Thời của chúng ta đã khác trước. Hoạt động phản biện của các lương thần thời nay càng phải có cơ sở khoa học, thấu tình đạt lý và có trách nhiệm cao với xã hội. | |
Gần đây người ta nói nhiều đến cụm từ “phản biện xã hội“, để chỉ những ý kiến đóng góp hay nhận xét nhiều chiều của các tổ chức chuyên môn, cá nhân hay tập thể quần chúng… về những chủ trương, quyết sách có liên quan đến những vấn đề quốc kế dân sinh.
Không hiếm khi những ý kiến đó đã thu hút được sự quan tâm sâu sắc và thảo luận sôi nổi của các cơ quan công quyền cùng nhiều tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước.
Điều này minh chứng cho xu hướng dân chủ hóa xã hội đã và đang diễn ra nhằm hướng tới mục tiêu là xây dựng một Nhà nước Việt Nam “do dân và vì dân“ mà trong đó người dân” được biết, được bàn và được kiểm tra “ với tư cách là người chủ đích thực.
Trước kia dưới chế độ phong kiến, với trình độ phát triển dân chủ còn rất thấp nhưng cũng đã xuất hiện (do sự may mắn tình cờ của lịch sử) các vị vua anh minh và đức độ chủ trương đặt ra chức “gián quan” để có người chuyên tìm tòi phát hiện những điểm sơ hở hay chưa bao quát, thấu tình đạt lý trong các quyết định của mình.
Gián quan thường là những nhân vật trung thành và chính trực, dám nói thẳng, nói thật và có liên hệ gần gũi với bách tính, nên phần nào cũng phản ánh được ý nguyện của quần chúng. Không chỉ là những nhân vật trung thần mẫu mực, nhiều gián quan đã mãi mãi đi vào sử sách và tâm khảm nhân dân như là những lương thần ái quốc ngời sáng.
Thời Đường bên Trung Quốc có Đường Thái Tông là một ông vua hiền tài có một không hai, rất biết nghe những lời can gián, từ đó có thể nắm được thần thế, bắt được xu thế phát triển về chính trị. Ông có một vị mưu thần số một luôn ở bên mình là Ngụy Trưng.
Có lần, Ngụy Trưng cung kính thưa: “Lão thần từ khi theo bệ hạ, có thể nói là đã làm được việc lấy thân bái quốc. Từ nay về sau càng phải tuân thủ chính đạo mới không phụ thánh ân của bệ hạ. Nhưng mong bệ hạ không nên coi bề tôi này là kẻ trung thần, mà với thân phận là một lương thần để làm tròn nghĩa vụ vì nước.
Đường Thái Tông cảm thấy kinh ngạc :
- Mong ngươi bảo ta, trung thần và lương thần khác nhau như thế nào?
Ngụy Trưng:
- Gọi là lương thần chính là không những bản thân được trăm họ khen ngợi, càng phải làm sao để bệ hạ cũng được trăm họ coi là minh quân của một nước, và làm sao để cho vinh dự và tài đức của bệ hạ truyền lại được cho con cháu sau này.
Còn làm trung thần lúc nào cũng có cái vạ sát thân, quân vương cũng do đó mà bị rơi vào việc bất nghĩa, thậm chí mất nước mất nhà, mà về sau lịch sử có ghi lại bất quá chỉ là một câu “đã từng là một vị trung thần“ mà thôi. Cho nên nói lương thần và trung thần, thực sự là có sự khác biệt lớn.
Đường Thái Tông vốn tài trí hơn người, chỉ một điểm này cũng đã hiểu ra tất cả, trầm ngâm chốc lát rồi nói:
- Quả nhân hiểu hết rồi. Ta sẽ nhớ kỹ lần nói chuyện này. Hy vọng chúng ta sẽ không có quyết định sai lầm về vấn đề đó. (*)
Dưới chế độ quân chủ phong kiến, khi thiếu những minh quân tài trí, đức độ có con mắt sắc sảo biết phân biệt thật, giả, phải, trái và tấm lòng bao dung thì nhiều bậc lương quân đã bị họa. Nhẹ là giáng chức, nặng là chu di mấy đời vì những lời can gián dũng cảm do không cảnh giác, đã bị bọn gian thần và kẻ xấu lợi dụng vào mục đích vụ lợi của chúng gây nên những hiểu lầm chết người.
Lương thần nhất thiết phải có minh quân để hết lòng phò tá, còn không thì hãy tạm lui về ở ẩn như Chu Văn An để tụi gian thần xiểm nịnh mặc sức đục khoét vương triều cho tới ngày sụp đổ.
Đó là một thực thế phũ phàng của phản biện dưới thời phong kiến xa xưa.
Thời của chúng ta đã khác trước. Nhà nước “do dân, vì dân” đang trên đường phát triển hướng tới hoàn thiện một xã hội có pháp luật và kỷ cương với những định chế dân chủ rõ ràng.
Những góp ý phản biện có cơ sở khoa học và hợp lòng dân thời gian qua đã được lãnh đạo lắng nghe với tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân và Tổ quốc. Minh chứng là một loạt dự án đầu tư lớn như nhà máy thép Posco ở vịnh Vân Phong, tòa nhà EVN, chợ 19/12, khách sạn Novotel trong công viên Thống Nhất ở Hà Nội v.v… đã được tạm dừng lại hoặc điều chỉnh cho phù hợp.
Gần đây nhất, Chính phủ đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự án khai thác Bô-xit ở Đắc Nông và Bộ chính trị đã có thông báo về vấn đề này sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của toàn xã hội – từ những cán bộ lão thành đã nghỉ hưu cho đến các nhà khoa học, nhân sĩ và các tầng lớp nhân dân đông đảo.
Hoạt động phản biện của các lương thần thời nay,vì vậy càng phải có cơ sở khoa học, thấu tình đạt lý và có trách nhiệm cao với xã hội, có tâm với dân tộc và Tổ quốc.
Chúng ta không thể đồng tình và cần cảnh giác với lối phản biện có tính chất chia rẽ xã hội, thù địch và hằn học của những kẻ tiểu khí nhằm thỏa mãn những toan tính vụ lợi cá nhân, vì xét cho đến cùng đó chỉ là lối phản biện “té nước theo mưa“ rất vô trách nhiệm và không có hiệu quả.
___________
(*) Vương Địch. Mưu lược của người Trung Quốc. NXB Văn hóa Thông tin. Hà nội 1999, trang 39