Là nước có nhiều lợi thế trong sản xuất nhiều mặt hàng nông sản nhiệt đới, Việt Nam đang có vị trí ngày càng quan trọng trong thị trường hàng hóa nông sản thế giới, hiện tại, là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trong khu vực và thế giới với nhiều sản phẩm đặc trưng như cà phê, điều, hồ tiêu, chè, gạo, cây ăn trái. | |
Tuy nhiên, thực tế sản xuất và tiêu thụ nông sản Việt Nam trong thời gian qua còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết, phát triển không bền vững: (i) Một là nông sản xuất phát từ nền sản xuất nhỏ lẻ với sự tham gia của nhiều nông dân có tập quán canh tác tự do, lạm dụng chất hóa học để gia tăng năng suất sản lượng, thiếu ý thức đảm bảo vệ sinh gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), sâu bệnh kháng thuốc, tiêu diệt thiên địch, mất cân bằng sinh thái; tình trạng “mua đứt, bán đoạn” phổ biến, không có hệ thống truy vết để gắn trách nhiệm của người sản xuất vào sản phẩm; (ii) Hai là vấn đề tiêu thụ bấp bênh khi mối liên kết ngang giữa các nhà xuất khẩu chưa chặt chẽ, vẫn còn xảy ra tình trạng cạnh tranh lẫn nhau và mối liên kết dọc giữa nông dân với các nhà xuất khẩu, nhà chế biến, thu mua… hết sức lỏng lẻo, thường xảy ra tình trạng phá vỡ hợp đồng gây thiệt hại cho cả nông dân và doanh nghiệp; (iii) Ba là vấn nạn về ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt nông thôn, rác thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp (Hình 1) đang ngày càng trầm trọng, hiện vẫn chưa có hệ thống thu gom chất thải để xử lý. Lạm dụng thuốc BVTV trong phòng trừ dịch hại; thói quen vứt bừa bãi vỏ chai, bao bì thuốc BVTV khắp trên bờ ruộng, ao mương, kênh rạch, vườn tược; súc rửa bình phun thuốc ngoài kênh rạch là những nguyên nhân làm cho cả đất trồng và nước tưới đều bị ô nhiễm. Trung bình mỗi năm có khoảng 19.600 tấn vỏ bao thuốc BVTV và phân bón thải ra môi trường. Lượng phân bón vô cơ dùng trong nông nghiệp tăng 517% trong vòng 25 năm qua nhưng có tới 2/3 trong số đó không được cây trồng hấp thụ mà bị rửa trôi ra môi trường.
Hình 1. Rác thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp – nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Tiến tới xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững, các nông dân sản xuất nhỏ lẻ cần phải liên kết lại thành nhóm (Hợp tác xã: HTX, Tổ hợp tác: THT) gắn kết với Doanh nghiệp thông qua “Liên kết tiêu thụ sản phẩm GAP” (Mô hình 1 - Hình 2) hay thông qua việc “Tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm GAP” của chính Doanh nghiệp (Mô hình 2 - Hình 3).
Hình 2. Sơ đồ tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững (Mô hình 1)
Hình 3. Sơ đồ tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững (Mô hình 2)
Nền tảng của các mô hình tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững (Hình 2&3) là hệ thống quản lý sản xuất nông nghiệp (QLSXNN) đạt chứng nhận VietGAP/GLOBALG.A.P (sau đây viết tắt là GAP). Tiêu biểu cho Mô hình 1 (Hình 2) là Liên hiệp HTX Nông nghiệp An Giang với hệ thống QLSXNN đạt chứng nhận GLOBALG.A.P vào tháng 6/2011, liên kết với Công ty TNHH ADC để tiêu thụ sản phẩm lúa GLOBALG.A.P (Hình 4). Tiêu biểu cho Mô hình 2 (Hình 3) là Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) với hệ thống QLSXNN đạt chứng nhận GLOBALG.A.P vào tháng 4/2011, là Doanh nghiệp trực tiếp tổ chức sản xuất và xuất khẩu sản phẩm chôm chôm GLOBALG.A.P.
Hình 4. Hội thảo trao giấy chứng nhận GLOBALG.A.P tại An Giang.
