Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Xây dựng chiến lược để phát triển bền vững
(Ngày đăng: 29/05/2012)
GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội Việt Nam), cho rằng một tổ chức muốn phát triển bền vững và có vị thế trong xã hội thì cần có chiến lược. Đây là công việc Liên hiệp hội Việt Nam đang gấp rút thực hiện, trước mắt nhằm chuẩn bị cho Đại hội đại biểu lần thứ VI, dự kiến sẽ diễn ra cuối năm nay, sau đó là để có những bước đi vững chắc cho các năm tiếp theo.

- Xin ông cho biết bối cảnh trong đó Liên hiệp hội Việt Nam xây dựng chiến lược. Từ trước nay Liên hiệp hội Việt Nam vẫn tồn tại và hoạt động ngày càng có hiệu quả mà cũng không cần có chiến lược. Chúng ta có các kỳ đại hội 5 năm một lần, để tổng kết hoạt động nhiệm kỳ trước và đề ra phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ sau. Vì sao đến bây giờ chúng ta mới xây dựng chiến lược?

GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng: Trong 26 năm thành lập Liên hiệp hội Việt Nam, chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nói dân dã thì là “vừa làm vừa mò mẫm”, vì hoạt động Hội còn mới mẻ với xã hội ta. Lúc đầu Liên hiệp hội Việt Nam có ít thành viên nhưng nay rất đông rồi, có 153 hội thành viên, chưa kể các hội con trong các tổng hội và các đơn vị khoa học và công nghệ trực thuộc.

Liên hiệp hội Việt Nam chưa có chiến lược để phát triển lâu dài. Đó là khiếm khuyết, vì một tổ chức muốn phát triển bền vững phải có chiến lược và đã đến lúc chúng ta phải làm. Chúng ta tự mình xây dựng chiến lược, dự án “Nâng cao năng lực cho Liên hiệp hội Việt Nam” do Tổ chức phát triển liên hiệp quốc (UNDP) tài trợ chỉ hỗ trợ  thêm việc này cho tốt.

Việc xây dựng chiến lược còn để thống nhất quan điểm về một số vấn đề. Chẳng hạn như vấn đề tổ chức. Hiện nay, có ý kiến cho rằng Liên hiệp hội Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội, mà đã là chính trị-xã hội thì phải có tính hệ thống để đảm bảo thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Mặt khác, chúng ta có các tổ chức xã hội-nghề nghiêp, tự nguyện gia nhập Liên hiệp hội mà tự nguyện thì có người cho rằng cần gì có tính hệ thống. Do đó tới đây chúng ta cần bàn xem giải quyết vấn đề như thế nào? Cách tổ chức như thế nào?

Có ý kiến cho rằng đơn vị 81 cũng nên là tổ chức thành viên của Liên hiệp hội Việt Nam nhưng cho tới hiện nay thì chưa được. Vì trong Điều lệ Liên hiệp hội Việt Nam, các hội thành viên là các hội ngành trung ương và các liên hiệp hội địa phương. Còn các đơn vị 81 là đơn vị trực thuộc Đoàn Chủ tịch hoặc các hội thành viên. Đơn vị 81 chỉ là tổ chức tự nguyện của một nhóm người, hoạt động vì mục tiêu xã hội hóa. Muốn làm thành viên phải được quy định trong Điều lệ, được Nhà nước phê duyệt.

- Hiện nay, một số đơn vị 81 không chỉ hoạt động khoa học và công nghệ, đào tạo và phổ biến kiến thức, phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo… mà họ cũng nghĩ tới vận động chính sách. Vậy họ có hoạt động chính trị? Nếu họ muốn thực hiện nhiệm vụ chính trị, muốn thành lập liên minh để vận động chính sách có được không?

GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng: Khi hình thành liên minh, có tổ chức thì phải xin phép, nếu không sẽ vi phạm pháp luật. Theo tôi các tổ chức có thể liên kết hoạt động.

Liên kết để đóng góp chính sách thì không ai cấm, mọi người dân đều có quyền đóng góp ý kiến cho Đảng và Nhà nước. Tổ chức làm vận động chính sách phải có tên, tiếng nói có trọng lượng. Liên hiệp hội Việt Nam vận động chính sách thì hơn là một nhóm người. Ví dụ Liên hiệp hội Việt Nam liên kết với Bộ NN&PTNT làm “tam nông”, với Bộ GD&ĐT làm đào tạo...

