Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Tiền Giang: Khuyến cáo nông dân cải tạo ao đầm, chuẩn bị thả tôm
(Ngày đăng: 07/08/2012)

Trong điều kiện thời tiết đang qua giai đoạn giao mùa (từ mùa khô sang mùa mưa), ngày 28/5/2012, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang (Sở NN-PTNT) đã khuyến cáo người nuôi tôm chuẩn bị ao, đầm để có thể chủ động thả giống khi điều kiện thời tiết thật sự ổn định trong những tháng cuối năm 2012.

Người nuôi tôm nên chuẩn bị ao, đầm để chủ động thả giống khi thời tiết ổn định trong những tháng cuối năm 2012
 

         Theo Sở NN-PTNT, kết quả theo dõi diễn biến dịch bệnh và khảo sát thực tế của ngành và địa phương cho thấy, đến thời điểm hiện nay tình hình bệnh tôm đang tiếp tục có dấu hiệu giảm dần, tỷ lệ lưu hành mầm bệnh ngoài môi trường vùng nuôi có xu hướng giảm, các kết quả quan trắc các yếu tố môi trường trên địa bàn huyện Tân Phú Đông đều cơ bản phù hợp cho sự phát triển của tôm nuôi. Do đó, ngay thời điểm này người nuôi tôm nên chuẩn bị ao, đầm để có thể chủ động thả giống khi điều kiện thời tiết thật sự ổn định (gió mùa Tây Nam thổi ổn định,…). Tuy nhiên, để vụ nuôi tới đạt hiệu quả cao, Sở NN-PTNT cũng có một số lưu ý đối với người nuôi tôm.

          Cụ thể, trong quá trình cải tạo ao, người nuôi tôm tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc diệt giáp xác có nguồn gốc từ thuốc bảo vệ thực vật như Cypermethrin, Deltamethrin,… để xử lý cải tạo ao. Chuẩn bị tốt công tác cải tạo ao nuôi, xử lý triệt để mầm bệnh trước khi thả giống, sử dụng Chlorine hoặc các loại hóa chất khác nằm trong danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xử lý cải tạo và xử lý trong quá trình nuôi.

Trong điều kiện tình hình bệnh tôm hiện vẫn còn diễn biến khá phức tạp (bệnh tôm xảy ra trên diện rộng, vẫn chưa xác định được tác nhân chính gây ra Hội chứng hoại tử gan tụy), người nuôi tôm cần lựa chọn con giống thật sự có chất lượng để thả nuôi với mật độ thích hợp. Tôm sú nên thả nuôi với mật độ dưới 25 con/m2, tôm thẻ chân trắng thả nuôi  với mật độ dưới 80 con/m2 (tùy điều kiện trang bị cơ sở vật chất của hệ thống ao nuôi).

Trong quá trình nuôi, người nuôi tôm nên nuôi theo mô hình không hoặc ít thay nước (nước thay phải được xử lý kỹ trước khi cấp vào ao nuôi); theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, môi trường ao nuôi, tình trạng sức khỏe đàn tôm sau khi thả để có biện pháp xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra; quản lý chặt chẽ lượng thức ăn sử dụng không để dư thừa làm ảnh hưởng xấu đến môi trường ao nuôi; theo dõi kết quả quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh trên các phương tiện thông tin, truyền thông, để có chủ động, kịp thời thực hiện các biện pháp phòng bệnh trong quá trình nuôi.

Đồng thời, Sở NN-PTNT yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông tiếp tục tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi huyện chỉ đạo các xã kịp thời nắm bắt thông tin dịch bệnh và chủ động thực hiện các biện pháp phối hợp phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi với các Trạm Thú y, Thủy sản, Khuyến nông,… theo nội dung đã phân công.

 

Nguyễn Quang Trí, Chi cục Thủy sản TG

 

Tin liên quan