Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Tiến sĩ lịch sử Nguyễn Phúc Nghiệp được bầu giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử, nhiệm kỳ 2024-2029
(Ngày đăng: 08/10/2024)

Sáng ngày 4/10/2024, tại Hội trường Trường Chính trị tỉnh, Hội Khoa học lịch sử đã tiến hành Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ IV (2024-2029), tham dự Đại hội có Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thành Diệu, đại diện lãnh đạo các Sở, ngành có liên quan, đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, cùng các đại biểu đại diện cho các Chi hội trực Hội Khoa học lịch sử tỉnh.
Ban chấp hành Hội KHLS khóa IV ra mắt Đại hội

     Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ghi nhận những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ III, đồng thời khẳng định vai trò, vị trí của Hội Khoa học lịch sử trong công tác tập hợp, đoàn kết hội viên và những người yêu thích lịch sử, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh mong muốn Hội tiếp tục phát huy kết quả đạt được, cũng như thế mạnh của Hội để tham mưu đề xuất lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám định, phản biện xã hội và giáo dục tuyên truyền lịch sử trên địa bàn tỉnh.

 

Ban chấp hành Hội KHLS khóa IV  ra mắt Đại hội

 

     Từ đầu nhiệm, Hội có 17 Chi hội, bao gồm 11 chi hội ở các huyện, thị xã, thành phố và 06 chi hội ở các sở, ngành cấp tỉnh, như: Chi hội Khoa học lịch sử Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chi hội Khoa học lịch sử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chi hội Khoa học lịch sử Sở Giáo dục và Đào tạo, Chi hội Khoa học lịch sử Cán bộ hưu trí, Chi hội Khoa học lịch sử Trường Chính trị tỉnh, Chi hội Khoa học lịch sử Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Chi hội Khoa học lịch sử 11 huyện, thị, thành trong tỉnh. Hội viên đến Đại hội IV có 104 vị.
 
 
Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thành Diệu phát biểu chỉ đạo Đại hội

 
 
     Là một hội chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tuy nhiệm kỳ qua hoạt động của hội gặp nhiều khó khăn, do dịch bệnh và kinh phí hoạt động; nhưng được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh, Hội khoa học lịch sử tỉnh Tiền Giang đã tham gia và có đóng góp quan trọng trong nghiên cứu những vấn đề lịch sử của tỉnh, góp phần giáo dục truyền thống anh hùng, bất khuất trong đấu tranh giữ nước, truyền thống hiếu học, lao động sáng tạo trong xây dựng chủ nghĩa xã hội cho các thế hệ trẻ của tỉnh nhà.  

     Hội đã triển khai thực hiện tốt công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giảng dạy, phổ biến tri thức lịch sử, phối hợp tổ chức biên soạn, thẩm định các công trình lịch sử, các cuộc hội thảo khoa học có liên quan đến các sự kiện lịch sử của tỉnh. Tham gia công tác tuyên truyền, giảng dạy lịch sử, giáo dục công dân trong các trường phổ thông, các trường cao đẳng, đại học, trường chính trị tỉnh, các trung tâm chính trị ở các huyện, thị xã, thành phố; viết bài đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng,... tham gia các hoạt động khoa học – công nghệ, đóng góp nhiều công trình nghiên cứu về nhiều lĩnh vực khác nhau, xuất bản nhiều tập sách có giá trị; tham gia các hoạt động phản biện, thẩm định và tư vấn khoa học những công trình liên quan tới lịch sử, như đặt tên đường và các công trình văn hóa ở các đô thị.

     Cụ thể, 5 năm qua, Hội tham gia biên soạn, biên tập 01 bộ sách về lịch sử (Lịch sử Mặt trận Tổ quốc VN tỉnh Tiền Giang giai đoạn 1930-2015; Lịch sử  ngành Tổ chức xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh Tiền Giang giai đoạn1930-2020; Lịch sử ngành Kiểm tra Đảng của Đảng bộ tỉnh Tiền Giang giai đoạn 1940-2020; Lịch sử Đảng bộ thành phố Mỹ Tho giai đoạn 1975-2920; Lịch sử Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang giai đoạn 1949-2015).