- Được biết, vừa rồi trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực cho Liên hiệp hội Việt Nam” có một báo cáo độc lập nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực trạng Liên hiệp hội Việt Nam của ông Trần Đình Long (Trung tâm phát triển xã hội và môi trường vùng) và xung quanh báo cáo này có một số tranh luận trong Đoàn chủ tịch. Xin ông cho biết quan điểm của mình về một số phân tích điểm mạnh-cơ hội và điểm yếu-thách thức nêu trong báo cáo?

Xây dựng chiến lược để có bước đi vững chắc.
Xây dựng chiến lược là biết chọn các mục tiêu ưu tiên
GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng: Theo tôi, báo cáo có nét riêng nhưng về cơ bản nhận thức vai trò tổ chức chính trị-xã hội của Liên hiệp hội Việt Nam chưa ổn. Báo cáo mới chỉ dựa trên một số văn bản của Liên hiệp hội Việt Nam nên so với báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW thì chưa đủ. Chẳng hạn như báo cáo nhận định những điểm mạnh và cơ hội của Liên hiệp hội Việt Nam là có sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền, mối quan hệ với chính quyền rất tốt và có hành lang pháp lý cho hoạt động tương đối rõ ràng, có tư cách độc lập trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, theo tôi là chưa ổn. Trên thực tế, các nơi kêu nhiều về Nghị định 88/2003/NĐ-CP (về tổ chức và hoạt động hội) vì nghị định này chưa tạo điều kiện cho việc thành lập và phát triển hệ thống Liên hiệp hội, cũng như các hội. Từ khi ra đời đến nay, nghị định này bị các hội phản ứng rất mạnh đến mức vừa rồi đồng chí Trương Tấn Sang, Bí thư TW Đảng, đã chỉ đạo sửa đổi nghị định.

Hay như Chỉ thị 45-CT/TW (về đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) ra đời từ năm 1998 nhưng hai năm sau Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Chỉ thị 14-CT/TTg

Hoặc là Quyết định 22/2002/QĐ-TTg còn chung chung, khái niệm tư vấn, phản biện và giám định xã hội chưa rõ ràng. Theo tôi, khái niệm đầy đủ phải là tư vấn xã hội, phản biện xã hội, giám định xã hội, nghĩa là tôi có thể tư vấn, phản biện, giám định bất cứ vấn đề nào trong xã hội, chứ không phải đợi đặt hàng. Ngay cả dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 88 do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng mới đây cũng vẫn cho rằng các hội chỉ được thực hiện hoạt động này khi có đơn đặt hàng của xã hội. Dự thảo do Liên hiệp hội Việt Nam xây dựng giải thích rõ khái niệm này.

Theo tôi, vì Liên hiệp hội Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội, thực hiện các nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao cho thì Nhà nước cần tạo nguồn kinh phí để Liên hiệp hội Việt Nam chủ động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Ở Việt Nam, mới chỉ có TP. Hồ Chí Minh cấp kinh phí ổn định cho Liên hiệp hội TP thực hiện các hoạt động này.

- Hiện nay, ngay trong Liên hiệp hội Việt Nam cũng còn có ý kiến khác nhau về khái niệm tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Ví dụ có ý kiến cho rằng nếu tư vấn là tư vấn xã hội thì khi một người có bất cứ vấn đề nào dù nhỏ (chẳng hạn những vấn đề trong đời sống gia đình...), người đó cũng có thể đến Liên hiệp hội xin tư vấn...

GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng: Theo tôi, để hiểu rõ hơn khái niệm, Quyết định 22 sửa đổi, bổ sung nên có nội dung phân cấp loại dự án (theo kinh phí) cần có tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội. Trong nội dung chiến lược sắp tới, về tư vấn, phản biện và giám định xã hội, Liên hiệp hội Việt Nam cần tập trung vào những dự án lớn, những vấn đề cốt lõi của đất nước, chứ không làm những vấn đề lặt vặt. Thời gian qua, chúng ta đã làm cả những vấn đề nhỏ đến lớn để cho quen với các kỹ năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội.

