Tiền Giang đã ứng dụng có hiệu quả khoa học công nghệ để cải thiện chất lượng đàn bò theo hướng tăng nhanh đàn bò hướng thịt và bò cái lai sind có nhiều ưu thế. | |
Tỉnh đặt mục tiêu tăng đàn bò từ quy mô gần 73.000 con (trong đó tỷ lệ sind hóa từ mức 31,12% tổng đàn hiện nay), lên quy mô 81.500 con (tỷ lệ sind hóa đạt 35-40% tổng đàn) vào năm 2015, đảm bảo cung ứng lượng thịt chất lượng tốt cho thị trường đồng thời đảm bảo được hiệu quả chăn nuôi bò.
Trước mắt, tỉnh tiếp tục ứng dụng vào thực tế chăn nuôi đề tài khoa học "Nghiên cứu, ứng dụng các công thức lai và khảo sát khả năng sinh trưởng, phát triển của các giống bò lai theo hướng kiêm dụng và chuyên thịt tại Tiền Giang," qua đó, sử dụng tinh bò giống Zebu và tinh giống bò chuyên thịt Limousin để gieo tinh nhân tạo cho 3.500 con bò cái địa phương. Từ đó, tạo được gần 3.000 bê lai F1.
Đề tài khoa học này đã cho kết quả khả quan, với trọng lượng bò lai F1 ở lứa tuổi sơ sinh đều cao hơn bò địa phương, tỷ lệ thịt xẻ của bò lai F1 đạt 58,28% trong khi đó ở bò địa phương chỉ đạt mức 49,71%.
Ngoài ra, từ đề tài trên, tỉnh xác định được 4 loại khẩu phần ăn cho bò lai F1 và bò hướng thịt từ 3 tháng đến 24 tháng tuổi, giúp người chăn nuôi bò thịt có thể giảm đáng kể chi phí và tăng thu nhập từ chăn nuôi bò.
Cùng với ứng dụng khoa học công nghệ để cải thiện chất lượng đàn bò thịt, bò giống, tỉnh Tiền Giang cũng quy hoạch các vùng chăn nuôi bò tập trung tại các huyện Châu Thành, Gò Công Tây, Chợ Gạo... Tại các địa phương này, ngoài việc tăng nhanh đàn bò lai còn khuyến khích nhân rộng mô hình kinh tế trang trại, trồng cỏ và nguyên liệu chăn nuôi bò./.