Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp giúp nông dân giảm chi phí, nâng cao thu nhập
(Ngày đăng: 10/07/2012)

Những năm gần đây, mỗi khi đến mùa thu hoạch lúa, nhiều nông dân khá vất vả trong việc tìm nhân công cắt, đập, vận chuyển lúa. Đồng thời, việc nông dân gieo sạ lúa đồng loạt để né rầy, một bộ phận lao động nông thôn đi làm thuê tại các khu công nghiệp xa nhà nên khi lúa chín, thu hoạch rộ thì thiếu nhân công, giá cũng tăng khá cao. Vì vậy việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng là một trong những nhu cầu cấp bách của huyện Gò Công Đông.

Lần đầu tiên, máy gặt đập liên hợp được trình diễn tại xã Tân Điền vào giữa năm 2007, do ông Nguyễn Văn Quí đầu tư mua sắm với sự hướng dẫn thủ tục của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh và được hỗ trợ 5% lãi suất vốn vay mua máy theo chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh. Đến năm 2008, địa bàn huyện có thêm 6 nông dân đầu tư sắm mới, tại nhiều buổi hội thảo, điểm trình diễn có hàng trăm lượt nông dân tham quan, tận mắt chứng kiến cảnh máy chạy trên đồng ruộng, tự cắt, gom, phóng lúa, nhiều nông dân tận tay bốc những nắm lúa, thổi xem có hạt lép bay ra hay không để thử độ sạch của lúa... Qua những buổi tham quan, hội thảo, nông dân đã góp nhiều ý kiến như: máy tuốt lúa chưa sạch lắm, lúa kẹ và rơm bay ra cùng một họng, nên nông dân không tận dụng được lúa lửng để nuôi gà vịt, hay như máy chưa cắt được ở những chân ruộng trũng - nhất là ở vụ lúa hè thu... để rồi qua đó nhà sản xuất điều chỉnh, cải tiến những máy trang bị sau ngày càng tốt và hoàn thiện hơn. Nhiều nông dân cho rằng, áp dụng máy gặt đập liên hợp vừa giảm chi phí, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, giảm công lao động, vừa giảm thất thoát trong và sau thu hoạch nông sản.

Chị Trần Thị Chi, chủ máy ở thị trấn Tân Hòa cho biết, lúc trước chị là chủ bồ phóng nên việc tìm diện tích cho máy hoạt động là không khó, lợi thế nổi bật của máy gặt đập liên hợp là tiết kiệm được công lao động, nếu như trước đây máy phóng lệ thuộc vào công cắt, tùy theo diện tích mà bố trí công cho phù hợp thì nay không phải thế nữa, chỉ cần 4 công là đủ để điều khiển máy, cho lúa vô bao rồi.

Theo tính toán của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, một máy gặt đập liên hợp có thể thu hoạch từ 3 đến 5 ha/ngày (tương đương 100 lao động thủ công), còn máy công suất lớn thu hoạch khoảng 8 ha/ngày. Nếu thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, giá công thu hoạch từ 1.450.000 triệu đồng/ha, thấp hơn thu hoạch thủ công từ 500.000 đồng đến 600.000 đồng/ha và giảm từ 10-12% tỷ lệ thất thoát trong thu hoạch lúa, nếu tăng tỷ lệ thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, nông dân sẽ tiết kiệm chi phí sản xuất lúa và lãi nhiều hơn. Một máy gặt đập đầu tư khoảng 200 triệu đồng, mỗi vụ thu hoạch tập trung hơn 20 ngày, thì sau 7 vụ thu hoạch lúa là người nông dân có thể thu hồi vốn.

Tuy nhiên, đến thời điểm cuối năm 2008, toàn huyện chỉ có 7 máy gặt đập liên hợp, không đáp ứng được nhu cầu hơn 12.000 ha diện tích sản xuất lúa trong huyện. Tranh thủ kết hợp chủ trương hỗ trợ kích cầu của Chính phủ, thực hiện chương trình hành động của Huyện ủy về việc thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm thúc đẩy quá trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế của huyện nhà, năm 2009, huyện Gò Công Đông vận dụng cơ chế chính sách hỗ trợ cho nông dân cơ giới hóa sản xuất và nhân lúa giống xác nhận. Mặc dù, nguồn kinh phí hạn hẹp, nhưng huyện đã giúp nông dân mua 36 máy gặt đập liên hợp, với số tiền hỗ trợ hơn 316 triệu đồng. Như vậy, hiện trên địa bàn huyện hiện có 44 máy gặt đập liên hợp của nông dân ở 11/13 xã, thị trấn, đáp ứng khoảng 50% diện tích thu hoạch lúa trong huyện.

Để đáp ứng nhu cầu thu hoạch hơn 12.000  ha sản xuất lúa của nông dân thì cần hơn 80 máy gặt đập liên hợp, với số vốn đầu tư cho một máy tương đối lớn (từ 80 đến 220 triệu đồng), vì vậy năm 2010, UBND huyện Gò Công Đông tiếp tục hỗ trợ lãi suất  cho nông dân trong việc mua sắm máy gặt đập liên hợp. Việc đầu tư mua sắm thêm nhiều máy gặt đập liên hợp là yêu cầu cấp thiết và cũng là biện pháp hiệu quả giải quyết việc thiếu công lao động nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân trồng lúa.

Thu Hồng
website Tiengiang
Tin liên quan