Tương tự, hoạt động nghiên cứu khoa học của Liên hiệp hội Việt Nam cũng nên giải quyết những vấn đề lớn, không để tự phát. Liên hiệp hội Việt Nam có thể nhận các dự án lớn (về môi trường, xóa đói giảm nghèo...) từ Chính phủ, các bộ, ngành rồi tổ chức, phân công các hội thành viên thực hiện. Muốn làm được điều đó, Liên hiệp hội Việt Nam cần nâng cao năng lực điều hành.

- Hiện nay Đoàn Chủ tịch đã thống nhất những định hướng chủ yếu nào cho việc xây dựng chiến lược? Những vấn đề gì còn đang tiếp tục được thảo luận?

GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng: Đoàn Chủ tịch đều thống nhất cần xây dựng chiến lược, với mục tiêu ngắn hạn đến 2015 và mục tiêu dài hạn đến 2020. Để đạt được các mục tiêu, phải phân tích được điểm mạnh-điểm yếu, cơ hội-thách thức của Liên hiệp hội Việt Nam, thống nhất quan điểm xây dựng và phát triển Liên hiệp hội Việt Nam, từ đó hình thành một số giải pháp cụ thể, đề ra các nhiệm vụ Liên hiệp hội Việt Nam làm gì, hội thành viên làm gì, đơn vị 81 làm gì. Các giải pháp phải kèm theo các điều kiện như tài chính (lấy từ nguồn nào).

Hiện nay, tổ dự thảo chiến lược do TS Phạm Văn Tân, Tổng thư ký Liên hiệp hội Việt Nam, phụ trách, đang thu thập các ý kiến, suy nghĩ chín muồi, rồi dự thảo trình Đoàn Chủ tịch, sau đó Đoàn Chủ tịch mới quyết định.

- Xin ông cho biết quan điểm của cá nhân ông về việc xây dựng và phát triển Liên hiệp hội Việt Nam?

GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng: Tôi cho rằng chiến lược phải có những mục tiêu cụ thể, có mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn, trong đó có mục tiêu về tổ chức, mục tiêu về thực hiện các nhiệm vụ... Ví dụ về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, Liên hiệp hội Việt Nam nói chung phải trở thành một tổ chức mạnh, phản biện có tính khoa học, tập trung vào những vấn đề lớn của đất nước. Còn các liên hiệp hội tỉnh, thành phố phải trở thành tổ chức mạnh ở địa phương, phản biện những dự án lớn ở địa phương; các hội ngành thì đi sâu vào những vấn đề của nghề nghiệp...

Về quan điểm phát triển Liên hiệp hội Việt Nam, theo tôi, đây phải là tổ chức chính trị-xã hội có nhiệm vụ huy động sức mạnh của trí thức để thực hiện các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tạo môi trường thật sự dân chủ trong sinh hoạt khoa học, sinh hoạt tư tưởng để trí thức có thể nói hết tâm tư, tình cảm.

- Theo ông, đến 2020, Liên hiệp hội Việt Nam sẽ có vị trí thế nào trong xã hội công dân hay còn gọi là xã hội dân sự ở nước ta?

Xây dựng chiến lược để có bước đi vững chắc.
Xây dựng chiến lược để có bước đi vững chắc.
GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng: Trước hết phải bàn và thống nhất khái niệm xã hội dân sự. Nói cho cùng thì xây dựng xã hội dân sự là phát huy nội lực, phát huy dân chủ.

Trước khi Nhà nước được thành lập, Đảng đã chú ý tới vai trò của các tổ chức nhân dân, nếu không có các tổ chức của công nhân, phụ nữ... thì làm sao cách mạng tháng Tám thắng lợi được.

Trong thời kỳ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Đảng tập trung quyền lực để giải quyết vấn đề của đất nước, không phải vấn đề nào cũng mang ra lấy ý kiến người dân được. Nhưng sau giải phóng, đã có lúc nhà cầm quyền quên quyền của dân. Xã hội dân sự không phải là mới, cái chúng ta chưa làm được chính là chưa phát huy thực sự dân chủ trong xã hội.

Đối với Liên hiệp hội Việt Nam, nếu chúng ta tạo được môi trường dân chủ trong sinh hoạt khoa học, sinh hoạt tư tưởng, thì trí thức dù là đảng viên hay không đảng viên nhưng vì ý thức dân tộc sẽ tìm đến, đóng góp trí tuệ cho sự phát triển của đất nước.