Hệ thống QLSXNN đạt chứng nhận GAP là hệ thống kiểm soát chặt chẽ dây chuyền sản xuất, sơ chế, đóng gói, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo các tiêu chí về an toàn, chất lượng, truy vết sản phẩm, bảo vệ người lao động và bảo vệ môi trường. Một cách tổng quát sơ đồ tổ chức được mô tả trong hình 5, trong đó các nhân sự chủ chốt đảm trách các nhiệm vụ chính như: (i) Xác định yêu cầu khách hàng, lập kế hoạch và triển khai các quá trình cần thiết để tạo ra sản phẩm đúng theo yêu cầu khách hàng, điều này thay đổi quan niệm truyền thống trong sản xuất nông nghiệp từ trước đến nay là sản xuất và bán sản phẩm mà mình có, không chú trọng đến nhu cầu về số lượng và chất lượng của khách hàng; (ii) Kiểm soát việc trang bị cơ sở vật chất và thực hành sản xuất, sơ chế, đóng gói, bảo quản sản phẩm tại các nông hộ và nhà đóng gói nhằm giảm đến mức thấp nhất các mối nguy về vệ sinh an toàn thực phẩm, sức khỏe người lao động và ô nhiễm môi trường; (iii) Huấn luyện, đào tạo, nâng cao ý thức trong toàn hệ thống quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người lao động, bảo vệ môi trường và tổ chức hệ thống truy vết gắn kết trách nhiệm của người trực tiếp thực hành sản xuất, sơ chế, đóng gói, bảo quản vào sản phẩm; (iv) Kiểm soát một cách đồng bộ, chặt chẽ trong toàn hệ thống việc kiểm tra các thiết bị đo lường như: cân, thiết bị kiểm tra chất lượng, bình phun thuốc BVTV,…; việc mua và phân phối phân bón, thuốc BVTV, hóa chất, bao bì,…. để đảm bảo chất lượng của nguyên liệu đầu vào, đây là các thiết bị, nguyên liệu đầu vào có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm; (v) Công bố chất lượng sản phẩm, ký kết hợp đồng với khách hàng để tiêu thụ ổn định sản phẩm đạt chứng nhận GAP, đây chính là điểm cải tiến lớn trong quản lý sản xuất nông nghiệp là có sự cam kết bằng văn bản từ phía người sản xuất với khách hàng; (vi) Theo dõi và đo lường các đặc tính của sản phẩm trong suốt quá trình sản xuất ra sản phẩm để kiểm tra xác nhận rằng các yêu cầu về sản phẩm được đáp ứng, điều này đảm bảo sản phẩm khi xuất bán thỏa mãn yêu cầu khách hàng, tránh bị khiếu nại về số lượng, chất lượng, đền bù cho khách hàng, gây tổn hại đến uy tín, thương hiệu của sản phẩm.
Hình 5. Sơ đồ tổ chức hệ thống QLSXNN đạt chứng nhận GAP
Bảo vệ môi trường là một trong bốn mục tiêu quan trọng của hệ thống QLSXNN đạt chứng nhận GAP. Hệ thống quản lý này tổ chức cho các nhóm nông hộ, HTX, THT áp dụng thực hành sản xuất theo các nguyên tắc IPM (Integrated Pest Management – Quản lý dịch hại tổng hợp): ngăn ngừa sự phát triển dịch hại bằng các biện pháp canh tác tổng hợp (cây giống khỏe, mật độ cây trồng phù hợp, bón phân cân đối,…), theo dõi diễn biến dịch hại trên đồng để quyết định thời điểm can thiệp hiệu quả nhất bằng biện pháp hóa học, chỉ sử dụng thuốc BVTV khi mức độ gây hại vượt ngưỡng kinh tế; huấn luyện các nông hộ canh tác theo đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng (đúng loại, đúng liều lượng, đúng lúc, đúng cách); huấn luyện các nông hộ và nhà đóng gói quản lý chặt chẽ việc sử dụng hóa chất trong canh tác và xử lý sau thu hoạch; thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt, rác thải từ quá trình canh tác, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vỏ bao bì thuốc BVTV, nước thải từ quá trình phun thuốc BVTV,…
Về cơ bản cách quản lý theo GAP vẫn dựa trên nền tảng phân bón vô cơ, hóa chất BVTV, hóa chất xử lý sau thu hoạch,… Mặc dù được quản lý chặt chẽ về quy trình sử dụng, hạn chế số lượng, phát huy tối đa chất lượng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tồn dư thải ra môi trường, nhưng nếu vẫn sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp thì vẫn còn đó mối nguy lớn cho sự an toàn của sản phẩm và các hóa chất độc hại vẫn được phóng thích vào môi trường. Để làm tốt hơn nữa chức năng bảo vệ môi trường và tạo ra số lượng lớn sản phẩm an toàn chất lượng cao, hệ thống QLSXNN theo GAP cần tận dụng thế mạnh của mình trong mối liên kết với các nhóm nông hộ, đẩy mạnh việc tổ chức ứng dụng đồng loạt công nghệ sinh học trên diện rộng, kể cả trong quá trình canh tác và xử lý sau thu hoạch. Với kinh nghiệm tư vấn xây dựng hệ thống QLSXNN theo GAP và kinh nghiệm nghiên cứu ứng dụng các sản phẩm công nghệ sinh học, Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học Tiền Giang đề xuất ưu tiên áp dụng trong các mô hình QLSXNN theo GAP các sản phẩm công nghệ sinh học như: (i) Cây giống cấy mô; (ii) Phân bón hữu cơ vi sinh (bón gốc, qua lá); (iii) Chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật; (iv) Chế phẩm sinh học xử lý sau thu hoạch.
