Năm 2010, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam bước sang tuổi 16 với những thành tựu vượt bậc trên lĩnh vực nghiên cứu phát huy thế mạnh cây ăn quả giai đoạn hội nhập kinh tế như: nghiên cứu về giống; về cây dứa Cayenne và chuối cấy mô sạch bệnh; áp dụng nhanh tiến bộ kỹ thuật trồng cây ăn quả, đưa ra qui trình nhân giống cây có múi sạch bệnh được xác định là giải pháp cơ bản và hiệu quả phòng chống bệnh vàng lá greening, góp phần thúc đẩy kinh tế vườn các tỉnh phía Nam vươn lên một tầm cao mới. | |
Đơn cử như về giống: Hội thi cây Xoài giống tốt do Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả Long Định (tiền thân của Viện) được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 4/1996. Ngay từ thời đó và giữa lúc cây xoài ghép (tạm gọi xoài bưởi hoặc xoài ba mùa mưa) đang thăng hoa, Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu vẫn khẳng định như đinh đóng cột rằng xoài cát Hòa Lộc mới thực sự là "hoa hậu" của các loại xoài. Nhận định ấy đã chứng minh trong thực tế hết sức đúng đắn. Xoài cát Hòa Lộc ngày nay được các nhà khoa học công nhận là cây trồng đặc sản có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Tiền Giang nói riêng và trái cây Việt Nam nói chung. Sau hội thi cây Xoài đến hội thi cây Sầu riêng giống tốt, cây có múi giống tốt... và mấy năm gần đây là các hội thi trái ngon được tổ chức định kỳ hàng năm, nhằm định hướng kịp thời cho công tác giống, xây dựng vùng chuyên canh, tạo nguồn trái cây đặc sản phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu... Trên cơ sở đó, Viện đã tuyển chọn và khẳng định được vị thế những giống cây ăn quả ngon, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế như sầu riêng hạt lép RI 6, bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang), chôm chôm nhãn Tân Phong (Tiền Giang), dứa, đu đủ, măng cụt, chuối cau để xây dựng vùng chuyên canh tập trung lớn hướng đến xuất khẩu.
Thành quả đó có được từ sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ khoa học chuyên ngành của Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam - một vốn quí mà Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng - hết sức chăm lo bồi dưỡng, đào tạo trong suốt 16 mùa xuân qua. Còn nhớ Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam (Sofri) được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1994 trên nền tảng là Trường Trung cấp Nông nghiệp Long Định cũ. Ngày mới thành lập, Sofri chỉ có 1 tiến sĩ và 2 thạc sĩ do Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm (Nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) điều động từ Viện Lúa Ô Môn về. Không chỉ nhân lực thiếu mà cơ hồ chưa có cán bộ khoa học được đào tạo chuyên ngành về cây ăn quả - một trong những thế mạnh quan trọng của các tỉnh phía Nam - đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ, chỉ xếp thứ hai sau cây lúa năng suất cao. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh, thành phía Nam có trên 282.000 ha vườn trồng cây ăn quả các loại, chiếm trên 61% tổng diện tích vườn cây ăn quả của cả nước. Nhiều loại trái cây ngon nổi tiếng trên thị trường: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bưởi, xoài cát Hòa Lộc... đều có xuất xứ từ đây.
Với nhận thức muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phải có đội ngũ cán bộ khoa học có tầm và có tâm, nhiệt tình, năng nổ, am hiểu..., lãnh đạo Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam đã tranh thủ sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là hợp tác với Ấn Độ nhằm hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đơn vị từ những ngày thành lập đến nay. Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, sau 16 năm phát triển, Sofri đã xây dựng được đội ngũ cán bộ khoa học chuyên ngành giỏi với 8 tiến sĩ, 32 thạc sĩ. Số cán bộ khoa học trên đều được Ấn Độ cấp học bổng đào tạo. Trung bình mỗi suất học Tiến sĩ trị giá học bổng 8.000 USD cho thời gian đào tạo 4 năm, học Thạc sĩ 4.000 USD với 2 năm đào tạo. Những lĩnh vực đào tạo thuộc các chuyên ngành sâu mà ở nước ta cơ hồ chưa có như: ngành chọn tạo giống, ngành côn trùng, ngành hoa, rau quả... Ngoài ra, hàng năm đối tác còn giúp đào tạo ngắn hạn nâng cao trình độ cho 3 - 4 cán bộ khoa học của Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam về các lĩnh vực đang hết sức cần thiết như: chẩn đoán bệnh do virus - một kỹ thuật mới trong bệnh cây, kỹ năng giảng dạy và chuyển giao kỹ thuật, máy móc nông nghiệp, Anh ngữ... Nguồn nhân lực chất lượng cao - khâu then chốt mà nước ta đang "khát" trên con đường đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đối với mục tiêu phát huy tiềm năng thế mạnh cây ăn quả - nhiệm vụ hàng đầu của Viện càng hết sức quan trọng.
