Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Hồng Anh - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tại buổi làm việc với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam sáng ngày 4/4/2012 nhằm đánh giá tình hình hoạt động năm 2011 và kết quả thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị. | |
Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đề nghị các bộ ngành có liên quan hoàn tất các thủ tục để Điều lệ của Liên hiệp Hội sớm được Thủ tướng phê chuẩn. |
Tham dự buổi làm việc có đại diện một số ban của Đảng và bộ, ngành có liên quan, một số hội ngành toàn quốc, liên hiệp hội tỉnh/thành phố và đơn vị trực thuộc. Tại buổi làm việc, GS.VS Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam đã báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị 42. Trong năm 2011, Đảng đoàn và Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam đã tích cực chỉ đạo việc tổ chức phổ biến và quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, làm việc với lãnh đạo Đảng và Nhà nước: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Thường trực Ban Bí thư (nay là Chủ tịch nước) Trương Tấn Sang; Thủ tương Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Sau các buổi làm việc nêu trên, các bộ, ban, ngành đã chủ động phối hợp với Liên hiệp Hội Việt Nam triển khai thực hiện các đề án nêu trong Thông báo 353-TB/TW. Cho đến nay 2 trong số 4 đề án đã được triển khai (Đề án về bộ máy tổ chức và Đề án vê Quy chế hoạt động của Đảng đoàn và Quy chế phối hợp giữa Đảng đoàn và các tổ chức đảng ở trung ương và địa phương). Các đề án này đã có tác động tích cực tới phát triển tổ chức và công tác lãnh đạo chính trị trong các hoạt động của Liên hiệp Hội ở trung ương và các địa phương. Tuy nhiên hai đề án: Đề án về cơ chế tài chính và Đề án về cơ chế tham mưu và tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam dù đã được chuẩn bị song vẫn chưa được trình Ban Bí thư để xin ý kiến. Bên cạnh đó, sau gần 2 năm tổ chức Đại hội, Điều lệ Đại hội VI của Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn chưa được phê chuẩn. Về tổ chức, tuy có tăng về số lượng nhưng chất lượng và hiệu quả hoạt động còn hạn chế; tỷ lệ trí thức tập hợp trong các tổ chức của Liên hiệp Hội Việt Nam còn thấp; điều kiện hoạt động của Liên hiệp Hội ở trung ương và các địa phương tuy đã được cải thiện hơn so với trước song vẫn còn nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, bộ máy tổ chức và cơ sở vật chất. Công tác tư tưởng đối với đội ngũ trí thức chưa được quan tâm đúng mức, chưa tổ chức được những diễn đàn phù hợp để cung cấp thông tin và tạo môi trường thuận lợi để anh chị em trí thức có thể bày tỏ quan điểm và đóng góp ý kiến vào những chủ trương, chính sách phát triển đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, bảo vệ sức khoẻ... Tại buổi làm việc, đại diện hội thành viên đã đưa ra nhiều kiến nghị xoay quanh vai trò và vị trí của Liên hiệp Hội Việt Nam, các vấn đề xã hội nổi cộm, cơ chế, chính sách cho hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam hoạt động,...Đại diện các bộ, ban, ngành cũng đã giải trình các vấn đề mà đội ngũ trí thức quan tâm. Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Lê Hồng Anh đã kết luận buổi làm việc: Liên hiệp Hội Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc tập hợp, đoàn kết phát huy sức mạnh sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước nhà. Đảng và Nhà nước luôn tạo điều kiện để Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của mình. Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản về tổ chức và hoạt động của Liên hiệp Hội, đặc biệt Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành trung ương khoá X đã ban hành Nghị quyết số 27 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Ngày 16/4/2010, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 42-CT/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Qua gần 30 năm hoạt động, Liên hiệp Hội Việt Nam đã có những đóng góp to lớn trong việc động viên đội ngũ trí thức nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, gắn bó với sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Bằng những hoạt động nghề nghiệp sáng tạo, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước ta đã mang sức lực và tài trí cùng với toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước. Đảng và Nhà nước đánh giá cao những đóng góp của Liên hiệp Hội Việt Nam. Đồng chí Lê Hồng Anh cũng nhất trí với báo cáo do Chủ tịch Đặng Vũ Minh trình bày và biểu dương hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam trong thời gian qua. Đồng chí cũng nhấn mạnh trong thời gian tới, bên cạnh thời cơ, đất nước ta cũng phải đối mặt với những thách thức mới trong đó cần có sự nổ lực của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị phát huy cao nhất mọi nguồn lực, tiềm năng, trí tuệ của dân tộc, đặc biệt năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức. Là một tổ chức chính trị-xã hội có chức năng tập hợp, đoàn kết phát huy tiềm năng trí tuệ của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, Liên hiệp Hội Việt Nam cần quan tâm chỉ đạo các hội thành viên và tổ chức trực thuộc thực hiện 4 nhiệm vụ sau: Một là, Liên hiệp hội Việt Nam cần quan tâm tới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giúp trí thức khoa học và công nghệ nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình đối với đất nước, dân tộc. Phát huy những phẩm chất tốt đẹp, lòng yêu nước, tính tích cực xã hội, tính nhân văn, đạo đức, lối sống theo truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa đội ngũ trí thức với Đảng và Nhà nước. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết trung ương 4 khoá XI về Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Xây dựng đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học kỹ thuật vừa hồng vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới. Hai là, Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên cần tập hợp đội ngũ chuyên gia giỏi, các nhà khoa học, nhà quản lý đầu ngành có tâm huyết để chủ động đề xuất, tham mưu cho Đảng và Nhà nước những vấn đề lớn về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước nhất là về khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; xây dựng chính sách tập hợp trí thức Việt Nam trong và ngoài nước. Liên hiệp Hội phải trở thành tổ chức tham mưu tin cậy của Đảng và Nhà nước, nhất là đối với công tác vận động trí thức đóng góp vào sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ và công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Ba là, Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên cần chủ động tiến hành các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong quá trình xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chương trình, dự án, đề án lớn về phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, phát triển kinh tế xã hội trước khi các cấp có thẩm quyền quyết định. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam phải trở thành một kênh thông tin quan trọng phản ánh khách quan, trung thực dư luận xã hội để các quyết định của các cơ quan có thẩm quyền đảm bảo tính khoa học, tính chính xác, đúng với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bốn là, tạo môi trường và các điều kiện để trí thức đi đầu trong việc truyền bá những tinh hoa tri thức của nhân loại trong cộng đồng, góp phần thiết thực, nâng cao dân trí, áp dụng có hiệu quả những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Tham gia công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới, xây dựng phong trào, hội thi sáng tạo kỹ thuật ngày càng rộng khắp trong toàn quốc. Trọng dụng, tôn vinh những trí thức có đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Bên cạnh đó, các ý kiến phản ánh và đề xuất của Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ được ghi nhận và Ban Bí thư, Bộ Chính trị sẽ tiếp tục quan tâm và chỉ đạo để Chỉ thị 42 thật sự đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến căn bản trong hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam. Đồng chí cũng đề nghị các bộ ngành có liên quan hoàn tất các thủ tục để Điều lệ của Liên hiệp Hội sớm được Thủ tướng phê chuẩn. |
Tin: Minh Trí, Ảnh: Trọng Quỳnh |