Thành công của việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất để tạo sản phẩm an toàn chất lượng cao và giảm ô nhiễm môi trường đã được Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ Sinh học Tiền Giang chứng minh qua: (i) Việc nghiên cứu sản xuất và trồng thử nghiệm nhiều loại cây giống cấy mô (các loại hoa, chuối, khoai mỡ, dưa hấu không hạt,...). Cây giống cấy mô sạch bệnh, có sức sống khỏe, chống chịu tốt với dịch hại và điều kiện bất lợi của môi trường, có độ đồng đều cao và thuận lợi cho thu hoạch đồng loạt (Hình 6 a&b); (ii) Việc nghiên cứu sản xuất và thử nghiệm chế phẩm bón gốc Bioroot. Bioroot đã góp phần cải thiện được chất lượng các loại rau: cây trồng cứng cáp, xanh tốt, khỏe mạnh hơn trong quá trình sinh trưởng và phát triển (Hình 7 a&b), lá dày hơn; tăng năng suất cây trồng mặc dù nhiều nông dân đã mạnh dạn giảm lượng phân bón hóa học N-P-K, Urea, DAP trung bình là 242,2 kg/ha/vụ; khả năng chống chọi với các điều kiện khắc nghiệt thời tiết (như mưa gió) tốt hơn; giảm được tỷ lệ chết cây con, chết cây do bệnh thối nhũn, bệnh héo rũ, bệnh nứt thân, chạy dây trên cây họ bầu bí, bệnh vùng rễ tốt hơn so với đối chứng. Năng suất trung bình của các ruộng sử dụng chế phẩm bón gốc tăng từ 227–1.900 kg/1.000m2/vụ, lợi nhuận trung bình tăng từ 308.000–3.466.000 đồng/1.000m2/vụ so với ruộng đối chứng (tùy từng loại cây). Ngoài các VSV cố định định đạm, trong chế phẩm bón gốc còn có nhóm VSV ức chế bệnh vùng rễ, VSV phân giải lân, VSV phân giải cellulose, nấm đối kháng Tricoderma giúp phân giải lân chậm tan, phân hủy Cellulose thành các chất hữu cơ bón vào đất, tăng độ màu mỡ của đất giúp cho đất tơi xốp, tạo điều kiện nâng cao năng suất cây trồng và chất lượng nông sản; (iii) Việc nghiên cứu sản xuất và thử nghiệm chế phẩm Pheromone trên rau, được áp dụng cùng với chế phẩm bón gốc, ngoài việc nâng cao được năng suất đã làm giảm được số lần phun thuốc trừ sâu hóa học khoảng 4,66 lần/vụ, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cây trồng; (iv) Việc nghiên cứu sản xuất và thử nghiệm chế phẩm nấm có ích Grefa cho thấy: các hộ đối chứng phải phun từ 4 - 6 lần thuốc BVTV phòng trị rầy chổng cánh, rầy mềm, sâu vẽ bùa trong 6 tháng, trong khi các hộ áp dụng chỉ phun chế phẩm nấm có ích không phải phun thuốc BVTV hóa học độc hại mà hiệu quả phòng trị lại cao hơn. Mặt khác, chế phẩm nấm có ích thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người và vật nuôi; (v) Ngoài ra, Trung tâm cũng đang thử nghiệm sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh Agribio của Công ty TNHH phân phối Đông Nam cho vườn ươm và vườn trồng cây chuối già Scavendish, bước đầu cho thấy cây chuối tăng trưởng nhanh, đồng đều, có sức sống mạnh mẽ, nảy chồi con ngay trong giai đoạn vườn ươm (Hình 8), có sức chống chịu tốt với dịch hại và điều kiện bất lợi (ngập nước, khô hạn,…)
“Tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững” dựa trên nền tảng của hệ thống QLSXNN đạt chứng nhận GAP là một giải pháp toàn diện, nhưng chưa thực sự giải quyết tận gốc các mối nguy về an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong các tổ chức liên kết này là bước đi cần thiết để hướng đến nền sản xuất nông nghiệp thân thiện môi trường, sản phẩm an toàn chất lượng cao./.
Hình 6. Cây chuối trồng từ cây giống cấy mô (a) và cây chuối trồng theo phương pháp của nông dân (b).
Hình 7. Rau cần có sử dụng chế phẩm sinh học bioroot (a) và đối chứng (không sử dụng bioroot) (b).
Hình 8. Cây chuối con trong vườn ươm có sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh Agribio.
TS Nguyễn Hồng Thủy, Trung tâm KT&CNSH (Sở KH và CN TG)