Hiện nay, Tiền Giang được đánh giá là tỉnh có nền nông nghiệp phát triển mạnh và tương đối bền vững ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nông dân tỉnh Tiền Giang không chỉ đi đầu trong các mô hình trồng trọt và chăn nuôi tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng mà còn có rất nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật làm ra nhiều nông cụ, mô hình sản xuất mới đạt hiệu quả cao. | |
Ở huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) rất nhiều nông dân biết đến anh Dương Văn Thuận - một nông dân ngụ ấp Thạnh Yên, xã Thạnh Trị. Từ lâu, anh Thuận không chỉ sản xuất giỏi mà còn rất chăm chỉ, sáng tạo, đã chế tác ra một loại máy phun thuốc bảo vệ thực vật đa năng. Gia đình anh Thuận sống chủ yếu dựa vào ruộng lúa. Những năm vừa qua, nhà nông thường đối mặt với dịch rầy nâu gây hại mang mầm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, anh nảy sinh ý tưởng: làm sao phải chế giàn phun thuốc diệt rầy để giảm bớt chi phí thuốc và công phun, nhưng mang lại hiệu quả diệt rầy cao nhất,... Sau nhiều đêm thức trắng, anh kẻ, vẽ sơ đồ giàn phun rồi chỉnh sửa, mang ra thợ hàn thiết kế đúng như bản vẽ. Sản phẩm thiết kế đầu tiên mang về nhưng chưa ưng ý, phải đến lần thứ 3 mới được. Tháng 7/2008, giàn phun thuốc diệt rầy đầu tiên mang ký hiệu TY:01 ra đời được áp dụng ngay trên diện tích ruộng nhà. Kết quả thật bất ngờ, rầy chết đặc ruộng và giảm chi phí. Sản phẩm đầu tiên cấu tạo vẫn là bơm thuốc bằng tay, phía sau gắn giàn phun diệt rầy gồm bộ khung sắt được thiết kế dài 1,6 mét với 6 béc phun trên một ống dẫn thuốc gắn trên một thanh sắt. Thanh sắt này có tác dụng gạt thân lúa để đầu phun bơm thẳng vào thân và gốc lúa, nơi có nhiều rầy đeo bám. Trọng lượng toàn bộ là 10kg. Toàn bộ chi phí phụ kiện khoảng 500.000 đồng. Nếu dùng giàn phun này, tỷ lệ rầy chết đạt trên 90%. Ưu điểm của giàn phun là người phun thuốc kéo phía sau, giàn phun tự động xịt thuốc, người phun ít bị nhiễm độc.
Tuy nhiên, anh Thuận vẫn chưa hài lòng với giàn phun ban đầu. Anh lại mày mò nghiên cứu tìm tòi, tiếp tục cải tiến giàn phun rầy thứ hai mang ký hiệu TY:02. Giàn phun mới với ống dẫn thuốc dài 2,5 mét, gắn 8 đầu phun, giàn nặng 11 kg, sử dụng trên cả bình phun tay và bình phun máy; chi phí khoảng 600.000 đồng. Qua thời gian sử dụng giàn phun TY:02, kết quả diệt rầy cũng rất tốt, giảm chi phí 200.000 đồng một đợt phun/ha. Tuy nhiên khi lúa trổ, giàn phun không đáp ứng được (khi thanh gạt đi qua, cây lúa vừa ngóc lên thuốc xịt ngay vào bông lúa); trọng lượng nặng nề khi di chuyển và chỉ phun diệt rầy, không thuận tiện để phun xịt các đối tượng sâu bệnh khác.
Không nản chí, từ thử nghiệm, hội thảo, anh đúc kết những yếu điểm của giàn phun TY:02, tháng 3/2009, anh cho ra đời bộ phụ kiện máy phun thuốc bảo vệ thực vật đa năng TY:03. Giàn phun lần này gọn, nhẹ hơn nhiều, chỉ nặng 3,5 kg, được thiết kế trên thành máy phun gồm có hệ thống tay đẩy, bộ khung kềm cặp ống dẫn thuốc điều chỉnh lên xuống theo chiều dài thân cây lúa. Ống dẫn thuốc dài 4,6 mét, đường kính 1 cm. Trên ống dẫn gắn 9 vòi phun. Mỗi đầu vòi phun có hàn 2 cái ngoe (cây gạt lúa) hình chữ V dài 20cm. Khi phun rầy, hệ thống tay đẩy sẽ điều chỉnh giàn ngoe đưa xuống khỏi bông lúa, áp lực máy phun sẽ xịt thuốc đến ngay thân và gốc lúa. Giàn phun giảm chi phí khoảng 300.000 đồng một đợt phun/ha. Đặc biệt, bộ phụ kiện máy phun này còn áp dụng phun xịt thành công cho tất cả các thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây lúa và phun xịt cho tất cả các loại sâu bệnh khác, hiệu quả đạt trên 98%.
