Sau gần 2 năm thực hiện nghiêm ngặt các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), Tổ hợp tác sản xuất chôm chôm Tân Phong, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy vừa được Công ty cổ phần Giám định khử trùng FFC chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Thế nhưng, do chưa có đầu ra ổn định nên sản phẩm của bà con đành đem đi tiêu thụ ở các chợ nội địa với giá chỉ... 4.000 đồng/kg. | |
Được thành lập từ tháng 9 năm 2009, Tổ hợp tác sản xuất chôm chôm VietGAP Tân Phong là vùng trồng chôm chôm đầu tiên của Tiền Giang được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, ngay trong vụ thu hoạch đầu tiên, 34 hộ dân tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP với diện tích 16,7 héc ta thất vọng, vì sản phẩm đạt tiêu chuẩn nhưng giá lại ngang bằng với sản phẩm thường, chỉ 4.000 đồng/kg.
Trao đổi với chúng tôi, bà con trong Tổ hợp tác mong muốn đơn vị chủ trì là Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam và các đơn vị có liên quan cần quan tâm hơn nữa đến đầu ra sản phẩm. Ông Trần Hữu Trí, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất chôm chôm Tân Phong cho biết: "Một khi tạo được sản phẩm tốt mà không có đầu ra ổn định với giá cao thì sản phẩm tốt cũng giống sản phẩm thường mà thôi. Vấn đề bây giờ là, bên cạnh việc hướng dẫn tổ chức sản xuất thì cũng phải kết hợp với tạo đầu ra cho sản phẩm".
Ông Trí dẫn chứng, thực tế Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành (xã Mỹ Thành Nam, Cai Lậy) chuyên sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP phát triển mạnh và bền vững là nhờ làm tốt khâu tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Cụ thể, trong vụ lúa thu đông này, Công ty ADC bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con với giá cao hơn thị trường 1,5 lần (lấy giống lúa chất lượng cao VND 95-20 làm chuẩn).
Bà con nông dân trong Tổ hợp tác sản xuất chôm chôm theo tiêu chuẩn VietGAP công nhận một điều là từ khi tham gia vào mô hình, các thành viên đều có chuyển biến mới về nhận thức trong việc trồng chôm chôm theo hướng an toàn, chất lượng để tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, đặc biệt chi phí sản xuất tiết kiệm được khoảng 20% so với sản xuất theo kiểu truyền thống, nhờ hạn chế sử dụng thuốc hóa học.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, xã Tân Phong hiện có trên 430 héc ta trồng chôm chôm, tập trung ở ấp Tân Bường B và Tân Luông A, đây là vùng đất rất phù hợp để trồng phát triển cây chôm chôm của huyện.