Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Hiệu quả từ mô hình canh tác lúa đặc sản luân canh trồng sen thay thế vụ Hè Thu kết hợp nuôi cá đồng ở Sóc Trăng hiện nay
(Ngày đăng: 22/10/2024)

Mô hình canh tác lúa đặc sản luân canh trồng sen thay thế vụ hè thu kết hợp nuôi cá đồng

      Trong những năm gần đây, việc sản xuất lúa ở huyện Mỹ Tú nói riêng và của tỉnh Sóc Trăng nói chung theo hướng tập trung nâng cao năng suất, chất lượng mà còn phải hướng đến bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, bảo đảm an toàn thực phẩm. Bên cạnh mặt tích cực về tăng năng suất và sản lượng lúa thì lượng thuốc hóa học bảo vệ thực vật sử dụng trên đồng ruộng cũng tăng. Việc sử dụng quá mức thuốc bảo vệ thực vật trên lúa sẽ là nguy cơ tác động xấu đến môi trường và ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất lúa bền vững, do vậy không chỉ ở Việt Nam, các quốc gia khuyến khích người dân sản xuất lúa hướng tới nông nghiệp sinh thái.

Thu hoạch sen ở tỉnh Sóc Trăng

     Thực trạng hiện nay diện tích đất trồng lúa ở các xã vùng trũng của huyện là 13.370 ha, tập trung ở các xã Mỹ Phước, Mỹ Tú, Long Hưng, Hưng Phú, Thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa và một phần xã Mỹ Hương. Trong vụ thu đông có đến 10.750 ha không sản xuất lúa. Cùng với đó là việc biến đổi khí hậu ngày càng gây gắt cùng với giá cả vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu tăng cao như hiện nay đã gây nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Xuất phát từ thực trạng trên, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng đã mạnh dạn triển khai mô hình “Mô hình canh tác lúa đặc sản luân canh trồng sen thay thế vụ hè thu kết hợp nuôi cá đồng” bước đầu đã mang lại hiệu quả đáng kể.

     Trên cơ sở từ nền tảng mô hình “sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi cá đồng và trồng cây ăn trái” thuộc Đề án “Phát triển sản xuất lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2020 - 2025”: Nông dân tham gia mô hình được ngân sách hỗ trợ 50% và nông dân đối ứng 50% chi phí giống lúa, giống cây ăn trái, phân bón và thuốc bảo vệ và các chi phí phát sinh khác trong sản xuất và sẽ được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa và cây ăn trái.

     Trong quá trình triển khai mô hình thì Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Mỹ Tú đã tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, qua đó đã tổ chức 02 lớp (06 ngày/lớp) tập huấn cho nông dân thực hiện mô hình và các hộ dân xung quanh khu vực triển khai mô hình của dự án tại ấp Tân Hòa A xã Long Hưng và ấp Phước Thới A xã Mỹ Phước huyện Mỹ Tú 5 lần/vụ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như: quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn trái; kỹ thuật quản lý cá trong ruộng lúa, 3G3T, 1P5G, IPM,…

     Số lượng học viên tham gia: 50 học viên (trong đó có 44 nam (88%) và 06 nữ (12%)), dân tộc: Kinh 100%.

     Học viên tham gia lớp tập huấn nhiệt tình lắng nghe, học hỏi từ giảng viên và trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau trong buổi tập huấn, tham quan, thực hành học tập thực tế ngoài đồng ruộng.

     Mô hình canh tác lúa đặc sản luân canh trồng sen thay thế vụ hè thu kết hợp nuôi cá đồng được thực hiện với quy mô:  02 mô hình/10 ha/04 hộ; tại địa điểm: Ấp Tân Hòa A, xã Long Hưng và ấp Phước Thới A xã Mỹ Phước huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng; Thực hiện theo kế hoạch 63/KH-UBND ngày 06/5/2021 của Uỷ ban nhân dân huyện Mỹ Tú về cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2025; căn cứ vào điều kiện thổ nhưỡng tại ấp Tân Hòa A xã Long Hưng và Ấp Phước Thới A xã Mỹ Phước mô hình triển khai sản xuất lúa 1 vụ chính là Vụ Đông Xuân, đối với vụ Thu Đông và Hè Thu do sản xuất lúa gặp nhiều rủi ro, thu nhập bấp bênh nên mô hình đã chuyển sang trồng sen lấy gương kết hợp nuôi cá đồng, nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.

     Loại giống lúa: ST24 (cấp xác nhận);

     Màu: sen lấy gương;

     Giống cây ăn trái (trồng trên bờ bao): cây dừa xiêm xanh, chuối xiêm xanh, cây na thái và cây chanh không hạt (phù hợp cho vùng đất phèn);

    Bón lót phân hữu cơ Quế Lâm: hạ phèn, cải tạo đất (đặc biệt vùng phèn Mỹ Tú là rất cần thiết), giảm sử dụng phân hóa học;

     Phun nấm xanh: phòng trừ sâu, rầy, bảo vệ thiên địch, không ảnh hưởng đến cá. 2 lần/vụ.

