Để bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam không chỉ đơn thuần là việc làm của người nông dân, một tổ chức hay một doanh nghiệp mà cần có sự tham gia của rất nhiều thành phần, trong đó không thể thiếu vai trò của Nhà nước. Đó là khẳng định của nhiều đại biểu tại cuộc tọa đàm “Các nhà khoa học với việc bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam” tổ chức ngày 8-11, tại Hà Nội. | |
Theo Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT, thuộc Bộ KH-CN) Tạ Quang Minh, hiện Việt Nam có khoảng 800 sản phẩm nông sản nổi tiếng ở hầu hết các địa phương. Đến nay, đã có 59 nhãn hiệu tập thể, 12 nhãn hiệu chứng nhận và 24 chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ cho các sản phẩm nông sản nổi tiếng. Hiện có 53 sản phẩm nông sản được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ. Như vậy, chúng ta đang ở giai đoạn đầu của việc xây dựng thương hiệu nông sản nổi tiếng, mới đặt cơ sở, nền móng, điều kiện ban đầu: đó là các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký bảo hộ. Và con số 95/800 sản phẩm nông sản nổi tiếng của Việt Nam được đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.
Về việc nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý nông sản Việt Nam bị doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài (như trường hợp cà phê Buôn Ma Thuột), ông Minh khẳng định sẽ gây ra nhiều hậu quả bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể là không thể tự do xuất khẩu sản phẩm nông sản của mình dưới nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý của mình (đã được đăng ký tại Việt Nam) ngay cả trường hợp trước đây việc xuất khẩu đó vẫn diễn ra bình thường; nguy cơ mất thị trường, mạng lưới phân phối, bạn hàng là hiện hữu.
Tại cuộc tọa đàm, TS Đỗ Gia Phan, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khẳng định, mất thương hiệu là một điều rất đáng tiếc và việc lấy lại cũng không hề đơn giản. Đây là một cuộc đấu tranh về mặt pháp lý phức tạp và tốn kém. Khi chuyện đó xảy ra đối với một sản phẩm nông sản Việt Nam, chắc chắn niềm tin của người tiêu dùng đối với thương hiệu đó cũng bị giảm sút. Người nông dân tự đăng ký, khai thác thương hiệu là điều rất khó. Nó là tài sản của Nhà nước và Nhà nước cần phải quan tâm đến vấn đề này.
“Phải tuyên truyền phổ biến kiến thức SHTT cho nông dân và doanh nghiệp, cùng những đối tượng liên quan. Cơ quan chức năng ở địa phương cần giúp cho nông dân tổ chức lại đăng ký và quản lý, cùng vào cuộc với nông dân, tổ chức mạng lưới phân phối hợp lý để tránh bị ép giá. Các nhà khoa học cũng phải vào cuộc để kéo dài mùa vụ cho người dân. Phải giữ được tín nhiệm sản phẩm khi đã đăng ký với người tiêu dùng vì xây dựng thương hiệu đã là khó, giữ còn khó hơn.” – TS Đỗ Gia Phan đề xuất những giải pháp.
Theo ông Nghiêm Quốc Bảo, Tổng Thư ký Hội SHTT Việt Nam, cần phải thống nhất là thương hiệu được xây dựng và phát triển từ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Cơ quản quản lý nhà nước cũng cần có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức tập thể của các doanh nghiệp trong bảo hộ, thực thi quyền SHTT, trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm, phát triển thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Có như vậy, thương hiệu nông sản nổi tiếng của chúng ta mới được duy trì, phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực.
TR. LƯU