“Hàm lượng chất xám cũng như giá trị gia tăng của hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới còn thấp”. | |
(Hình minh hoạ) |
Vấn đề này không mới, song đến nay nó vẫn đầy tính thời sự đòi hỏi cần có những “lời giải” thỏa đáng thì hàng hóa Việt Nam mới có thể được đông đảo người tiêu dùng biết đến trong bối cảnh hội nhập, nâng cao được uy tín và cạnh tranh thắng lợi trên thương trường thế giới.
Niềm tự hào… còn xa
Tại một cuộc hội thảo bàn về chuyển giao công nghệ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục Ứng dụng công nghệ (SATI) - Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức cách đây không lâu ở Hà Nội, một doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nam Định chuyên cung cấp các loại máy, thiết bị trong lĩnh vực cơ khí cho biết: Công ty đã sản xuất thành công và cung cấp cho các đối tác trong nước khá nhiều sản phẩm cơ khí có chất lượng từ đơn giản như ruột gà máy đùn gạch đến sản phẩm phức tạp như hộp số ô tô. Thế nhưng, khi đối tác nước ngoài tin tưởng đặt sản phẩm cao cấp, phức tạp hơn thì công ty không đáp ứng được do thiết bị công nghệ lạc hậu đành ngậm ngùi bỏ lỡ cơ hội.
Câu chuyện trên chỉ là một ví dụ cho thấy, trình độ công nghệ trong các doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhiều bất cập. Hội nhập quốc tế, để có đủ sức cạnh tranh, đầu tư ứng dụng và phát triển công nghệ có ý nghĩa quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên 90% doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là vừa và nhỏ trình độ công nghệ thấp, thậm chí công nghệ quá lạc hậu và không được đầu tư thích đáng. Hầu hết các doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao ở Việt Nam là 100% đầu tư nước ngoài hoặc liên doanh.
Hình như, các doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức đầy đủ việc đầu tư cho công nghệ là để phát triển bền vững, lâu dài. Thế nên, mức độ quan tâm đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của họ còn rất hạn chế, thậm chí không đầu tư. Một chuyên gia của Cục Ứng dụng công nghệ - Bộ Khoa học Công nghệ cho biết: “Tỷ lệ đổi mới và chuyển giao công nghệ trong các doanh nghiệp Việt Nam những năm vừa qua thường chỉ chiếm từ 1%-3%. Kinh phí doanh nghiệp Việt Nam dành cho hoạt động đổi mới và chuyển giao công nghệ chỉ khoảng 0,1% doanh thu (một tỷ lệ quá thấp so với khu vực như Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc khoảng 10%...”.
Với “bức tranh” về năng lực công nghệ trong các doanh nghiệp Việt Nam như vậy, để có được các sản phẩm mang thương hiệu Made in Vietnam đích thực chất lượng đỉnh cao có thể chinh phục người tiêu dùng toàn cầu và để tự hào với thế giới có lẽ vẫn còn là một niềm mơ ước.
Cạnh tranh thua thiệt
Xem xét cơ cấu hàng hoá xuất khẩu trong những năm gần đây cho thấy, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đang tăng dần tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp, chế tạo, và nhóm hàng có hàm lượng công nghệ và chất xám cao. Thế nhưng, những tiến bộ ấy chưa nói lên được gì nhiều trong việc cải thiện uy tín hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới. Theo một nghiên cứu về xuất khẩu của Việt Nam do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và phát triển (Depocen) thực hiện cách đây không lâu nhận định: “Hầu hết hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam mới có chất lượng ở mức trung bình, không có yếu tố nổi trội so với đối thủ cạnh tranh”.
Trên thực tế, xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu là các mặt hàng thuộc nhóm tài nguyên, thiên nhiên (dầu thô, than đá, hàng nông, lâm, thủy, hải sản...) tỷ lệ chế biến sâu còn ít; và nhóm hàng công nghiệp (dệt may, giầy da, điện tử và linh kiện máy tính...) ở dạng gia công, giá trị gia tăng thu được chỉ khoảng 20-30% do tỷ lệ nội địa hóa thấp. Thậm chí, nhóm hàng điện tử, tin học được coi là công nghệ cao hy vọng sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong tương lai (hiện nhóm hàng hóa này đã xuất khẩu đạt khoảng trên 3 tỷ USD/năm), thì có tới 95-98% là do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất, với đầu vào cũng chủ yếu là nhập khẩu linh kiện, phụ kiện do công nghiệp phụ trợ trong nước chưa phát triển, thế nên, hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng thực chất Việt Nam thu được cũng chỉ đạt vài phần trăm.
Việt Nam đang phải đối mặt với một thực tế là xuất khẩu số lượng tuy lớn mà giá trị thu được lại chưa cao. Do chưa tham gia được vào các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu nên các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phụ thuộc khá nhiều vào trung gian thương mại nước ngoài và phải chấp nhận tăng chi phí, bị ép giá, thua thiệt.
Cần quan tâm thiết thực
Đã có không ít những giải pháp, chính sách… được cơ quan Nhà nước đưa ra cũng như các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp đề xuất để nâng tầm giá trị, chất lượng và uy tín… cho hàng hóa Việt Nam. Có những giải pháp vẫn chỉ là lý thuyết, nhưng cũng có không ít chính sách và giải pháp đã được triển khai vào thực tiễn phát huy tác dụng khiến cho hàng hóa Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng thế giới biết đến và tin dùng. Song tựu chung, chất lượng, uy tín thương hiệu, giá trị của hàng hóa Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi cao của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Thực tiễn đã chỉ ra rằng, muốn có năng suất cao, sản phẩm hàng hóa chất lượng tốt, giá trị gia tăng cao, giá thành hạ, mẫu mã đẹp…, yếu tố quan trọng không thể thiếu đó là công nghệ. Do vậy, một trong những ưu tiên hàng đầu là các doanh nghiệp cần phải sắp xếp lại và hình thành các cơ sở sản xuất, chế biến theo hướng đầu tư thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
Để tận dụng tốt lợi thế so sánh và phát triển bền vững, các doanh nghiệp nên chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trên cơ sở lựa chọn hợp lý các khâu cần ưu tiên để khai thác. Trong quá trình ấy, các doanh nghiệp Việt Nam phải tăng cường liên kết để tạo sức mạnh cạnh tranh, cùng tồn tại và phát triển, không nên vì lợi ích cục bộ mà “gà nhà đá nhau”.
Bên cạnh sự tự thân nỗ lực của doanh nghiệp, Chính phủ cũng nên rốt ráo đưa ra những chính sách khuyến khích hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới, chuyển giao công nghệ; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào những khâu ngoài sản xuất để mở rộng quan hệ, tiếp cận với đối tác và người tiêu dùng nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị đối với các mặt hàng có năng lực cạnh tranh cao ở trong nước làm tiền đề và điều kiện cho việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; khuyến khích doanh nghiệp phát triển các chuỗi giá trị riêng biệt ở một số ngành hàng có thể đi tắt, đón đầu được, mà không nhất thiết phải đi tuần tự theo các nấc thang của chuỗi giá trị gia tăng. Từng bước điều chỉnh định hướng chiến lược phát triển sản xuất hàng hoá xuất khẩu từ bề rộng và tốc độ cao sang chiều sâu coi trọng hơn chất lượng và hiệu quả; tập trung xây dựng thương hiệu đối với những mặt hàng đã được thị trường thế giới chấp nhận như gạo, cà phê, thủ công mỹ nghệ…; thiết lập hệ thống phân phối ở các nước và khu vực để hạn chế chi phí vì phải qua trung gian thương mại…/.
Lan Ngọc