Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Tiền Giang: công tác giáo dục lý luận chính trị được thực hiện bài bản, nền nếp, khoa học và đổi mới; đảm bảo chất lượng dạy và học
(Ngày đăng: 04/07/2024)

Hội thảo khoa học cấp tỉnh

 Qua 10 năm triển khai thực hiện Kết luận 94-KL/TW, ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân được thực hiện bài bản, nền nếp, khoa học và đổi mới; đảm bảo chất lượng dạy và học, góp phần tích cực trong việc định hướng chính trị, tư tưởng cho giáo viên và học sinh. Đội ngũ nhà giáo đã đổi mới phương pháp giảng dạy kết hợp và sử dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy tích cực, bài giảng có sự liên hệ sát với tình hình thực tiễn. Các trung tâm, các nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Chương trình giảng dạy vừa đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo của ngành, vừa đáp ứng nhu cầu của người học; các nội dung giáo dục chú trọng tích hợp nhiều nội dung giáo dục cơ bản, thiết thực, hiện đại về giá trị sống, kỹ năng sống, đạo đức, pháp luật, kinh tế, chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh…

         Tỉnh Tiền Giang có 331 cơ sở giáo dục phổ thông (170 trường tiểu học, 109 trường trung học cơ sở, 33 trường trung học phổ thông, 14 trường tiểu học - trung học cơ sở, 05 trường trung học cơ sở - trung học phổ thông); 01 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật, 01 trường chuyên biệt giáo dục trẻ em khuyết tật, 01 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, 06 trung tâm giáo dục nghề nghiệp giáo dục thường xuyên cấp huyện, 01 trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân, 03 trường trung cấp nghề, 02 trường cao đẳng, 01 trường đại học và 170 trung tâm học tập cộng đồng. Hệ thống cơ sở vật chất được chú trọng đầu tư đảm bảo dạy học theo chuẩn, giai đoạn 2021 - 2025 nguồn kinh phí được phân bổ 4.358 tỷ để đầu tư 185 công trình cho ngành giáo dục - đào tạo. Chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên; năm 2023, tỉ lệ học học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 99,68%, xếp thứ 2 khu vực đồng bằng sông Cửu Long và 13/63 tỉnh thành cả nước. Kết quả thi học sinh giỏi cấp quốc gia của tỉnh xếp đầu các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

           Thực hiện Kết luận 94- KL/TW, ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư, Hướng dẫn 127-HD/BTGTW, ngày 30/6/2014 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân; ngày 15/9/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch 79-KH/TU nhằm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp cấp ủy, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai, quán triệt đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, giáo viên và tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân; có 100% cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng triển khai, quán triệt Kết luận 94-KL/TW của Ban Bí thư.

          Đối với chương trình các môn lý luận chính trị cho sinh viên cao đẳng, đại học: Trên cơ sở bám sát hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác giáo dục lý luận chính trị của Trung ương giảng viên, giáo viên của các trường cao đẳng, đại học luôn bám sát chương trình, giáo trình, chú trọng đổi mới phương thức giảng dạy phù hợp với từng đối tượng, trình độ đào tạo, tập trung vào những nội dung cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống cách mạng, lịch sử địa phương...; đồng thời, lồng ghép nội dung giảng dạy lý luận chính trị với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức trong sinh viên về bản lĩnh chính trị, giữ vững niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

          Đối với chương trình lý luận chính trị dành cho học viên trung cấp lý luận chuyên nghiệp; học sinh học nghề: Việc đưa chương trình lý luận chính trị vào giảng dạy cho học viên trung cấp chuyên nghiệp, học sinh học nghề luôn được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quan tâmthực hiện; trong đó, tập trung triển khai thống nhất trong toàn tỉnh việc chuyển đổi môn Chính trị thành môn Giáo dục chính trị, đảm bảo kiến thức chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; chú trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, góp phần xây dựng nguồn nhân lực có đủ phẩm chất đạo đức.

