Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Sản xuất thâm canh lúa cao sản trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ lụt tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang
(Ngày đăng: 07/08/2012)
Huyện Cai Lậy là vùng sản xuất thâm canh ba vụ lúa/năm. Nguồn cung cấp nước chủ yếu cho huyện thông qua hệ thống các kênh rạch với các tuyến kênh trục chính như: Mỹ Long - Bà Kỳ, Bình Phú - Bang Dày, Ba Rài - kênh 12, các tuyến kênh này ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu và thoát nước trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Các xã phía Bắc Quốc lộ 1A chịu ảnh hưởng của lũ lụt hàng năm, bắt đầu từ cuối tháng 9DL, nước lũ từ thượng nguồn đổ về các sông, kênh, rạch.

Nông dân Cai Lậy là những người đi đầu trong quá trình thâm canh tăng vụ, do yêu cầu của mùa vụ và áp lực của nước lũ ở cuối vụ 3, việc bố trí mùa vụ rất nghiêm ngặt - thu hoạch xong là xuống giống ngay vụ tiếp theo. Để kịp thời vụ và để tránh bị thiệt hại do lũ ở cuối vụ 3 - nên nông dân phải chọn lựa những giống có thời gian sinh trưởng ngắn khoảng 90 - 95 ngày. Sau mùa lũ năm 2000 giống lúa ngắn ngày như IR50404 có nhiều ưu thế và được nông dân chọn để gieo trồng với diện tích ngày càng nhiều.  

- Vụ Đông xuân: Xuống giống từ tháng 11 đến tháng 12DL (thời gian xuống giống kéo dài hơn 30 ngày) và được thu hoạch trong tháng 2, tháng 3 năm sau. 

- Vụ Hè thu sớm: Xuống giống trong tháng 3DL, bằng cách đốt rơm và “sạ chay” ngay khi thu hoạch lúa đông xuân hoặc xới đất trước khi gieo.

- Vụ Hè thu chính vụ: Xuống giống trong tháng 6DL và được thu hoạch dứt điểm trước ngày 15 tháng 9, vì nếu thu hoạch trễ hơn có thể bị thiệt hại do nước lũ. 

Đặc điểm của vùng sản xuất thâm canh ba vụ lúa/năm nằm ở phía Bắc của huyện Cai Lậy, đây là vùng có địa hình trũng (0,7 - 0,8 m) và chiụ ảnh hưỏng trực tiếp của nước lũ hàng năm. Vì vậy, vụ Hè thu chính vụ (lúa vụ 3) phải được thu hoạch trước ngày 15 tháng 9DL để tránh được thiệt hại do nước lũ. Ngoài ra, nước lũ còn ảnh đến sản xuất cây ăn trái, rau màu, chăn nuôi, thủy sản, các hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành nghề khác, gây sạt lở đường sá...

Do sản xuất liên tục ba vụ lúa/năm và phải tranh thủ thu hoạch lúa Hè thu chính vụ trước khi nước lũ tràn về nên nông dân ở các xã phía Bắc của huyện đã xây dựng hệ thống bờ vùng cho từng cánh đồng với diện tích khoảng 200 - 300 ha và tổ chức bơm tiêu nước tập thể cho từng vùng. Tùy theo điều kiện bờ vùng của mỗi vùng, sẽ tiến hành bơm tiêu nước tập trung để gieo sạ vụ Đông xuân khi độ cao mực nước lũ từ 1,3  - 1,7 m. Thời gian bơm tiêu nước tập trung kéo dài từ 3 - 5 ngày, sau đó tất cả diện tích trong vùng này sẽ được xuống giống trong thời gian 2 - 3 ngày là xong. Sau khi gieo sạ xong việc tiêu thoát nước sẽ được duy trì cho đến khi lúa khoảng 10 ngày tuổi.

