TTO - Công việc của ông quá nhiều, tầm vóc của ông lớn lao, nhưng có một điểm đặc biệt trong tính cách cũng như phương pháp làm việc của ông là bất cứ ai làm việc với ông, nghe ông nói và trả lời các câu hỏi của ông, dù đang làm việc và nghiên cứu ở lĩnh vực nào cũng có cảm giác là ông đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực mình đang làm, công việc cụ thể mình đang thực hiện | |
Khi ông đang làm Thủ tướng, một hôm, trợ lý của ông là anh Vũ Quốc Tuấn gọi điện cho tôi và đề nghị tôi thu xếp một cuộc gặp - Thủ tướng muốn nghe tôi nói về vấn đề kiến trúc và di sản. Tôi ngạc nhiên trả lời: “Bộ VH và Bộ xây dựng có nhiều quan chức và chuyên gia về cả 2 lĩnh vực này, họ nắm con số và có nhiều tài liệu cụ thể hơn tôi”, nhưng anh Tuấn nói : “Thủ tướng muốn nghe chính anh”
Vậy là sau đó có 2 buổi tối liền, Thủ tướng ngồi nghe tôi nói về kiến trúc và di sản. Ông nghe rất chăm chú, ghi chép rất cẩn thận, ông đặt các câu hỏi về tất cả những gì liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc. Tôi chưa bao giờ nghe một vị lãnh đạo ngành nào hỏi mình về những vấn đề như thế.
Một trong những buổi họp cuối cùng của ông trên cương vị Thủ tướng cũng là làm việc với Bộ VH và các chuyên gia về bảo tồn di sản. Tôi rất ngạc nhiên về cách đặt vấn đề của ông, về cách ông thể hiện tâm huyết của mình trong một lĩnh vực tưởng như chuyên môn hẹp và đòi hỏi rất nhiều kiến thức chuyên ngành này. Sau này, đi với ông rất nhiều lần về lại An toàn khu, Côn Đảo, Đà lạt, tôi mới dần dần thấm thía cách tiếp cận vấn đề và phương thức tư duy “khác người” của ông: ông luôn luôn nghĩ mình là người không hiểu hết tất cả các vấn đề nên ông luôn luôn tìm kiếm những người hiểu biết lạ, hiểu biết mới, hiểu biết khác… về mọi sự vật, hiện tượng để nghe, gạn lọc và sử dụng. Dù không được học hành bài bản, ông tư duy như một nhà khoa học thực sự.
Sự nghiệp của ông quá đồ sộ, những gì ông làm được khá nhiều, và những gì ông mơ ước còn ghê gớm hơn rất nhiều lần thế, nhưng , từ góc độ công việc của mình, tôi thấm thía đến từng giây từng phút được làm việc với ông để hiểu rằng : chúng ta đã có một vị thủ tướng văn minh theo đúng nghĩa hiện đại và chân chính nhất của nó. Có lẽ, rất cần phải nhắc lại để mọi người cùng nhớ, chính ông, chứ không phải ai khác, là vị Thủ tướng đầu tiên và duy nhất đã ký quyết định thành lập Hội đồng tư vấn kiến trúc cho Thủ tướng, một Hội đồng không hề để “làm sang”, mà thực chất đã tư vấn cho ông trong rất nhiều vụ việc liên quan đến kiến trúc-xây dựng cần có tiếng nói phản biện xã hội và chuyên môn- độc lập với các cơ quan nhà nước. Ngay khi đất nứoc mới mở cửa, tầm nhìn của ông đã vượt xa thời đại và chuẩn bị nền móng cho một tương lai hiện thực hóa ước mơ: “xây dựng đất nước đàng hoàng hơn-to đẹp hơn” của Bác Hồ. Ông hiểu rất rõ một đất nứoc văn minh không chỉ cần những đại công trường xây dựng, mà còn cần, và quan trọng hơn là lưu giữ được linh hồn của các đô thị và những di sản – dù vô hình hay hữu hình của cha ông. Tiếc là khi ông không còn là Thủ tướng, Hội đồng đã bị giải tán, mang theo nỗi buồn và sự tiếc nuối của các KTS hành nghề về một nơi mà họ có quyền bày tỏ chính kiến và luôn có một người có trọng trách lắng nghe
Cũng không phải ai cũng biết là về cuối đời, ông đã đi về lại Côn Đảo và Đà Lạt rất nhiều lần. Ông ra Côn Đảo, vì muốn lắng nghe linh hồn của những chiến sỹ đã nằm xuống ở đó, ông muốn Côn Đảo được quy hoạch và xây dựng đẹp đẽ, thân thiện, thanh bình xứng đáng với mơ ước của những người đã đổ máu vì nó. Ông lên Đà lạt, vì xót xa muốn cứu lấy đô thị-di sản này .
