Trong những năm gần đây, dịch bệnh thường xảy ra trên động vật, nhất là dịch heo tai xanh vừa xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua đã làm người chăn nuôi điêu đứng vì thua lỗ. Trước tình hình này, để đạt hiệu quả cao trong chăn nuôi, đòi hỏi người chăn nuôi phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, vừa khai thác tốt các tiềm năng của đất đai, khí hậu, tay nghề vừa tranh thủ được các yếu tố thuận lợi của thị trường. Đây không phải là vấn đề xa vời, với mô hình chăn nuôi khép kín mang lại hiệu quả kinh tế hộ gia đình cao lại bảo vệ được môi trường xung quanh, tiêu biểu cho cách ứng dụng mô hình chăn nuôi khép kín thành công này là mô hình chăn nuôi heo theo hướng trang trại khép kín của anh Nguyễn Trần Tường Bá (sinh năm 1978), ở phường 9, Tp. Mỹ Tho. | |
Trang trại chăn nuôi heo khép kín của anh được xây dựng tương đối khoa học với diện tích rộng 1ha (ở ấp Bình Hòa A, xã Song Bình, huyện Chợ Gạo) được chia làm bốn khu vực gồm: khu cho lợn nái sinh sản; khu cho lợn đẻ nuôi con; khu nuôi lợn con mới tách sữa và khu vực nuôi lợn thương phẩm. Với các khu chuồng đó, bảo đảm cho việc chăn nuôi theo quy trình khép kín (từ khi lợn nái sinh sản đến khi lợn thương phẩm được xuất chuồng) được bố trí ở các nơi phù hợp với lứa tuổi của đàn lợn… Tất cả các khâu cho lợn ăn và uống nước đều được thực hiện tự động. Mỗi ngày, ở trang trại chăn nuôi heo của anh Bá đều có nhân viên thú y và công nhân kiểm tra thú y; kiểm tra lượng thức ăn trong máng ăn tự động để điều chỉnh và dọn dẹp vệ sinh chuồng trại. Theo anh Bá, chăn nuôi heo quan trọng nhất là phải tiêm phòng đầy đủ dịch bệnh cho đàn heo, thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra thú y và giữ cho nhiệt độ của chuồng heo phù hợp, không quá nóng mà cũng không quá lạnh.
Với vốn kiến thức học được từ trường Đại học Kinh tế thủy sản, anh Bá cũng nắm cơ bản về quy trình pha trộn thức ăn gia súc. Ngay từ khi bắt tay vào chăn nuôi heo, năm 2006, anh Bá nuôi heo bằng thức ăn tự trộn. Anh Bá cho biết, thức ăn tự trộn cũng có thành phần giống như thức ăn tổng hợp bán trên thị trường cũng bao gồm các thành phần chủ yếu như: bột bắp, cám gạo, bột cá… nên heo ăn vào cũng tăng trưởng nhanh. Nhưng giá thành của 25kg thức ăn mà anh tự trộn có thể thấp hơn thức ăn tổng hợp có trọng lượng tương đương từ 15.000 - 20.000 đồng, do anh đã chủ động được nguồn nguyên liệu.
Trong thời gian qua, dịch heo tai xanh bùng phát mạnh cùng với thị trường giá heo hơi giảm xuống đáng kể, có thời điểm giá heo chỉ còn 2,5-2,7 triệu đồng/tạ (100kg), trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng đến 20% khiến nhiều trang trại nuôi heo điêu đứng và ngừng chăn nuôi, nhưng trang trại của anh Bá vẫn đứng vững và phát triển nhờ anh hạ được giá thành trong chăn nuôi và làm tốt ở khâu chăm sóc. Vào năm 2006, trại chăn nuôi heo của anh Bá chỉ có 40 con heo nái sinh sản lấy heo con giống để nuôi thương phẩm. Đến nay, đàn heo của anh Bá đã tăng lên 170 con heo nái với hơn 1.000 con heo thương phẩm. Anh Bá cho biết, mỗi năm trại heo của anh xuất chuống khoảng 3.200 - 3.400 con heo thương phẩm. Dự kiến trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão này, anh sẽ xuất bán khoảng 500 con heo thương phẩm. Do chăn nuôi khép kín, theo hướng heo sạch bệnh nên heo thương phẩm được chăn nuôi ở trại chăn nuôi của anh Bá luôn được các thương lái ở TP. Hồ Chí Minh đến tận trại để mua với giá cao hơn heo bán ngoài thị trường từ 200.000 - 300.000 đồng/tạ. Do đó, chăn nuôi heo theo mô hình khép kín đã tạo cho anh Bá thế chủ động từ đầu vào lẫn đầu ra, điều mà không phải người chăn nuôi nào cũng làm được. Chính điều này cũng đã đem về cho anh Bá thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Điều đáng trân trọng ở anh Nguyễn Trần Tường Bá, một chủ trang trại trẻ và thành đạt này chính là việc không giấu nghề. Anh Bá sẵn sàng san sẻ kinh nghiệm khi có bất cứ hộ chăn nuôi nào cần. Anh Bá cho biết: “Để nuôi heo đạt hiệu quả kinh tế như ngày hôm nay cũng là nhờ tôi học hỏi kinh nghiệm, kiến thức từ nhiều nguồn như qua sách báo, các cuộc hội thảo tập huấn hay từ những người chăn nuôi heo theo mô hình khép kín mà đã mang lại thành công cũng như từ những thầy, cô ở khoa chăn nuôi của trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ… và điều quan trọng nhất là tôi đã mạnh dạn tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới trong chăn nuôi. Khi có kiến thức, kinh nghiệm thì tôi sẵn sàng chia sẻ với bất kỳ hộ chăn nuôi nào cần, vì đơn giản là tôi muốn giúp nhiều người cùng làm giàu”. Do đó, trại chăn nuôi heo của anh Bá đã trở thành nơi tham quan, học hỏi kinh nghiệm của nhiều hộ chăn nuôi trong và ngoài tỉnh; đồng thời là nơi đón nhận hàng chục sinh viên của các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh đến thực tập trong suốt 5 năm qua (năm 2006 - 2010). Không ít sinh viên có hoàn cảnh khó khăn còn được anh Bá hỗ trợ chỗ ăn, ở mà cả học phí. Hiện trang trại chăn nuôi heo của anh Bá có 3 nhân viên thú y và 4 nhân công vừa học vừa làm, đều là sinh viên trong tỉnh.