Chất lượng giáo dục phổ thông
(Ngày đăng: 30/07/2012)
ND - Từ Ðại hội Ðảng lần thứ 7 và trong Hội nghị Trung ương 4, khóa 7, Ðảng đã đề ra quan điểm chiến lược "Giáo dục đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu". Nhưng cho đến nay, rất tiếc là quan điểm quan trọng và đúng đắn đó chưa thật sự được quán triệt trong Ðảng, và ngay trong ngành giáo dục - đào tạo còn nhiều người chưa hiểu "quốc sách hàng đầu" là thế nào? | |
Bước vào thế kỷ 21, trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hầu như các quốc gia phát triển đều đặt vấn đề cải cách giáo dục nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đủ sức cạnh tranh với nước khác. Không ít nước còn nêu phải đặt quan tâm đến giáo dục "cơ bản". Ðối với nước ta, một số nhà kinh tế nổi tiếng nước ngoài khi đến thăm đã có lời khuyên, Việt Nam - ngay trong lúc có khủng hoảng kinh tế toàn cầu - điều số 1 là cần tập trung vào giáo dục. Có người nhấn mạnh đến "cấp giáo dục bắt buộc". Ðiều này không phải là chuyện ngẫu nhiên.
Trong những năm gần đây, một đề tài được bàn luận nhiều nhất là giáo dục. Nhiều nhà khoa học và nhà giáo dục Việt Nam ở trong nước và cả ngoài nước đều kiến nghị, cần tiến hành một cuộc cải cách cơ bản và toàn diện, không những để khắc phục những yếu kém, lạc hậu, mà cái chính là để vươn lên, đáp ứng yêu cầu to lớn mới mà sự phát triển của đất nước đang đòi hỏi một cách bức xúc. Nhưng dường như, cách đặt vấn đề này chưa được ngành giáo dục - đào tạo tiếp nhận, quan tâm nhiều!
Hiện nay, ngành giáo dục - đào tạo đang lo nhiều về giáo dục đại học, dạy nghề. Ðiều này là cần thiết, vì trong tất cả các ngành đang cảnh báo tình trạng khan hiếm chuyên gia và lao động có tay nghề, thậm chí thiếu cả lao động phổ thông, do đó có nơi phải sử dụng lao động nước ngoài, trong lúc trong nước ngày càng có nhiều người thất nghiệp (?). Tình hình này đòi hỏi một số giải pháp tích cực, nhưng không vì thế mà không nghĩ đến cái cơ bản, cái lâu dài.
Trong giáo dục - đào tạo, khi nói đến cái cơ bản, phải nghĩ ngay đến giáo dục phổ thông. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, một nền giáo dục phổ thông có chất lượng tốt là nền tảng vững chắc cho một nền giáo dục quốc dân tiên tiến, hiện đại. Như chúng ta biết, giáo dục phổ thông từ tiểu học đến phổ thông cơ sở có vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành những nét đầu tiên của một con người, về đạo đức, tình cảm, về hiểu biết (kiến thức), kỹ năng sống... Ở tuổi này, trẻ em là những tờ giấy trắng, trên đó người lớn (cha mẹ, thầy giáo, cô giáo) có thể giúp các em vẽ lên những nét đầu tiên của cuộc đời, từ đó phát triển những tố chất sẵn có của từng em. Những nét đầu tiên đó bắt đầu cho một quá trình tiếp theo. Nếu những nét đầu tiên tốt thì nhiều khả năng quá trình tiếp theo được thuận lợi và tốt. Trong các nội dung cần phát triển, việc tiếp thu kiến thức là rất quan trọng, nhưng việc khơi dậy và bồi dưỡng tình cảm, đạo đức càng cần thiết và quan trọng hơn. Các em phải được yêu thương, giáo dục để lớn lên, thành những con người có hiếu với cha mẹ, biết yêu thương bạn bè và người chung quanh, yêu quý quê hương, đất Tổ, nghĩa là phải là người Việt Nam với lịch sử và văn hóa Việt Nam. Các em phải được hướng dẫn để sống trung thực, văn minh, hữu nghị với các dân tộc khác, nhưng các em phải chuẩn bị để trước hết phục vụ đất nước Việt Nam. Nói một cách khác, nếu chức năng giáo dục là dạy làm người, dạy chữ, dạy nghề thì phải bắt đầu từ đây và cần làm tốt nhất những bước đầu này.
