Hiện nay, tình hình nghêu (ngao) chết đang có chiều hướng gia tăng và có nguy cơ gây thiệt hại trên diện rộng tại các vùng nuôi. Để hạn chế tình hình nghêu chết, ngày 07/5/2012, ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã có công văn hướng dẫn việc thực hiện phòng chống dịch bệnh cho các địa phương có nuôi nghêu. | |
Đề phòng nguy cơ nghêu chết trên diện rộng |
Cụ thể, đối với người sản xuất, kinh doanh nghêu giống và nuôi nghêu thịt, khi khai thác và vận chuyển nghêu giống phải thực hiện khai báo kiểm dịch đầy đủ theo đúng quy định, đồng thời nghêu giống thả nuôi phải đảm bảo chất lượng với kích cỡ nghêu khoảng 7.000 con/kg, mật độ thả nuôi 150-200 con/m2. Trước khi thả nghêu, người nuôi nên tắm cho nghêu giống bằng nước ngọt để hạn chế ảnh hưởng của tác nhân gây bệnh Perkinsus sp.
Người nuôi chủ động san thưa nghêu khi mật độ dày, tập trung thu hoạch khi nghêu đạt kích cỡ thương phẩm. Đối với bãi nghêu đang nuôi bị phơi nắng từ 5-8 giờ/ngày thì sau giờ thứ 4 phải phun nước làm mát liên tục và che nắng tránh để nghêu chết do nhiệt độ quá cao. Vào những tháng nắng nóng kéo dài người nuôi cần chuyển nghêu xuống vùng hạ triều, không nuôi vùng cao triều để tránh bãi nghêu bị phơi nắng trong thời gian dài dẫn đến nghêu bị chết.
Khi có hiện tượng thủy triều đỏ (tảo độc nở hoa) cần có biện pháp phòng ngừa bằng cách cào nghêu xuống khu vực sâu hơn, phun nước, khua mạnh để nghêu không ăn, tránh cho nghêu bị nhiễm độc. Khi nghêu nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc chết phải báo ngay cho các ngành chức năng để có biện pháp hỗ trợ kịp thời; làm vệ sinh ở khu vực vùng nuôi bằng cách thu gom nghêu chết, rắc vôi bừa kỹ hoặc phủ cát mới để cải tạo đáy nhằm khử ô nhiễm, diệt trùng và làm sạch môi trường ở bãi nghêu, tránh lan truyền sang các khu vực lân cận, đặc biệt là khu vực có nghêu giống.
Đối với các đơn vị quản lý thủy sản địa phương, Tổng cục Thủy sản yêu cầu phải phối hợp với các Trung tâm quan trắc và cảnh báo môi trường khu vực (phía Bắc: Trung tâm Quan trắc và cảnh báo môi trường biển thuộc Viện Hải sản; miền Trung: Trung tâm Quốc gia quan trắc cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản khu vực miền Trung thuộc Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3, điện thoại 0583.831621; phía Nam: Trung tâm Quốc gia quan trắc cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản khu vực Nam bộ thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, điện thoại 08.38299592) để theo dõi các yếu tố môi trường: nhiệt độ, độ mặn, pH vùng nuôi và cảnh báo cho người nuôi.