          Việc nội dung giáo dục đạo đức, giáo dục công dân cho học sinh tiểu học và trung học: Việc điều chỉnh, bổ sung nội dung học tập đạo đức và giáo dục công dân cho từng cấp học sinh được các cấp ủy đảng lãnh đạo thực hiện nghiêm túc, ngành giáo dục và đào tạo chủ động, cập nhật kiến thức, thay sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra.

           Việc đổi mới phương pháp giảng dạy, nội dung, chương trình học tập lý luận chính trị, đạo đức và giáo dục công dân được các cơ sở giáo dục quan tâm thực hiện đồng bộ, đảm bảo phát huy tính tích cực, tự giác và tinh thần trách nhiệm của giáo viên, học sinh, sinh viên. Đội ngũ giáo viên đẩy mạnh tương tác, tạo cơ hội để học sinh, sinh viên tham gia tích cực, chủ động, sáng tạo vào quá trình khám phá, lĩnh hội nội dung bài học; chú trọng sử dụng các tình huống, các trường hợp điển hình, các hiện tượng thực tế, các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn đời sống xã hội để phân tích, đối chiếu, minh họa cho bài giảng; thực hiện linh hoạt các hình thức giảng dạy như: Thảo luận nhóm, quan sát, phân tích các tranh ảnh, băng hình, tiểu phẩm, xử lý tình huống, nhận xét, đánh giá các ý kiến, quan điểm, các hành vi, việc làm, các thông tin, sự kiện, các hiện tượng trong đời sống thực tiễn có liên quan đến các chuẩn mực đạo đức và pháp luật đã học, sưu tầm, tìm hiểu các tranh ảnh, bài báo, các tư liệu có liên quan đến nội dung bài học và trình bày, giới thiệu sản phẩm sưu tầm… Qua đó, tạo được hứng thú học tập cho học sinh, khuyến khích học sinh liên hệ, đối chiếu từ thực tiễn với bản thân; tiến hành khảo sát, điều tra, tìm hiểu, phân tích, đánh giá các sự kiện trong đời sống thực tiễn của lớp học, nhà trường, địa phương, đất nước trong quá trình học tập.

          Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên luôn được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Quán triệt Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kết luận 90- KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI, Kết luận 94-KL/TW của Ban Bí thư khóa XI, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; trong đó, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.

         Ngoài ra, thực hiện Chỉ thị 23-CT/TW, ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới, Hướng dẫn 64-HD/BTGTW, ngày 10/5/2018 của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn 1023-CV/TU, ngày 01/3/2018 và Kế hoạch 52-KH/TU, ngày 15/6/2018 để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ đặc điểm tình hình, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó, chú trọng việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào định hướng phát triển và hoạt động thực tiễn ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

         Hàng năm, ngành giáo dục và đào tạo xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên giảng dạy các môn lý luận chính trị; thực hiện chuyên môn hóa trong giảng dạy lý luận chính trị, đạo đức và giáo dục công dân; bồi dưỡng về việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo và năng lực tự học của học sinh; chú trọng kết hợp việc “dạy chữ” với “dạy người”; thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, trong đó, có môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Kinh tế - Pháp luật  để giáo viên có cơ hội trao đổi về chuyên môn giảng dạy. Đồng thời, quan tâm bồi dưỡng, tập huấn đưa nội dung học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào giảng dạy, như: lồng ghép giảng dạy vào môn Giáo dục công dân, Đạo đức; tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa với các chủ đề liên quan đến chủ nghĩa Mác - Lênin, tưtưởng Hồ Chí Minh, các hội thi kể chuyện về Bác Hồ… Bên cạnh đó, ngành giáo dục và đào tạo đã phát động thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, không vi phạm đạo đức nhà giáo”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”… Trường Đại học Tiền Giang, các trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, Trung tâm chính trị các huyện, thành, thị luôn chú trọng đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, tổ chức thảo luận các môn học chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đề ra các giải pháp phù hợp, thiết thực trong học tập cho sinh viên, học viên gắn với đặc thù học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh, thường xuyên cập nhật thông tin thời sự, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, kết quả học tập của sinh viên, học viên.

         Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy theo dõi, kiểm tra, giám sát công tác giảng dạy, học tập đạo đức và giáo dục công dân trong hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch khảo sát, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị ở trường Chính trị tỉnh, hệ thống ngành giáo dục, các Trung tâm chính trị cấp huyện... Nội dung tập trung vào những vấn đề như: thực hiện công tác đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị; việc tổ chức cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên; triển khai và tổ chức thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác giáo dục lý luận chính trị được thực hiện nghiêm túc.

         Ngoài ra, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo kiểm tra việc giảng dạy môn Đạo đức ở cấp tiểu học, môn Giáo dục công dân ở cấp trung học cơ sở. Qua đó, đánh giá thực trạng, trình độ chuyên môn và phương pháp vận dụng thực tiễn trong quá trình giảng dạy. Ngành giáo dục và đào tạo đã quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác giáo dục lý luận chính trị; đảm bảo chất lượng dạy và học, việc định hướng chính trị, tư tưởng trong giảng dạy bộ môn Đạo đức, Giáo dục công dân. Đội ngũ giáo viên đã tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, chú trọng sử dụng các phương tiện hỗ trợ giảng dạy hiện đại; kết hợp và sử dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy tích cực, bài giảng có sự liên hệ sát với thực tế địa phương và đảm bảo tính định hướng chính trị.

 

Công tác tập huấn lý luận chính trị năm 2023

 

       Nhìn chung, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm Kết luận 94-KL/TW của Ban Bí thư gắn với việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Trung ương, Chỉ thị 23-CT/TW, ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư, tạo chuyển biến tích cực trong việc đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân. Công tác tuyên truyền luôn được chú trọng thực hiện thường xuyên, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, giáo viên và Nhân dân. Từ đó, chất lượng các chương trình giáo dục lý luận chính trị không ngừng được nâng cao, kết quả giáo dục lý luận chính trịđạt hiệu quả, thiết thực, sát hợp với yêu cầu tình hình thực tế của địa phương. Việc đổi mới giáo dục lý luận chính trị đã góp phần xây dựng đội ngũ giáo viên giảng dạy lý luận chính trị ngày càng năng động, sáng tạo và tự học để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, giảng dạy; học sinh, sinh viên ngày càng phát huy năng lực sáng tạo, chủ động trong việc lĩnh hội tri thức, rèn luyện kỹ năng tư duy, thực hành.

 

         Tuy nhiên, giáo viên giảng dạy các môn Giáo dục chính trị, môn Đạo đức và môn Giáo dục công dân chưa kịp thời đổi mới phương pháp truyền đạt, hình thức kiểm tra đánh giá theo hướng phát huy phẩm chất năng lực người học. Thời lượng dành cho môn Giáo dục công dân, môn Kinh tế - Pháp luật còn ít (1 tiết/tuần), trong khi lượng kiến thức được “tích hợp” nhiều nội dung nên việc giảng dạy chỉ mang tính khái quát... Nội dung chương trình giáo dục môn Đạo đức (cấp Tiểu học), môn Giáo dục công dân (cấp Trung học cơ sở), môn Kinh tế - Pháp luật (cấp Trung học phổ thông) khá nặng, nhất là các kiến thức về kinh tế, học sinh rất khó tiếp thu, giáo viên phải đầu tư rất nhiều thời gian. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên và cơ chế khuyến khích học sinh giỏi theo học các chuyên ngành về lý luận chính trị và giáo dục công dân còn gặp khó khăn, chưa có chế độ ưu đãi riêng.

Thời gian tới, việc đổi mới mạnh mẽ việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên lý luận chính trị, bảo đảm sát hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân; đồng thời nêu yêu cầu tăng cường quản lý, chỉ đạo công tác học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân. Xác định rõ lý luận chính trị là môn chính bắt buộc, có thi cử, kiểm tra nghiêm túc, chặt chẽ./.

Tấn Quân
Tin liên quan