Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Hiệu quả sản xuất nâng lên nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác tiên tiến
(Ngày đăng: 10/07/2012)
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy cho biết, trong vụ đông xuân 2009 - 2010, mặc dù giá vật tư nông nghiệp, nguyên vật liệu, công cán lao động... đều đồng loạt tăng giá, nhưng nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác tiên tiến, quản lý tốt chi phí đầu vào một cách hợp lý nên nông dân giỏi tại địa phương vẫn thu lãi khá.

Hiện nay, bà con đã thu hoạch dứt điểm trên 16.000 ha lúa đông xuân, năng suất bình quân đạt đến 75 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay và hạch toán lãi trên 18,3 triệu đồng/ha. Đặc biệt, nông dân trồng lúa theo tiêu chí GlobalGAP tại Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành không chỉ đạt năng suất cao kỷ lục 76 tạ/ha bình quân mà còn được bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn thị trường 20%, nên thu lãi ròng đến 30 triệu đồng/ha.

Với quan điểm đồng hành cùng nông dân trên đồng ruộng trong cuộc chiến chống sâu rầy gây hại cũng như chuyển giao kỹ thuật thâm canh nông hộ, các cán bộ kỹ thuật và kỹ sư nông nghiệp địa phương tiếp tục định hướng bà con tuân thủ lịch xuống giống đồng loạt né rầy, quản lý tốt dịch hại tổng hợp, thực hiện có kết quả các mô hình canh tác ba giảm - ba tăng hoặc bón phân theo bảng so màu lá lúa, IPM... được coi là tiên tiến, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng cơ giới hóa trong quá trình canh tác từ làm đất, xuống giống, chăm sóc đến thu hoạch và xử lý sau thu hoạch.

Theo đánh giá, toàn huyện hiện đạt trên 44% diện tích sử dụng công cụ sạ hàng,  trên 35% diện tích sử dụng máy gặt đập liên hợp, gần 70% nông hộ ứng dụng IPM và bón phân theo bảng so màu lá lúa, 72% nông hộ áp dụng mô hình "3 giảm 3 tăng" và trên 34% nông hộ sử dụng giống lúa chất lượng cao. Đáng chú ý, trong vụ đông xuân 2009 - 2010, toàn huyện đã chuyển giao kỹ thuật canh tác cho gần 2.000 lượt nông hộ ở những địa bàn khó khăn về các nội dung:chăm sóc lúa đông xuân và phòng chống sâu bệnh thời điểm trước hoặc sau khi trổ, kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, kỹ thuật nhân giống xác nhận, chọn tạo giống cộng đồng..., đồng thời triển khai thí điểm mô hình "Cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu và bệnh virus do rầy nâu truyền" thông qua việc trồng các loại hoa có hương thơm, có mật ngọt, màu sắc sặc sỡ quanh ruộng lúa để dẫn dụ thiên địch có ích trên diện tích 30 ha. Ngoài ra, còn mở rộng diện tích trồng lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP lên gần 100 ha với 105 nông hộ tham gia và xã Mỹ Thành, huyện Cai Lậy hiện là địa phương đầu tiên và duy nhất trong cả nước triển khai mô hình tiên tiến này ra diện rộng.

Minh Trí
tiengiang.gov.vn
Tin liên quan