- Nếu Liên hiệp hội Việt Nam tạo được môi trường dân chủ thì có nghĩa là đã đóng góp vào sự phát triển của xã hội dân sự?

GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng: Đúng thế. Nên nhớ xã hội dân sự là môi trường rất dân chủ.

- Các loại hình tổ chức: các hội ngành TW, các liên hiệp hội địa phương, các đơn vị 81 có vai trò, vị trí thế nào trong chiến lược của Liên hiệp hội Việt Nam?

GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng: Theo tôi đã là thành viên của Liên hiệp hội Việt Nam thì các hội đều phải có trách nhiệm, trước hết là đóng góp xây dựng chiến lược, sau đó là thực hiện chiến lược.

Nếu tới đây chúng ta thống nhất và lãnh đạo cấp trên chấp nhận rằng Liên hiệp hội Việt Nam cần có tính hệ thống từ TW đến địa phương thì chỉ cần một điều lệ Liên hiệp hội Việt Nam. Trên cơ sở chiến lược chung, Liên hiệp hội Việt Nam sẽ chỉ đạo các liên hiệp hội địa phương tự xây dựng chiến lược cho mình.

Còn các hội ngành cũng cần xây dựng chiến lược cho tổ chức mình. Vì để phát triển bền vững, bất kỳ tổ chức nào cũng nên có chiến lược. Theo tôi, các hội ngành cần có chiến lược thu hút, quản lý hội viên, hướng tới hội viên. Lâu nay, có hội làm tốt nhưng nhiều hội chưa nắm rõ được số lượng hội viên chứ chưa nói là bảo vệ quyền lợi của họ. Có nhiều hình thức để hội viên gắn bó với hội, như mở các lớp tập huấn miễn phí để nâng cao trình độ chuyên môn, hoặc giúp đỡ, tạo điều kiện cho hội viên tham gia các hội nghị quốc tế... Trong xã hội, có không ít trường hợp nhà khoa học bị oan ức, hội cần có trách nhiệm bảo vệ họ.

- Lâu nay, mối liên kết trong Liên hiệp hội Việt Nam thường bị coi là lỏng lẻo. Theo ông, chiến lược cần có các giải pháp gì để cải thiện tình hình, để các hội thành viên và đơn vị trực thuộc gắn bó hơn với Liên hiệp hội Việt Nam?

GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng: Liên hiệp hội Việt Nam cần tổ chức các mạng lưới thông qua các dự án về môi trường, xóa đói giảm nghèo,... để các hội thành viên, đơn vị 81 tham gia cùng thực hiện. Mạng lưới có bộ phận điều hành, có thể do một hội thành viên mạnh trong lĩnh vực nào đó làm đầu mối.

- Hiện nay có một số mạng lưới có cam kết liên kết lâu dài như Mạng lưới sông ngòi Việt Nam đã xây dựng được chiến lược phát triển. Theo ông, Liên hiệp hội Việt Nam có cần tạo cơ chế để tạo thuận lợi cho việc hình thành các mạng lưới hay không?

GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng: Theo tôi thì không cần. Liên hiệp hội Việt Nam lâu nay luôn ủng hộ việc liên kết của các hội, các đơn vị trực thuộc để tạo thành mạng lưới. Nhà nước cũng không lo phải có chế tài cho loại hình tổ chức mạng lưới. Liên hiệp hội Việt Nam với uy tín của mình làm cầu nối giữa chính quyền, các nhà tài trợ với các hội thành viên, đơn vị trực thuộc, để vận động và tổ chức thực hiện các dự án lớn.

- Để có một bản chiến lược hoàn chỉnh, xin ông cho biết các bước tiếp theo là gì?

GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng: Ngày 20-21/5, Liên hiệp hội Việt Nam tổ chức hội thảo chuyên gia để nghe ý kiến đóng góp cho việc xây dựng chiến lược, sau đó có thể tổ chức thêm một hội thảo nữa ở phía Nam, rồi dự thảo khung chiến lược, đưa ra bàn luận trong Đoàn Chủ tịch. Tiếp đó, dự thảo chiến lược sẽ được lấy ý kiến đóng góp ở các hội nghị giao ban, ở hội nghị Hội đồng trung ương, rồi được hoàn thiện để Đại hội lần thứ VI biểu quyết thông qua.

- Xin cảm ơn ông.

Linh Ngọc thực hiện, , ,
Vusta
Tin liên quan