Trong những năm gần đây với một loạt chương trình, dự án đổi mới, chất lượng giáo dục ở tiểu học, phổ thông cơ sở có được nâng lên. Tuy nhiên, nếu xét yêu cầu của mục tiêu giáo dục đối với cấp tiểu học và phổ thông cơ sở - là nền tảng của giáo dục hiện đại và so sánh với giáo dục của nhiều nước tiên tiến thì phải thẳng thắn thừa nhận rằng giáo dục phổ thông của chúng ta còn nhiều khiếm khuyết, cần phải chấn chỉnh và đổi mới càng sớm càng tốt.
Chúng ta đã nghe dư luận xã hội nói "cách giáo dục quá tải, áp đặt hiện nay đã làm mất "tuổi thơ" của con trẻ". Nhận xét này thật là nặng nề, đáng làm chúng ta suy nghĩ. Tuổi thơ là những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời con người. Ở tuổi đó, trẻ em cần được yêu thương, chăm sóc, được vui chơi, được khám phá cuộc sống chung quanh. Thiếu điều đó là làm mất của các em một quyền quý giá. Tất cả chúng ta không muốn điều đó. Vì vậy, nhất thiết phải khắc phục các yếu kém nói trên, giúp các em phát triển một cách tốt đẹp nhất, toàn diện nhất. Ðó cũng là trách nhiệm của Ðảng, Nhà nước và xã hội.
Bất cứ một nhà nước dân chủ nào cũng có trách nhiệm chăm lo việc giáo dục công dân của mình, ít nhất là ở mức giáo dục phổ thông bắt buộc, bao nhiêu năm là tùy từng nước quy định căn cứ vào điều kiện kinh tế, để trên cơ sở đó xây dựng một xã hội văn minh, một nguồn nhân lực cần thiết cho đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, giao lưu giữa các quốc gia ngày càng nhiều, chúng ta nên quan niệm như thế nào và sự hợp tác quốc tế, về sự tranh thủ những kinh nghiệm, những sự tiến bộ về khoa học, công nghệ của các nước khác? Ðây là một vấn đề được bàn cãi nhiều, nhất là trong giới giáo dục đào tạo. Những người am hiểu về giáo dục, nghiên cứu về kinh nghiệm của các nước đều thống nhất cho rằng đối với giáo dục phổ thông, phải xuất phát từ đặc điểm của nền văn hóa dân tộc, từ những điều kiện cụ thể về chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước để xác định mục tiêu giáo dục và mục tiêu đó trước hết là xây dựng con người để phục vụ đất nước mình.
Ở Việt Nam, phải bảo đảm giáo dục con người phục vụ việc bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam. Vì vậy, giáo dục phổ thông ở Việt Nam phải tạo cái nền vững chắc về con người, trước hết là nhân cách, trên cơ sở đó sẽ vun đắp những tri thức về khoa học, về nghề nghiệp. Chúng ta cần ra sức học hỏi, tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm của các quốc gia đi trước. Tuy nhiên, cũng cần biết lựa chọn sao cho phù hợp với điều kiện và mục tiêu đấu tranh của dân tộc.
Từ sự phân tích đã trình bày, chúng ta có thể thấy tầm quan trọng của giáo dục phổ thông. Từ đó cần kiến nghị với Ðảng và Nhà nước khẩn trương nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, phổ thông cơ sở, cấp giáo dục bắt buộc theo hướng hiện đại, làm nền tảng vững chắc cho một nền giáo dục đào tạo mà tất cả chúng ta mong muốn thật sự là quốc sách hàng đầu, là động lực mạnh mẽ để đất nước Việt Nam phát triển nhanh chóng, sánh vai cùng với các nước trong khu vực và trên thế giới.
NGUYỄN THỊ BÌNH Nguyên Phó CT nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình phát triển Việt Nam
nhandan
Tin liên quan