Bơm tiêu nước gieo sạ tập thể vụ Đông xuân hàng năm

Trong giai đoạn từ năm 1995 - 2003 nông dân các xã phía Bắc của huyện đã chủ động gia cố bờ vùng, bơm tiêu thoát để gieo sạ vụ Đông xuân sớm, việc bơm nước này sẽ tốn nhiều chi phí và lúa Đông xuân sẽ trổ và chín trong tiết Lập Đông – nên cho năng suất không cao. Tuy nhiên, xuống giống Đông xuân sớm thì sẽ thu hoạch Hè thu chính vụ sớm – có thể tránh thiệt hại do lũ. Từ vụ Đông xuân 2006 - 2007, để đối phó với rầy nâu truyền virus gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá – biện pháp “gieo sạ đồng loạt né rầy” đã được thực hiện. Việc “gieo sạ đồng loạt né rầy” đã rút ngắn thời gian xuống giống vụ Đông xuân và thời điểm xuống giống tập trung vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 - nên lúa Đông xuân trổ và chín trong tiết Lập Xuân. Theo kinh nghiệm của nông dân và kết quả ghi nhận nhiều năm đều cho thấy khi lúa trổ và chín trong tiết Lập Xuân thường cho năng suất cao hơn lúa trổ và chín trong giai đoạn tiết Lập Đông.

Thời điểm gieo sạ vụ Đông xuân hàng năm đã thay đổi - thời gian xuống giống chỉ kéo dài trong khoảng 7 - 10 ngày là kết thúc. Ngoài ra, gieo sạ Đông xuân muộn theo lịch né rầy sẽ giảm được chi phí bơm tiêu thoát nước. Năng suất lúa trong 5 năm qua (2007 - 2011) đều đạt hơn 17 tấn/ha/năm, cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, khi gieo sạ theo lịch “né rầy” thì thời điểm xuống giống của vụ Đông xuân muộn hơn, điều này sẽ dẫn đến một rủi ro có thể xảy ra cho lúa Hè thu chính vụ nếu như có lũ lớn xuất hiện – những năm có lũ lớn xảy ra thì thu hoạch lúa Hè thu chính vụ sau ngày 15 tháng 9DL sẽ bị thiệt hại do lũ.

 Tóm lại, với những kết quả trình bày đã cho thấy lũ lụt luôn là mối đe dọa đối với vụ lúa Hè thu chính vụ hàng năm – nếu có lũ lớn xuất hiện sớm và tốc độ nước lũ dâng nhanh thì lúa Hè thu chính vụ sẽ bị thiệt hại do lũ. Nếu nước lũ về ngập đồng ruộng vào đầu tháng 10DL với mức nước khoảng 1,2 m (trạm Mỹ Phước Tây), đạt đỉnh lũ vào khoảng cuối tháng 10DL với đỉnh lũ từ 1,5 - 1,8 m (trạm Mỹ Phước Tây) và đến giữa tháng 11DL nước lũ rút, những năm nước lũ xuất hiện như thế nông dân gọi là “lũ đẹp”. Thực tế cho thấy nước lũ có nhiều tác động tích cực đến sản xuất và đời sống của cư dân trong vùng chịu ảnh hưởng của lũ như:

- Đánh bắt cá tôm: những năm lũ lớn việc đánh bắt cá trên kênh rạch, đồng ruộng được thuận lợi hơn so với những năm lũ nhỏ.

- Nuôi cá, tôm trong mùa lũ sẽ thuận lợi trong những năm có lũ lớn: tôm, cá lớn nhanh, ít bị dịch bệnh, dễ tìm thức ăn và cho năng suất cao.

- Cung cấp phù sa cho đồng ruộng: Mỗi năm đồng ruộng trong vùng đồng bằng sông Cửu Long mỗi hecta được bồi trung bình từ 1 - 1,5 m3 phù sa/năm (khoảng 1.625 đến 2.438 kg, cung cấp khoảng 1,2 - 1,8 kg N, và 0,3 - 0,5 kg P2O5/ha/năm).

- Vệ sinh đồng ruộng: Trong mùa lũ trên đồng ruộng hoàn toàn không còn sự hiện diện của cây lúa, cắt đứt được nơi lưu tồn, lây lan của nhiều loài dịch hại đối với ruộng lúa.

- Cày ngâm lũ sớm, hạn chế lúa chét, cỏ dại: Năm nào nước về sớm đến khoảng giữa tháng 10 DL nước lũ nội đồng đã ngập ruộng, nông dân sẽ cày ngâm lũ sớm, nên lúa chét sẽ không phát triển và đất có thời gian dài để “nghỉ”, phân hủy chất hữu cơ, rửa trôi độc chất – thì năm đó vụ Đông xuân lúa sẽ phát triển tốt và thường cho năng suất cao.