Không dưới một lần ông chua xót nói với tôi : “chúng ta không kịp làm gì cho Hạ Long nữa, thì hãy cố gắng hết sức cứu lấy Đà lạt và Côn Đảo”.Không hề có kiến thức nền về quy hoạch-kiến trúc, nhưng những gì ông vạch ra về tương lai của đô thị- di sản Đà lạt thực sự làm các chuyên gia trong ngành như chúng tôi khâm phục. Cách thức mà ông đề xuất hoàn toàn phù hợp với tư duy quy hoạch của các đô thị di sản cổ kính và nổi tiếng nhất thế giới .
Về dự án Côn Đảo, không phải tự nhiên mà ông thích phương án đề xuất của các chuyên gia Nga , ông nói : “phải là một dân tộc đã trải qua chiến tranh vệ quốc mới hiểu được sức mạnh và sự thiêng liêng kỳ lạ của mảnh đất này”. Tiếc rằng , vâng, lại tiếc rằng, phương án của những người bạn Nga mà ông chia sẻ đã không được các chuyên gia của Bộ VH chấp thuận.
Có quá nhiều cách đánh giá và nhìn nhận của ông không phải ai cũng đủ cái tầm, cái tâm, cũng sự tinh tế để đồng cảm, chia sẻ. Các quan chức của chúng ta mong muốn Côn Đảo được UNESCO công nhận là một di sản thế giới, còn ông, ông Võ Văn Kiệt, chỉ mong Côn Đảo trở thành một biểu tượng giản dị về lòng yêu nước và tinh thần dân tộc của người VN . “Chỉ người VN mình mới có thể hiểu và tự hào về Côn Đảo, và nỗi đau này chúng ta cũng chỉ giữ cho mình thôi”, ông nói trong một lần đến nghĩa trang Hàng Dương
Và những khi ấy, tôi lại nhìn thấy nỗi ưu tư hẳn trên khuôn mặt rất “anh Hai Nam bộ của ông : Lương tâm của ông đối với đất nước này không bao giờ để cho ông được yên , luôn luôn là một nỗi ám ảnh : “làm mới hơn, làm khác đi, làm khác hơn”
Người ơi người ở đừng về... Từ xa xôi trong ký ức, câu ca ấy gieo vào lòng tôi nỗi luyến tiếc da diết mỗi khi tiễn biệt ai đó mình dứt không ra. Cuộc sống là chào đón và tiễn biệt mà! Cuộc sống tôi còn có cả những cuộc hẹn mà không đến nữa – và trong những lúc đứng ngồi không yên ấy, câu ca xưa nỉ non, lúc xa lúc gần, lúc như để nói thay tôi điều mong đợi, lúc như để vợi bớt đi trong tôi nỗi khắc khoải... Hẹn mà không đến có nhiều lắm trong đời con người ta chứ, nhưng nếu phải có gấp năm gấp mười lần các cuộc hẹn mà không đến như thế, tôi vẫn không sao quen được... Hình như chẳng ai quen được điều này... Mấy hôm nay, câu ca ấy tự nhiên văng vẳng trong tâm thức tôi, như nhắc nhớ điều gì đó... Nhưng hiện giờ tôi có chờ đợi ai đâu! Từ nhiều tháng nay đầu óc tôi hình như chỉ ăn với bô-xít, ngủ với bô-xít, đi đứng với Biển Đông, khủng hoảng kinh tế, nằm ngồi với kích cầu, tỷ giá, chiến lược, hội thảo... Trên mọi báo giấy, báo mạng ăm ắp những sự kiện như thế, những câu hỏi không dễ trả lời, làm sao dửng dưng được!.. Bao nhiêu chuyện trong đời thuộc loại nóng bỏng ấy choán hết đầu óc tôi. Làm gì còn tâm trạng nào nữa mà hẹn với chẳng hò!.. Cả trong những lúc mấy anh em bạn hữu chúng tôi tranh luận với nhau đến mụ mị cả người mà chưa ngã ngũ về những chuyện “ôm rơm nặng bụng”, vẫn gợn lên trong tôi một cảm giác thiêu thiếu nào đấy... Sở dĩ tôi gọi những chuyện chúng tôi vơ vào bàn bạc là những việc “ôm rơm nặng bụng”, hay là “xớ rớ”, là “gái góa lo việc