Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
NÂNG CAO GIÁ TRỊ HẠT GẠO VIỆT NAM : Doanh nghiệp và nông dân cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác
(Ngày đăng: 31/07/2012)
Vừa qua, tại TP Cần Thơ, đã diễn ra hội thảo “Nâng cao chuỗi giá trị gạo xuất khẩu” do Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ (CBA) phối hợp với Chương trình Hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu (GCF) tổ chức. Tại hội thảo này, các chuyên gia cho rằng để nâng cao thu nhập cho nông dân trồng lúa và doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nhất thiết cần phải cải tiến và nâng cao chất lượng chuỗi giá trị sản xuất và kinh doanh gạo xuất khẩu...

Cần cải tiến chuỗi giá trị lúa gạo

Dù nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL đã xây dựng được các thương hiệu riêng nhưng hiện vẫn còn thiếu một thương hiệu chung cho gạo ĐBSCL và gạo Việt Nam. 

Theo các chuyên gia, thành công trong sản xuất lúa gạo của Việt Nam trong những năm qua là nhờ có sự cải tiến mạnh mẽ về giống lúa gắn với công tác cải tạo thủy lợi, xả phèn rửa mặn, cải tạo đất hoang hóa, chủ động trong tưới tiêu, phát triển các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa... Nhờ vậy, tăng được diện tích, số mùa vụ sản xuất và năng suất lúa nên sản lượng lúa liên tục tăng cao trong hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, năng suất lúa hiện đã “đội trần” và khó tăng mạnh thêm, trong khi diện tích đất trồng lúa lại không tăng mà đang trong xu hướng giảm trước tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị hóa. Hơn nữa, việc canh tác lúa trong thời gian tới đây cũng sẽ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự phát triển của các loại dịch hại, chi phí sản xuất đầu vào tăng... Hiện nay, để tăng cao thu nhập cho nông dân trồng lúa, chúng ta không thể chỉ dựa vào việc giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, sản lượng lúa và lượng gạo xuất khẩu mà phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao giá trị trong chuỗi lúa gạo. Trong đó, cần tập trung giảm các khâu trung gian trong chuỗi lúa gạo, thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nhằm tiết giảm các chi phí sản xuất đầu vào và các giải pháp nâng cao giá trị gạo xuất khẩu.

Thời gian qua, việc sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở nước ta còn quá nhiều khâu trung gian (nhất là khâu cung ứng vật tư phục vụ sản xuất và tiêu thụ lúa) và còn hạn chế trong áp dụng các biện pháp kỹ thuật nên chi phí sản xuất cao, năng suất lúa còn chênh lệch lớn giữa các vùng và từng nông hộ. Nông dân còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sử dụng nhiều giống lúa, thiếu liên kết, gắn kết với DN trong bao tiêu sản phẩm, chưa đảm bảo tốt các yêu cầu về số lượng, chất lượng sản phẩm và các điều kiện phơi, sấy... nên đầu ra sản phẩm còn bấp bênh. Hơn nữa, việc áp dụng cơ giới hóa và công nghệ sau thu hoạch còn yếu dẫn đến lượng thất thoát nhiều và phải bán lúa qua trung gian nên chưa bán được giá cao. Gạo xuất khẩu của Việt Nam lại thiếu thương hiệu, lượng gạo chất lượng cao phục vụ xuất khẩu còn ít và khả năng cạnh tranh của nhiều DN xuất khẩu gạo còn hạn chế, còn bị động trong việc dự trữ hàng cũng làm giảm chuỗi giá trị hạt gạo.

Giải pháp

Để nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam, yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần phải tổ chức lại sản xuất, tăng cường việc liên kết “4 nhà”, nhất là giữa nông dân và DN nhằm đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ các giải pháp, biện pháp kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu vào. Đồng thời, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, ưu tiên cho người trồng lúa, cũng như hỗ trợ DN xuất khẩu gạo trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ. Mặt khác, cần tiếp tục làm tốt công tác giống, đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất lúa theo hướng hội nhập, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu và việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa và công nghệ sau thu hoạch để giảm tối đa lượng lúa gạo thất thoát... Ngoài ra, gắn với việc nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo, cũng rất cần có sự phân chia hài hòa lợi ích cho người nông dân dựa trên những đóng góp của họ, nhằm giúp nông dân tăng cao thu nhập. Có như vậy, nông dân mới gắn bó với cây lúa và việc sản xuất lúa gạo mới bền vững.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện Trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng: “Để nâng cao năng lực trong sản xuất lúa gạo và liên kết “4 nhà” nhằm gia tăng thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho nông dân trồng lúa một cách bền vững trong bối cảnh chịu ảnh hưởng do tác động của hội nhập kinh tế thế giới, biến đổi khí hậu toàn cầu, dân số gia tăng nhanh... cần có giải pháp căn cơ, đầu tư thích đáng và đồng bộ cho vùng trồng lúa. Ngoài việc đầu tư về cơ sở hạ tầng, cải thiện an sinh xã hội nông thôn, qui hoạch lại đất đai trong sản xuất nông nghiệp, chính sách cho nông dân - đặc biệt là người trồng lúa - đào tạo nhân lực cho ngành nông nghiệp (cả trong nghiên cứu, quản lý và sản xuất...) cần có chiến lược lâu dài cho việc sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Trong đó, cần có sự liên kết vùng và liên kết “4 nhà”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã nhấn mạnh: “Nông dân và doanh nghiệp là hạt nhân chính trong mối liên kết “4 nhà” nên phải đứng ra thực hiện việc liên kết và làm các công việc chính trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Còn nhà nước đóng vai trò làm cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp cũng như với nhà khoa học. Đồng thời, lo việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kiến thiết đồng ruộng, hệ thống thủy lợi và giúp nông dân cùng các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ và vốn vay thông qua các chính sách hỗ trợ ưu tiên cho người trồng lúa và doanh nghiệp”.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng, hiện nay, nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân và doanh nghiệp, như chính sách hỗ trợ phòng chống dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch, hỗ trợ giống để khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai, dịch bệnh, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn... Tuy nhiên, thời gian qua nhiều doanh nghiệp chưa chủ động liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ lúa với nông dân vì muốn dễ dàng cho mình trong việc định giá mua hàng và thỏa thuận giá bán hàng cho khách, miễn sao có lời. Cách làm này đã ảnh hưởng rất lớn đến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân trồng lúa nên về lâu dài sẽ không bền vững. Do vậy, các doanh nghiệp cần phải tăng cường việc liên kết với nông dân, xây dựng các cánh đồng mẫu lớn gắn với việc sản xuất cùng 1 giống lúa, áp dụng các kỹ thuật sản xuất lúa tiên tiến nhằm sản xuất lúa hàng hóa phục vụ xuất khẩu.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

baocantho
Tin liên quan