- Rửa trôi độc chất trong đất: Đây là tác động rất có lợi của nước lũ đối với những vùng sản xuất thâm canh ba vụ lúa/năm (như huyện Cai Lậy). Việc cày vùi rơm rạ vào trong đất, đất thường xuyên ngập nước và sử dụng một lượng lớn phân hóa học bón cho ruộng lúa trong mỗi vụ - đã làm cho độc chất tích lũy trong đất ngày càng tăng sau mỗi vụ lúa. Khi đến mùa lũ, nước tràn vào đồng ruộng, nông dân cày ngâm lũ, nước lũ sẽ có tác động tích cực trong việc rửa trôi, phân hủy các độc chất đã tích lũy trong đất. Thời gian ngập lũ càng dài và lưu lượng nước chảy tràn qua đồng ruộng càng lớn thì tác động tích cực của nước lũ đến việc rửa trôi, giúp phân hủy các độc chất trong đất càng lớn. Đối với vùng đất bị nhiễm phèn, nước lũ cũng có tác động rất tích cực đến việc rửa phèn. 

Nuôi cá và đánh bắt cá trong mùa lũ

Ngược lại, những năm nước lũ nhỏ sản xuất và đời sống của cư dân trong vùng gặp một số khó khăn như:

- Sản xuất vụ lúa Đông xuân không thuận lợi: Bất lợi lớn nhất đối với sản xuất lúa khi lũ nhỏ là không vệ sinh được đồng ruộng, không rửa trôi được độc chất đã tích lũy trong đất trong suốt ba vụ sản xuất vừa qua, lúa chét hoặc cỏ dại phát triển sẽ tiếp tục huy động dinh dưỡng trong đất, sinh khối của chúng để lại càng lớn kết hợp với thời gian từ khi cày vùi đến khi gieo sạ lúa đông xuân càng ngắn thì nguy cơ do ngộ độc hữu cơ càng cao.

- Đánh bắt và nuôi cá, tôm không thuận lợi: Khi lũ nhỏ khó tìm thức ăn cho tôm cá nuôi trong ruộng lúa, cá tôm chậm lớn, tốn nhiều chi phí và dịch bệnh dễ xảy ra. Ngoài ra, lũ nhỏ việc đánh bắt cá tôm trên ruộng lúa, kênh rạch cũng gặp nhiều khó khăn.

Để giảm đến mức thấp nhất ảnh hưởng bất lợi của lũ lụt đến sản xuất và đời sống của cư dân trong vùng chịu tác động của lũ lụt và khai thác những lợi ích của nước lũ mang lại cho sản xuất và đời sống – không nên “chống lũ”, chỉ nên “phòng, tránh, né lũ” theo hướng có lợi nhất. Cụ thể, trong giai đoạn hiện nay đối với vùng sản xuất thâm canh ba vụ lúa/năm của huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang – cần quan tâm đến một số vấn đề: 

- Nâng cao hệ thống bờ vùng, gắn với các trạm bơm điện để chủ động bơm tiêu thoát nước, gieo sạ vụ Đông xuân vào thời điểm hợp lý nhất – nhằm khai thác thời tiết thuận lợi của tiết Lập Xuân khi lúa trổ, chín để đạt được năng suất cao nhất. Khi có hệ thống bờ vùng vững chắc và trạm bơm điện sẽ chủ động ngăn nước để thu hoạch lúa Hè thu chính vụ nếu có lũ về sớm, sau đó cho nước lũ tràn vào đồng ruộng.

- Nâng cấp các tuyến đường giao thông vượt lũ, bảo đảm cho việc đi lại thông suốt trong mùa lũ. Hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho nhân dân trong vùng vay vốn tôn cao nền nhà, chuồng trại và bờ bao bảo vệ ao cá vượt lũ. Cách này sẽ giúp cư dân trong vùng vẫn ổn định cuộc sống; duy trì sản xuất từ việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản và đánh bắt cá để cải thiện bữa ăn, có thêm thu nhập khi nước lũ về và đến khi nước lũ rút có vốn để tái sản xuất vụ Đông xuân./.  

TS Lê Hữu Hải, Trưởng phòng NN-PTNT Cai Lậy
Tin liên quan