Được soạn thảo với mục đích "nới lỏng" hoạt động của Liên hiệp các Hội KH&KT, vậy nhưng dự thảo sửa đổi Nghị định 88/2003/NĐ-CP lạc hậu hơn so với thực tiễn. | |
Đây là ý kiến của đại diện nhiều Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Liên hiệp hội địa phương, các hội ngành… đóng góp vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 88/2003/NĐ-CP (Nghị định 88), quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
Hiệp hội của trí thức ngang tầm hội người mẫu
Câu chuyện về Nghị định 88 trở thành chủ đề được bàn luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn của các trí thức Việt Nam. Trong khi nhiều văn bản của Bộ Chính trị, Chính phủ khẳng định vai trò của đội ngũ trí thức, của VUSTA thì thực tế tổ chức này xem ra vẫn chưa thực sự được hưởng “công bằng” theo đúng nghĩa là một tổ chức chính trị - xã hội.
Tiến sĩ Hồ Uy Liêm, quyền Chủ tịch VUSTA bức xúc: “Các quy định trong Nghị định 88 vốn đã bó buộc, nay sửa lại cũng không tiến bộ hơn mà còn thể hiện sự coi thường trí thức. Chưa nhận ra vai trò của trí thức”.
Điều này thể hiện ở chỗ, dự thảo Nghị định 88 vẫn chưa xếp VUSTA và một số tổ chức hội trí thức khác trong phạm vi điều chỉnh. Như vậy các quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý của hội gần như không có gì thay đổi.
“Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định đã hòa tan lực lượng trí thức vào trong các hội, tổ chức nghề nghiệp quần chúng bậc thấp khác và “phớt lờ” Nghị quyết Trung ương 7”, tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng, Phó chủ tịch thường trực Liên hiệp hội tỉnh Vĩnh Phúc nêu ý kiến.
Theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, ĐH Quốc gia Hà Nội: “Nhiều nội dung thực tiễn đặt ra nhưng chưa được xử lý trong Dự thảo Nghị định về hội. Đơn cử như việc thành lập hội, quyền lập hội được coi là một trong những quyền cơ bản của con người. Thế nhưng trong khoản 1, Điều 3 của Dự thảo Nghị định lại ghi là “xin phép” là không phù hợp. Quyền lập hội cũng không kém gì quyền kinh doanh, miễn là tuân thủ đúng pháp luật”.
Ông Nguyễn Đình Anh, Bộ Tài chính cho rằng: “Xã hội dân sự không phải là lực lượng đối đầu với nhà nước mà là quan hệ hợp tác cùng phát triển. Nếu những người soạn thảo dự thảo Nghị định hiểu được quan điểm này sẽ không dẫn đến suy nghĩ "cấp trên cấp dưới", đưa ra những quy định kiểu "xin cho" như hiện nay”.
Quy định lạc hậu sẽ trở thành lực cản
Thực tế cho thấy, Liên hiệp hội những địa phương đã thoát khỏi điều chỉnh của Nghị định 88 hoạt động rất hiệu quả. Đơn cử Liên hiệp hội tỉnh Phú Thọ được coi giống như một sở chuyên ngành, có quyền được phản biện, tư vấn và giám định tất cả các dự án của tỉnh. Lực lượng trí thức ở đây có điều kiện để đóng góp trí tuệ.
Theo ông Trần Đức Chính, đại diện Văn phòng Chính phủ: “Đã có quá nhiều góp ý với Bộ Nội vụ, nhưng dự thảo Nghị định dường như không thay đổi. Nếu tiếp tục góp ý nhưng không được tiếp thu thì cũng khó đạt kết quả. Liên hiệp hội Việt Nam nên thành lập Ban soạn thảo phối hợp với một số hội khác xây dựng một văn bản trình lên Bộ Chính trị, Quốc hội… chứ không thể trông chờ sự thay đổi từ phía Bộ Nội vụ”.
Không chấp nhận tình trạng đánh đồng giữa các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao, nên hội thảo không nhất trí với dự thảo Nghị định 88 sửa đổi và sẽ có ý kiến trình Chính phủ về việc này.
“Nhà nước cần có trách nhiệm với các tổ chức chính trị - xã hội. Trách nhiệm này phải được thể hiện bằng việc tạo cơ chế cụ thể chứ không thể quản lý thắt chặt như Nghị định 88 và dự thảo Nghị định đã nêu”, giáo sư Nguyễn Hữu Tăng, Phó chủ tịch VUSTA nhận định.