Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Chất làm trái chín sớm- Lợi và hại như thế nào?
(Ngày đăng: 07/08/2012)
Thời gian gần đây có nhiều tin đồn: Một số thương lái tại TP. Hồ Chí Minh mua sầu riêng còn xanh, thậm chí còn non của Cai Lậy về nhúng hóa chất làm cho trái chín nhanh có màu rất đẹp, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Biện pháp nầy chẳng những sử dụng cho trái sầu riêng, mà còn áp dụng cho các lọai trái cây khác. Trong khi cơ quan chức năng chưa có điều tra và đưa ra ý kiến gì thì thị trường trái cây đã bị tác động không ít. Nhiều trrường hợp người trồng và người làm nghề mua bán trái cây khốn đốn do mất giá, thiệt hại khôn lường. Vậy, thực chất của vấn đề nầy như thế nào?

Công đọan sau thu họach trái cây ở nhiều nước trên thế giới, việc sử dụng hóa chất “xử lý” trái cây trong các công đọan sau thu họach rất phổ biến. Sau khi hái người ta dùng nước rửa sạch bụi đất, trứng và côn trùng bám vào vỏ trái cây. Kế đến ngâm trái cây vào thuốc diệt nấm bệnh, một số xông lưu hùynh với nồng độ và cách thức nhất định (riêng trái nhập vào Nhật Bản phải ngâm nước nóng 50 0C; vào Hoa Kỳ phải chiếu xạ). Người ta cũng dùng chất điều hòa sinh trưởng để kéo dài độ tươi tốt của trái; dùng ethrel (một chất điều hòa sinh trưởng) tạo màu vỏ và thúc đẩy sự chín của trái đồng đều trước khi đóng gói, bảo quản, tăng mỹ quan. Vì thế trái cây có thể vận chuyển đi xa và bảo quản 2 đến 3 tháng.

Ở nước ta ngòai các doanh nghiệp xuất khẩu, việc sử dụng hóa chất xử lý trái cây ở các công đọan sau thu họach chưa được áp dụng dẫn đến trái cây hư hỏng rất nhiều. Dự đóan trái cây trong giai đọan sau thu họach của một số dự án về rau quả là 20 - 25%. Ngược lại, khi áp dụng phương pháp bảo quản, tỷ lệ hư hao rất thấp.

Hiểu như thế nào về chất làm “trái chín sớm”.

Trong tự nhiên, etylen có trong tất cả các mô của cây, tham gia trong quá trình trao đổi chất ở trong cây. Khi etylen tăng cường họat động ở trong trái cây làm chín trái. Ở những lĩnh vực khác etylen làm tăng mủ cao su, làm tăng tỷ lệ hoa cái ở các cây họ bầu, bí...

Theo các báo cáo khoa học, dùng ethrel nhân tạo chủ động cho trái cây đủ độ già thu hái chín đồng lọat, giảm thiểu hao hụt và làm cho chất lượng trái tốt hơn. Etylen nhân tạo có được là do pha ethrel vào nước, mà ethrel theo chuyên gia hóa học là một acid có tên chloroethyl phosphonic, acid CEPA (hoặc ACEP) dạng lỏng, không màu đến hổ phách nhạt, tan dễ dàng trong nước. Người ta đã tạo ra chế phẩm ACEP có tên là ethrel, ethefon, camposan, arvest...Nhúng cả trái hoặc thêm etylen nhân tạo vào lõi, giúp trái mau chín. Sự hiện diện của etylen trong trái giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong trái, làm trái mau chín.

Theo các chuyên gia hóa học, ethrel có những độc tính nhất định và chỉ xếp vào lọai chất “độc nhẹ”, không phải là chất “cực độc” như một số thông tin đã đưa. Các nghiên cứu trên người về độc tính của ethrel cho thấy: đối với mắt, ethrel gây xót mắt, gây mắt đỏ; với da, nếu tiếp xúc trực tiếp sẽ có hiện tượng ăn mòn, gây sưng đỏ. Khi dùng ethrel cần đeo kính và găng tay để tránh gây hại cho cơ thể.

Cho đến nay, chưa có một thông báo nào về nguy cơ gây ung thư hay những ảnh hưởng trên các cơ quan khác của cơ thể về lâu dài. Theo một kết quả nghiên cứu đáng tin cậy, họat chất ethrel ở trạng thái dung dịch, khi bôi hoặc ngâm trái sẽ sinh ra chất khí etylen thúc đẩy enzym giúp trái nhanh chín. Ngòai ra, cũng theo nghiên cứu nầy etylen có tác dụng làm trái chín nhanh hơn, hình thức đẹp hơn, tuy hương vị có thể không bằng trái chín tự nhiên, nhưng hòan tòan không gây độc hại.

Sử dụng chất làm trái chín nhanh có lợi và hại như thế nào?

Ở nước ta, ethrel nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật; được phép sử dụng làm chất điều hòa sinh trưởng thực vật với công dụng là kích thích ra hoa ở nhãn, vải, xòai, thanh long. Vài năm trước đây, do biết tác dụng rộng rãi của ethrel, một công ty đã cho ra đời sản phẩm “Phân làm trái chín” đã gây ra tổn thất cho nhà vườn và doanh nghiệp do người tiêu dùng khước từ “trái cây nhúng phân”. Mới đây công ty nầy lại cho ra thị trường “Sản phẩm HPC-97 HXN trái chín” và có ghi thành phần là chất điều hòa sinh trưởng, có ghi liều lượng sử dụng...Tuy nhiên, gốc vẫn là thuốc bảo vệ thực vật và dư luận đang xôn xao về chất điều hòa sinh trưởng trên rau quả, lại gây ra sự hiểu sai lệch trong cộng đồng. Hơn nữa, việc sử dụng bừa bãi, đặc biệt là thu hái trái chưa đủ độ già rồi nhúng “thuốc” cho nhanh chín của nông dân, nhà thu gom hay thương lái là việc làm sai lệch, khó chấp nhận được.

Theo nhận định của các nhà khoa học, có thể không quá lo lắng về tác hại của ethrel gây ra trong quá trình giú chín hoa quả. Tuy vậy rất cần chấn chỉnh việc quản lý hóa chất trong khâu sản xuất, lưu thông, sử dụng ethrel, etylen để phòng ngừa việc sản xuất “phân làm trái chín”, “thuốc bảo vệ thực vật làm trái chín”; người buôn bán hoa quả lạm dụng ethrel và etylen quá liều cho trái xanh thành trái chín chất lượng thấp. Đây có thể là điều tác hại gây ảnh hưởng đến thu nhập của nhà vườn và uy tín về chất lượng trái cây của nước ta. Chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến việc ngăn chặn chất bảo quản không nhãn mác tràn vào thị trường. Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm bảo quản hay điều hòa sinh trưởng...phải đăng ký quy trình; trong đó hóa chất tham gia không được tồn dư quá mức cho phép trong trái cây. Việc dùng các hóa chất để bảo quản trái cây mang ý nghĩa kinh tế - kỹ thuật là điều có lợi, nhưng phải tuân thủ theo trình tự công việc và nguyên tắc do cơ quan quản lý nhà nước. Do vậy, tình hình sử dụng “chất làm chín nhanh trái cây” hiện nay trên thị trường cần có sự khuyến cáo từ phía cơ quan quản lý có thẩm quyền, nhất là cơ quan quản lý về “an tòan, vệ sinh thực phẩm”./.

                                                                                           

 

Nguyễn Văn Re, PGĐ Sở KH-CN Tiền Giang
Tin liên quan