Sau khi giàn phun thứ 3 hoàn chỉnh ra đời, áp dụng có hiệu quả trên khắp các cánh đồng trong khu vực. Hiệu quả diệt rầy đến 98%; bình quân một máy phun thuốc khoảng 1,5 đến 2 ha/ngày; do phun nhanh và đều nên tiết kiệm được lượng thuốc và công phun khoảng 300.000 đồng/ha. Hiện nay,có nhiều nông dân địa phương đã sử dụng giàn phun thuốc diệt rầy của anh. Với giàn phun thuốc diệt rầy này, thời gian qua, "kỹ sư chân đất" Dương Văn Thuận đã đạt nhiều giải cao cấp tỉnh và cấp quốc gia tại hội thi "Sáng tạo kỹ thuật nhà nông", do Hội Nông dân cấp tỉnh và cấp Trung ương tổ chức.
Sau thời gian tự mày mò, nghiên cứu, anh Nguyễn Văn Hùng, nông dân ở xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã sáng chế thành công chiếc máy phun xịt thuốc bảo vệ thực vật cải tiến có bộ phận lấy nước trực tiếp từ chân ruộng. Cái máy do anh cải tiến hoàn toàn khác với các loại bình phun xịt thuốc thủ công hay các loại máy phun xịt thuốc khác trên thị trường hiện nay. Bởi các loại bình phun xịt thuốc mà nông dân đang sử dụng thì khi phun hết dung dịch thuốc trong bình phải mở nắp bình để cho dung dịch mới (gồm thuốc và nước) vào. Còn máy phun xịt thuốc do anh Hùng tạo ra thì chỉ cần bỏ thuốc bảo vệ thực vật vào thì máy tự hút nước từ ruộng lên phun xịt lúa thông qua một ống hút nước. Do đó, nhà nông sử dụng máy này sẽ giảm bớt thời gian và hạn chế việc đi lại làm ảnh hướng đến cây lúa. Hiện nay, anh Nguyễn Văn Hùng đã sản xuất ra hơn 200 máy phục vụ nhu cầu của nhà nông. Máy phun xịt thuốc do anh sang chế đã được cơ quan hữu quan xét cấp giấy chứng nhận "Thương hiệu Việt".
Máy phun xịt thuốc cải tiến đã đem lại cho anh Nguyễn Văn Hùng giải thưởng "Sáng tạo kỹ thuật" cấp tỉnh; đồng thời bản thân anh còn được trao tặng giải thưởng "Doanh nghiệp - Doanh nhân - Trí thức ưu tú ứng dụng thành công khoa học - kỹ thuật và khoa học công nghệ tiêu biểu cộng đồng Thương hiệu Việt Nam ", do Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan chuyên môn bình xét phong tặng.
Ở xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang thì ông Lê Phước Lộc được mệnh danh là "vua" kéo cắt tỉa miệt vườn. Tuy là nông dân chưa hề qua trường lớp đào tạo nghề cơ khí, nhưng trong tay ông đã có hàng loạt sáng chế, cải tiến kỹ thuật được bà con nông dân Nam bộ nhiệt liệt hưởng ứng.
Trong 7 năm qua, ông Lê Phước Lộc đã có bốn sáng chế và giải pháp kỹ thuật được ngành chuyên môn công nhận và nhà nông áp dụng, trong đó có ba sáng chế đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp là: kéo cắt tỉa, kéo có dụng cụ bao trái cây và dụng cụ "bét" tưới nước, ông cũng là người duy nhất ở Tiền Giang đã được cấp 03 bằng đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp này.
Từ xưa nay, để cắt tỉa cành cây, nhà vườn phải sử dụng thang gỗ hoặc thang sắt leo lên cây rất vất vả và kém an toàn. Trên thị trường có bán loại kéo cắt tỉa lưỡi cong, dùng tay giật dây kéo bất tiện. Từ đó, ông Lộc nghiên cứu sáng chế ra cái kéo cắt tỉa đa năng, nhà vườn chỉ cần đứng dưới đất đưa kéo lên cắt cành hay tỉa trái. Sản phẩm đầu tay, ông đưa cho nhà vườn địa phương sử dụng và ai cũng ưng ý. Chiếc kéo này may mắn đạt giải nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật Tiền Giang lần V. Kéo cắt tỉa của ông Hai Lộc thao tác đơn giản, nâng cao chất lượng tỉa cành, hái trái cây, giá thành phù hợp với túi tiền của người nông dân và sử dụng rất bền, được nông dân-nhất là nhà vườn ưa chuộng. Từ năm 2003 đến nay, người nông dân này đã sản xuất và bán ra thị trường trên 10.000 cây kéo cắt tỉa, cung ứng cho hơn 70 đại lý ở các tỉnh ĐBSCL và một số tỉnh miền Đông với giá bán phổ biến khoảng 100 - 150 ngàn đồng/sản phẩm.
