cái gì để họ có cơ sở cống hiến”.

Cơ cấu tổ chức của Liên hiệp hội Việt Nam chưa chặt chẽ, chưa theo hệ thống từ trung ương đến địa phương do sự thiếu nhất quán trong chính sách của Đảng, Nhà nước. Tuy là tổ chức chính trị-xã hội, Liên hiệp hội Việt Nam chưa được xếp ngang cấp với 6 đoàn thể khác (Mặt trận Tổ quốc, Tổng Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân), trong khi ở địa phương Liên hiệp hội vẫn bị xem là tổ chức xã hội-nghề nghiệp đơn thuần. Đó là thách thức bên ngoài, nhưng ngay bản thân VUSTA cũng chưa có nghiên cứu về nguyên lý phát triển tổ chức.

Ông Lê Xuân Thảo (Phó Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam) phàn nàn “Hội đồng trung ương Liên hiệp hội Việt Nam chậm đổi mới”. Theo ông, các hiệp hội quốc tế mạnh nhờ có các ủy ban chuyên trách. Các ủy ban này có phương hướng nhiệm vụ, hoạt động thường xuyên, trong khi đó Hội đồng trung ương của Liên hiệp hội Việt Nam mỗi năm chỉ họp một lần. “Liên hiệp hội Việt Nam không có Ủy ban tài chính, Ủy ban Kế hoạch, trong khi các bộ đều có” – ông Thảo bổ sung.

Cũng theo ông Thảo, chiến lược cần có giải pháp để Liên hiệp hội Việt Nam đến 2020 có thể tự chủ về tài chính. “Chúng ta sẽ không dùng tiền nhà nước theo cách như hiện nay (lương, biên chế…) mà thực hiện các hoạt động theo đơn đặt hàng của Nhà nước”. Một phần kinh phí của Liên hiệp hội cũng do hội viên đóng góp, mà muốn họ đóng góp thì Liên hiệp hội phải mang lại lợi ích cho hội thành viên, hội viên.

Nguồn kinh phí cho Liên hiệp hội có thể đến từ các dịch vụ công, tuy thế theo ông Phan Tùng Mậu (Ban Tuyên giáo TW), chiến lược cần chỉ rõ VUSTA và các hội thành viên sẽ thực hiện các loại dịch vụ công nào.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng (Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) đánh giá cao báo cáo kiến nghị của Liên hiệp hội Việt Nam về khai thác bauxit ở Tây Nguyên và nhờ đó mà hình ảnh công chúng của Liên hiệp hội Việt Nam đã được nâng lên rất nhiều. Ông nhấn mạnh, VUSTA cần tiếp tục tạo dựng, củng cố hình ảnh này. Trong chiến lược phát triển chung của Liên hiệp hội, cần có cả một chiến lược xây dựng hình ảnh.

Tạo uy tín qua tư vấn, phản biện và giám định xã hội

VUSTA cần hoàn thiện bộ máy tổ chức để đảm đương sứ mệnh là tổ chức chính trị-xã hội của trí thức KH&CN Việt Nam

Những nghiên cứu, tư vấn chất lượng giúp VUSTA xây dựng hình ảnh công chúng.

Nếu như mục tiêu tổng thể chưa được xác định thì khi thảo luận về các mục tiêu ưu tiên, hầu hết các đại biểu đều thống nhất VUSTA nên chọn tư vấn, phản biện và giám định xã hội như điểm nhấn trong hoạt động. Thông qua hoạt động này, Liên hiệp hội Việt Nam sẽ tập hợp, phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức, đóng góp cho đất nước.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng, nói: “Liên hiệp hội Việt Nam có thể giúp các ủy ban của Quốc hội thẩm tra, giám sát các vấn đề kỹ thuật của chính sách. Những tư vấn, nghiên cứu của Liên hiệp hội cần rất chất lượng, lập luận dựa trên chứng cứ chứ không dựa trên quyền năng, đạo lý. Muốn vậy, Liên hiệp hội phải có cán bộ giỏi, tư vấn độc lập, khách quan, công khai, minh bạch”.

Ông Nguyễn Minh Thuyết (Ủy ban Khoa học, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cũng cho rằng tư vấn, phản biện và giám định xã hội là cách tốt nhất để Liên hiệp hội Việt Nam tạo hình ảnh với công chúng nâng cao vị thể trong xã hội. “Để đóng góp cho xã hội dân sự, Liên hiệp hội cần đặt mục tiêu đến 2020 vận động để Luật về hội được ban hành”- ông Thuyết nhấn mạnh.

Tin, ảnh: HN, , , ,
Vusta
Tin liên quan