triều đình”.., chẳng qua là vì tất cả chúng tôi đều đã quá giang lâu rồi cái tuổi xưa nay hiếm... Song câu ca xưa cứ vương víu đâu đây... Và không ít lần tôi thốt lên trong đầu: Giá mà lúc này còn Anh Sáu..! Vâng, giá mà lúc này còn Anh Sáu!.. Đất nước đang đứng trước những vấn đề quyết liệt, đòi hỏi tất cả phải động não góp những tiếng nói quyết liệt. Chính trong lúc này, chúng tôi càng mong có tiếng nói của Anh Sáu... Một sự trống trải khó tả... Trong cuộc đời mình, tôi đã từng trải nghiệm và hiểu là thế nào khi mình phải chiến đấu thiếu vắng tiểu đội trưởng. Hôm nay, trong một bối cảnh hoàn toàn khác, song sự thiếu vắng này sao vẫn giữ lại trong tôi nguyên vẹn những cảm nghĩ tôi đã trải nghiệm thời chiến sỹ trai trẻ... Đã đi gần hết cuộc đời, ai không có những trải nghiệm như thế! Tôi xắp xếp lại trong trí nhớ của mình những buổi thảo luận cuối cùng do Anh Sáu đề xướng, nhiều người tâm huyết tham gia lắm. Chúng tôi còn vạch ra cho nhau cả một chương trình nghiên cứu phải làm, cho nhiều năm tới, chia nhau mỗi người chuyên suy nghĩ một vấn đề... Đơn giản là đất nước còn nhiều câu hỏi phải có lời giải, may ra chúng tôi có thể góp ý đôi điều chắt lọc từ những gì chúng tôi đã trải nghiệm suốt chiều dài lịch sử từ Cách mạng Tháng Tám. Chúng tôi đã xắp lịch, hẹn nhau cuộc gặp tới, có nhiều chuyện đáng bàn lắm... Đâu có nghĩ đấy là những buổi thảo luận cuối cùng với Anh Sáu! Tôi còn nhớ như in dáng điệu, giọng nói đầy nhiệt huyết “...Tôi sẵn sàng lấy thẻ đảng viên ra bảo vệ quan điểm của mình!..” Đấy là những buổi thảo luận, anh Sáu Dân nêu lên những suy nghĩ trăn trở về các vấn đề trọng đại: phải phấn đấu xây dựng Đảng trở thành Đảng của dân tộc, phát huy dân chủ trong Đảng là vấn đề sống còn, cải cách hành chính phải bắt đầu từ đổi mới xây dựng Đảng và phương thức lãnh đạo của Đảng... Tôi có thể dám chắc rằng trong những năm cuối cùng trước khi đi xa, đổi mới xây dựng Đảng là vấn đề ngày đêm thiêu đốt tâm can anh Sáu Dân. Dù anh Sáu Dân bàn bạc hay tìm hiểu một đề tài nào đó, lúc ở trong Nam, lúc ngoài Bắc, dù lặn lội ngược xuôi, cuối cùng Anh vẫn liên hệ đến vai trò của Đảng và người đảng viên tại chỗ - qua những sự việc đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Chúng tôi thán phục ông già này còn nặng lòng lặn lội với công việc nước non đã đành, song chính chúng tôi luôn luôn được ông mang lại cái nhìn mới gắn bó mật thiết với các sự kiện nóng hổi ở khắp mọi miền đất nước. Có lẽ sống trong hơi thở của cuộc sống đất nước – một phong thái rất Sáu Dân – nên anh Sáu luôn luôn tìm cách vượt qua mọi giáo điều và rất sợ để cho mình “cũ”. Nhất là ở tuổi của Anh..! Chúng tôi coi đấy là tấm gương sáng cho chính mình. Thoắt một cái, đã sắp đến ngày giỗ đầu của Anh Sáu rồi... Thời gian sao mà vùn vụt như tên bắn. Những công việc “xớ rớ” của chúng tôi tự đặt ra cho mình ùn tắc – vì thời gian keo kiệt bủn xỉn, vì biết bao nhiêu câu hỏi không dễ trả lời... Trong tôi, một sự trống trải khó nói nên lời. Xa xa đâu đó ...Người ơi người ở đừng về!.. Hà Nội, Tháng 5 - 2009 |