Những cán bộ được học tập bài bản từ Ấn Độ trở về đang phát huy tốt vai trò của mình trong quá trình phát triển của Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam cũng như giúp các tỉnh phía Nam và nhà vườn xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả có lợi thế cạnh tranh, đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế thời mở cửa và hội nhập cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng hết sức lớn. Trên cơ sở nguồn nhân lực chất lượng cao có được, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam đã kiện toàn bộ máy, thành lập thêm các đơn vị: Trung tâm chuyển giao kỹ thuật trồng cây ăn quả, Bệnh viện Cây ăn quả, Công ty Tư vấn đầu tư và phát triển nghề vườn. Đây là những đơn vị làm hậu thuẫn không thể thiếu giúp kinh tế vườn và nghề trồng cây ăn quả các tỉnh phía Nam phát triển một cách bền vững, căn cơ và mang lại hiệu quả cao, có nhiều đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội qua từng năm.
Đơn cử như Bệnh viện Cây ăn quả. Chỉ sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, bệnh viện đã điều trị có hiệu quả bệnh trên cây trồng theo yêu cầu của hàng chục ngàn lượt nông gia các tỉnh thành phía Nam. Qua thực tế giải quyết bệnh trên cây trồng, bệnh viện đã xây dựng được 9 toa thuốc chuẩn để phổ cập trong nông dân. Trên cơ sở toa chuẩn, bà con có thể tự theo dõi, điều trị những căn bệnh khó trên các loại cây trồng như xoài, măng cụt, chôm chôm và các loại cây ăn quả có múi khác. Để nâng cao hiệu quả, bệnh viện phối hợp với các địa phương tiếp tục mở nhiều lớp đào tạo y tá cây trồng cho các vùng chuyên canh cây ăn quả. Phấn đấu bình quân 3 - 5 hộ trồng cây ăn quả có 1 y tá phụ trách khâu bệnh cây. Điều này đã mở ra một hướng mới cho việc phát huy tiềm năng kinh tế vườn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa và nâng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Ngày nay, cùng với sự lớn mạnh không ngừng của một đơn vị nghiên cứu khoa học hàng đầu chuyên về lĩnh vực cây ăn quả, Sofri tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều nước trên khắp thế giới. Cụ thể như hợp tác với Úc và Nhật triển khai đề tài nghiên cứu trồng ổi xen trong vườn cây ăn quả có múi nhằm ngăn chận rầy chổng cánh phát tán vi rus gây bệnh vàng lá Greening tại hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long; hợp tác với New Zealand triển khai trồng thanh long theo hướng GAP; hợp tác với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) qua Dự án Cải thiện hệ thống khuyến nông để áp dụng hệ thống canh tác và kỹ thuật trồng trọt hiệu quả hơn cho nông dân nghèo ở Đồng bằng sông Cửu Long... Ngoài ra Viện còn hợp tác với Anh, Đài Loan, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)...trên nhiều lĩnh vực: đào tạo cán bộ chuyên ngành, chuyển giao kỹ thuật thâm canh cây ăn quả, kiện toàn bệnh viện cây trồng.... Nhưng trước sau, theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, mối quan hệ hợp tác với Ấn Độ vẫn có trọng lượng riêng mà nhờ đó, đơn vị đã gây dựng được một nguồn vốn hết sức quí: nhân lực trình độ cao tạo động lực để Viện thực hiện tốt vai trò đồng hành giúp nhà vườn các tỉnh phía Nam làm giàu cho gia đình và đất nước.