Cũng tại xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang có một lão nông trở thành "kỹ sư chân đất" đã cải tiến ra máy nông cụ phục vụ cho sản xuất lúa nổi danh trong cả nước. Đó là ông Nguyễn Văn Lang (tức ông Tư Sang )- chủ Cơ sở cơ khí Tư Sang.
Trong 20 năm qua, ông Tư Sang đã cải tiến ra hàng nghìn máy nông cụ như: máy cắt lúa, máy thu hoạch lúa phục vụ cho nông dân khắp các nơi trong cả nước. Gần đây, với loại máy gặt đập liên hợp, ông Tư Sang đã khẳng định tên tuổi, thương hiệu của mình trên thị trường. Đây là loại máy hiện đại, đang được nhiều nông dân trong khu vực tin dùng trong sản xuất. Máy gặt đập do ông Tư Sang sáng chế có trọng lượng hơn 2 tấn; có khả năng thu hoạch mỗi ngày từ 4-5 ha lúa. Tính ra, loại máy này thay thế cho khoảng hơn 50 công lao động. Tuy giá trên 130 triệu đồng/máy, nhưng cơ sở sản xuất không đủ máy để bán cho nông dân các nơi. Gần đây, máy gặt đập liên hợp do ông Nguyễn Văn Lang cải tiến đạt nhiều giải cao ở các hội thi cấp tỉnh, cấp khu vực và được phong tặng danh hiệu "Hoa hậu ruộng đồng".
Dù tuổi đã gần 70, kinh tế gia đình khá giả nhưng ông Tư Sang vẫn chưa hề nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi. Ông cho biết: nếu không trực tiếp lao động chân tay thì làm cố vấn kỹ thuật. Ông hy vọng một ngày gần đây cơ sở cơ khí của gia đình sẽ sáng chế, cải tiến ra nhiều loại nông cụ, máy móc cần thiết, có ích cho ngành nông nghiệp để giúp bà con nông dân giảm bớt vất vả.
Từ lâu, anh Bùi Minh Thế ở xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang trở thành người bạn thân thiết của người chăn nuôi bởi sản phẩm máy phát điện do anh cải tiến đã phục vụ thiết thực cho các trại chăn nuôi trong việc xử lý ô nhiễm môi trường và còn tạo nguồn năng lượng hữu ích. Từ kiến thức cơ khí tự học hỏi, anh Bùi Minh Thế chuyển đổi nguyên lý hoạt động của một động cơ đốt trong từ việc thay thế nhiên liệu (xăng, dầu) bằng loại khí thải dễ cháy. Khi động cơ hoạt động, anh áp dụng phương thức chuyển đổi cơ năng thành điện năng thông qua hệ thống dinamô phát điện. Để thực hiện thành công công trình này, anh Bùi Minh Thế sử dụng khí thải từ các cơ sở chăn nuôi gia súc được giữ trong các hầm biogas, sau đó có hệ thống ống dẫn khí vào động cơ. Điều quan trọng là phải chế tạo ra "bộ chế hòa khí" phù hợp để cho động cơ hoạt động liên tục, từ đó tạo ra dòng điện có cường độ ổn định. Khi lắp ráp hoàn chỉnh các thiết bị với nhau, động cơ được khởi động bằng bình ắc-quy. Với loại khí thải trong chăn nuôi rất nhạy cháy nên động cơ do anh cải tiến chạy rất "ngọt" và sản sinh ra dòng điện tốt. Hơn 5 năm qua, với sáng kiến của mình, anh Bùi Minh Thế đã cải tiến ra gần 300 máy phát điện biogas phục vụ nhu cầu của người dân nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Ở tỉnh Tiền Giang còn có nhiều nông dân khác là "kỹ sư chân đất" - những điển hình tiến tiến trong phong trào thi đua của ngành nông nghiệp. Qua lao động sản xuất, họ đã tích lũy kinh nghiệm, các tiến bộ kỹ thuật, sáng tạo làm ra những nông cụ, mô hình sản xuất mới,... vừa ứng dụng trong lao động sản xuất tại gia đình, vừa phục vụ hữu hiệu cho nhu cầu của nông dân.