Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Cảnh giác với bệnh cúm A/H1N1
(Ngày đăng: 30/07/2012)
Bệnh cúm A/H1N1 đang có chiều hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành tại Việt Nam, cụ thể vừa qua đã phát hiện một số ổ dịch cúm A/H1N1 ở 3 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Bình Phước, trong đó có trên 68% bệnh nhân xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1 nằm trong độ tuổi dưới 20 tuổi.

Bệnh lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi rút rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Do vậy, cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh cúm, nếu cần thiết tiếp xúc thì phải mang khẩu trang và giữ khoảng cách với người bệnh trên một mét. Chúng ta có thể tránh nhiễm virus cúm bằng những biện pháp đơn giản như sau:

1. Rửa tay sạch sẽ: Một việc làm rất đơn giản, nhưng lại là một trong những biện pháp quan trọng nhất để phòng việc lây nhiễm bệnh về đường hô hấp, trong đó có cả cúm A/H1N1. Những hạt nước bọt, dịch tiết hô hấp do người bệnh ho hắt hơi văng ra ngoài môi trường, nó chứa nhiều virus cúm, nếu nó bám vào bàn tay, ngoài da của người lành sẽ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi, miệng khi chúng ta ăn uống mà không rửa tay trước đó. Nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn và các loại gel, nước rửa tay khác. Đặc biệt, cần rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với chất tiết của hệ hô hấp như nước mũi, rỉ mũi, đờm nhớt của người bệnh.

2. Luôn phải che mũi và miệng khi ho, hắt hơi. Phải sử dụng khăn giấy, khăn tay để che miệng khi ho, hắt hơi. Sau đó, hãy bỏ khăn ngay lập tức (nếu có thể, nên cho vào một túi nilon buộc chặt lại rồi mới bỏ vào thùng rác). Nhắc mọi người hãy sử dụng khăn che mũi, miệng khi hắt hơi. Nếu không có sẵn khăn giấy, có thể dùng tay áo che miệng khi ho, không nên dùng bàn tay che miệng khi ho, hắt hơi.

3. Nên tránh tiếp xúc với những đối tượng nguy cơ cao bị mắc các bệnh về đường hô hấp. Nhóm có nguy cơ cao là trẻ em nhỏ tuổi, người bị bệnh mãn tính như bệnh suy giảm hệ thống miễn dịch, bệnh phổi, những người đến từ vùng dịch bệnh. Tránh tiếp xúc với các chất tiết của những người có bệnh về đường hô hấp. Trong trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc, hãy trang bị cho mình khẩu trang, găng tay. Sau khi tiếp xúc xong cần rửa tay sạch sẽ.

4. Nên súc miệng bằng nước muối, nước sát khuẩn mỗi ngày. Đi ngoài đường có nhiều bụi bặm cũng nên rửa mũi bằng các dung dịch nhỏ mũi khác.

5. Khi bị các bệnh về đường hô hấp bạn nên đến khám bệnh tại cơ sở y tế. Nếu được theo dõi tại nhà, chúng ta hạn chế đi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh để tránh nguy cơ truyền virus cho người khác.

BS Nguyễn Thành Úc
Tiengiang.gov.vn
Tin liên quan