     Ngoài ra, các hội viên còn tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, như  “Tiền Giang - Nhân vật chí”, “Nghiên cứu, biên soạn Từ điển địa danh tỉnh Tiền Giang”; cấp cơ sở như “Nghiên cứu văn hóa vùng ven biển ở Tiền Giang và đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa có giá trị”. Tham gia viết tham luận cho các hội thảo khoa học: “Đồng chí Phan Văn Khỏe -  Người chiến sĩ cộng sản kiên cường của Nam Kỳ”; “Khởi nghĩa Trương Định và việc phục dựng, nâng cấp quần thể di tích; “Dấu ấn của khởi nghĩa Trương Định trong phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp nửa sau thế kỷ XIX”. Tham gia viết bài cho các quyển sách “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Văn Phẩm”, “Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930-1975) 2 tập”, tham gia biên tập hồi ký “Khổ luyện” cùa đồng chí Trần Thị Kim Cúc, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang, nguyên Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang,... Hội viên còn nghiên cứu, biên soạn và xuất bản các quyển sách, như “Phác thảo diện mạo văn hóa dân gian tỉnh Tiền Giang (Tập 1)”, “Một số hiện vật và di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh ở Tiền Giang (Tập 1)”, “Anh hùng dân tộc Trương Định nặng nợ non sông”; tham gia hướng dẫn 03 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ... Để bổ sung tài liệu và hiện vật cho nhà trưng bày “Lịch sử Khu 8”, một số hội viên đã tham gia công tác khảo sát, sưu tầm tư liệu tại các tỉnh: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Bến Tre. Đồng thời thực hiện Phòng trưng bày Lịch sử Đảng bộ Tiền Giang, cung cấp nhiều tư liệu và hiện vật quý để người xem hình dung có hệ thống chặng đường gần 90 năm của Đảng bộ Tiền Giang.

     Trong nhiệm kỳ 2024-2029, Hội sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

     Tiếp tục phát triển hội viên mới đi đôi với việc củng cố chất lượng hội viên, phát triển mạng lưới tổ chức Hội; nâng cao năng lực hoạt động của các chi hội cơ sở, phối hợp cùng Ban Tuyên giáo các cấp hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng ở địa phương.

     Tập hợp rộng rãi lực lượng cán bộ nghiên cứu, giảng dạy lịch sử trong toàn tỉnh nhằm thực hiện các yêu cầu của Đảng bộ, chính quyền, các ngành, đoàn thể các cấp và xã hội đặt ra. Tham gia thẩm định, phản biện, tư vấn khoa học các công trình xây dựng di tích lịch sử, văn hoá, xã hội của tỉnh khi có yêu cầu. Từng bước bồi dưỡng, nâng cao năng lực nghiệp vụ của hội viên bằng nhiều hình thức như sinh hoạt nội bộ hàng tháng, tổ chức tọa đàm, phối hợp với Ban Tuyên giáo mở các lớp bồi dưỡng…. 
 
  
 
Tiến sĩ Nguyễn Phúc Nghiệp, Chủ tịch Hội KHLS, nhiệm kỳ IV (2024-2029) phát biểu bế mạc Đại hội

 

     Đại hội đã bầu Ban chấp hành Khóa IV gồm 20 người: 01 Chủ tịch, 02 Phó Chủ tịch, 17 Ủy viên. Tiến sĩ lịch sử Nguyễn Phúc Nghiệp, Giảng viên Trường Chính trị tỉnh được bầu giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử, nhiệm kỳ 2024-2029. Ban kiểm tra gồm 3 người: 01 trưởng ban, 02 ủy viên./.
 
Xuân Nguyên
Tin liên quan