TT - Sau một tuần công bố để lấy ý kiến đóng góp, dự thảo quy chế quản lý công dân Việt Nam đang đào tạo ở nước ngoài của Bộ Giáo dục - đào tạo đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Đây là lần đầu tiên du học sinh theo diện tự túc cũng được xem xét đưa vào quản lý. | |
Lưu học sinh VN tại Trường cao đẳng Robert Gordon (Anh) - Ảnh: Đặng Quế Anh |
Theo Bộ GD-ĐT cũng như dư luận, bản dự thảo quy chế quản lý công dân Việt Nam đang đào tạo ở nước ngoài mới được Bộ GD-ĐT công bố có khá nhiều nội dung mới.
Bộ GD-ĐT dự kiến áp dụng quy chế này đối với tất cả công dân Việt Nam đang được đào tạo ở nước ngoài, không phân biệt nguồn kinh phí đào tạo, bao gồm: học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh, người dự khóa học bồi dưỡng ngắn hạn từ 90 ngày đến một năm. Trong đó đối tượng lưu học sinh tự túc được Bộ GD-ĐT cho là những người “đi học bằng kinh phí của cá nhân hoặc do tổ chức nước ngoài, các doanh nghiệp tư nhân trong hoặc ngoài nước tài trợ trực tiếp cho lưu học sinh”.
Trong số các quyền lợi của lưu học sinh, dự thảo quy định lưu học sinh được cấp học bổng sau khi đã tốt nghiệp được cơ quan có thẩm quyền xem xét để có thể cho phép ở lại tiếp tục học tập, nghiên cứu theo chế độ tự túc hoặc làm cộng tác viên khoa học, hợp đồng sản xuất. Trong số các nghĩa vụ, dự thảo quy chế yêu cầu lưu học sinh không được thành lập hoặc tham gia hoạt động của các hội hoặc tổ chức chính trị, các hoạt động khác làm phương hại đến lợi ích của Việt Nam và nước sở tại.
Làm việc ở nước ngoài, đóng thuế ở VN
Những nội dung mới được đưa vào bản dự thảo quy chế này chủ yếu tập trung ở các quy định liên quan đến điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với việc lưu học sinh ở lại nước ngoài làm việc sau khi học xong. Dự thảo đưa ra quy định là sau khi tốt nghiệp, “lưu học sinh được ở lại làm cộng tác viên khoa học hoặc hợp đồng sản xuất, thời gian ở lại không quá ba năm kể từ khi tốt nghiệp”.
Có thể học tiếp Dự thảo quy chế cũng quy định hướng xử lý đối với lưu học sinh chưa tốt nghiệp về nước sau khi đã hoàn thành được tối thiểu 1/3 khóa học tại cơ sở đào tạo ở nước ngoài. Những trường hợp phải về vì lý do sức khỏe và những lý do chính đáng khác, có xác nhận của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nếu có nhu cầu sẽ được các cơ sở giáo dục xem xét và tiếp nhận học tiếp. |
Dự thảo quy chế cũng nêu rõ lưu học sinh được cấp học bổng sau khi tốt nghiệp về nước phải chấp hành sự điều động làm việc có thời hạn của Nhà nước. Nếu không chấp hành sự điều động sẽ phải bồi hoàn kinh phí đào tạo.
Đề nghị cân nhắc
Được tranh luận sôi nổi nhất trên các diễn đàn của lưu học sinh và của mạng giáo dục edu.net là những nội dung liên quan đến phạm vi quản lý của quy chế này bao gồm cả lưu học sinh diện tự túc.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu quản lý cả lưu học sinh đi theo diện các chương trình học bổng do Nhà nước quản lý và lưu học sinh diện tự túc bằng cùng một quy định thì sẽ có nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế, bất hợp lý và dẫn đến không khả thi.
Các ý kiến cũng bàn thảo xung quanh quy định thời gian lưu học sinh được ở lại nước ngoài làm việc sau khi tốt nghiệp không quá ba năm và phải đóng thuế cho Nhà nước. Nhiều ý kiến băn khoăn quy định thu thuế lưu học sinh làm việc ở nước ngoài quá chung chung, không nói rõ đối tượng, hình thức thu và có thể không phù hợp với những quy định khác như hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà Việt Nam đã ký kết với một số nước...
Trên diễn đàn edu.net, một thành viên có nick “cuoilendi” cho biết đã “thật sự bất ngờ khi thấy đề xuất một dự thảo như thế này”. Theo thành viên này, điều bất hợp lý nhất của bản dự thảo quy chế quản lý lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài là điều 9 quy định về “việc ở lại công tác tại nước sở tại”. Thành viên này đề nghị Bộ GD-ĐT cần cân nhắc khi ban hành quy chế này.
Một thành viên khác của diễn đàn edu.net cho rằng: “Vì quy chế này ảnh hưởng đến tất cả du học sinh nên nó phải được xây dựng dựa trên quyền lợi của các du học sinh và phải được sự đồng tình của những du học sinh, nếu không quy chế đưa ra là không thực tế. Quy chế này của bộ chỉ có thể được áp dụng cho những người thuộc diện học bổng nhà nước do Bộ GD-ĐT cử đi học hoặc do hợp tác giữa bộ và các cơ quan nước ngoài”.
Thành viên có nick “Giaioto” nhìn nhận: “Có lẽ việc tập trung đầu mối quản lý du học sinh về Bộ GD-ĐT là cần thiết, nhằm nắm bắt năng lực của nguồn lao động cũng như hướng du học sinh vào những ngành đang cần nhân lực của nền kinh tế quốc dân”.