     Sau thời gian thực hiện mô hình đã đem lại những hiệu quả nhất định: Về hiệu quả về kinh tế, so sánh hiệu quả giữa ruộng mô hình sản xuất lúa 1 vụ Đông xuân 2022-2023 và 1 vụ sen kết hợp nuôi cá đồng với sản xuất truyền thống trong cùng kỳ 2 vụ lúa Đông xuân 2022 - 2023 và Hè thu 2021 (giống Đài thơm 8), cụ thể:

     Giảm chi phí sản xuất: 932.840 triệu/ha;

     Về thu nhập của mô hình cao hơn ruộng sản xuất truyền thống là 20.252.000 đồng/ha. Đồng thời tăng về lợi nhuận 21.184.840 đồng/ha; ngoài ra ruộng mô hình còn có nguồn thu nhập tăng thêm từ việc nuôi cá đồng 21.182.000 đồng /ha. Như vậy, ngoài thu nhập từ trồng lúa thì người nông dân còn có thêm thu từ cá, sen là hơn 20 triệu đồng/ha.

     Phát huy được lợi thế về tiềm năng đất đai, về chất lượng các giống lúa đặc trưng của địa phương (do chỉ sản xuất 01 vụ lúa nên mô hình có đủ thời gian phát triển các giống lúa đặc sản), đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, qua đó góp phần tăng thu nhập cho người trồng lúa được ổn định;

     Đa dạng hóa nguồn sản phẩm (lúa, sen, cá, ốc…), tăng thu nhập gia đình, giảm rũi ro khi gặp thiên tai, tác động giá cả thị trường so với trước đây chỉ canh tác lúa.

     Bên cạnh đó, khi sản xuất mô hình còn giảm chi phí về phân bón, thuốc BVTV,… đặc biệt trong thời kỳ giá vật tư ngày một tăng cao như hiện nay.

     Bên cạnh hiệu quả về kinh tế thì mô hình còn mang lại những hiệu quả nhất định về xã hội, góp phần nâng cao thu nhập người trồng lúa, xóa đói giảm nghèo. Nâng cao năng lực và kiến thức, giúp nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã, hạn chế rủi ro trong sản xuất; Tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá trị cao, xây dựng được thương hiệu gạo thơm an toàn riêng cho tỉnh, có lợi thế cạnh tranh đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; Tạo sinh kế cho nông dân mùa nước nổi vùng trũng của huyện, giúp người dân tăng thêm thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bên cạnh đó việc thực hiện mô hình có sự tham gia quản lý của nhiều hộ dân hạn chế được việc sử dụng phương tiện trái phép để khai thác thủy sản từ đó góp phần bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của địa phương,…

     Đối với môi trường thì mô hình được thực hiện mang lại hiệu quả rất tốt trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình sử dụng đất trồng lúa ngập nước. Sử dụng phân hữu cơ vi sinh, hiệu quả áp dụng giải pháp kỹ thuật 1P5G, đất có thời gian từ 5-6 tháng không sản xuất lúa, tạm gọi là thời gian nghỉ giúp tái tạo hệ vi sinh vật đất, tăng sức sống của đất. Nuôi cá trên ruộng lúa làm tăng độ phì nhiêu của đất do phân của cá tích lũy ở mặt ruộng; cá ăn sâu, rầy, côn trùng có hại; hạn chế sử dụng phân bón hóa học và nông dược độc hại góp phần hạn chế gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

     Từ những hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường thì mô hình này có thể nhân rộng ra một số địa phương khác trên địa bàn huyện, từ hiệu quả của việc mô hình chuyển đổi từ sản xuất độc canh cây lúa sang mô hình canh tác lúa đặc sản luân canh trồng sen thay thế vụ Hè thu kết hợp nuôi cá đồng đạt hiệu quả tại ấp Tân Hòa A xã Long Hưng và Ấp Phước Thới A xã Mỹ Phước đến nay trên địa bàn huyện Mỹ Tú trong vụ Hè Thu 2023 diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang các mô hình lúa - sen 127/341 ha diện tích chuyển đổi, tập trung ở các xã Mỹ Phước, Long Hưng, Mỹ Tú và Thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa. Trong thời gian tới, nếu việc liên kết tiêu thụ được ổn định, nông dân sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích, đặc biệt ở các xã vùng trũng.

Có thể nói mô hình canh tác lúa đặc sản luân canh trồng sen thay thế vụ Hè Thu kết hợp nuôi cá ở huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng là mô hình thiết thực, hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Mỹ Tú, triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 06/5/2021 của Uỷ ban nhân dân huyện Mỹ Tú về cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2025; qua mô hình này phần nào cho thấy nông dân trên địa bàn huyện đã thay đổi tư duy từ “Sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “Kinh tế nông nghiệp” và mang lại hiệu qua thiết thực, từng bước nâng cao đời sống vật chất cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế bền vững trên địa bàn huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng.

ThS. Đinh Hoài Phúc - Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng
Tin liên quan