Chợ truyền thống nước ta nói chung và Tiền Giang nói riêng không chỉ là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng, tư liệu sản xuất hàng ngày cho cư dân, mà còn là không gian giao tiếp văn hóa của cộng đồng dân cư. Trong xu hướng mới, nhiều hình thức kinh doanh hiện đại như: siêu thị, cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại nở rộ, song chợ truyền thống được đánh giá vẫn là hình thức thương mại phổ biến nhất. Tuy nhiên để chợ truyền thống tồn tại đáp ứng yêu cầu của thương mại văn minh thì cả cơ quan quản lý, tiểu thương và người tiêu dùng đều phải chung tay giải quyết. | |
Chợ Mỹ Tho năm 1920 (Nguồn: https://vannghetiengiang.vn/news/) |
Hệ thống chợ truyền thống ở Tiền Giang ra đời song hành với sự phát triển của các làng xã. Chợ truyền thống đã phát huy vai trò phục vụ đời sống dân sinh, nhu cầu lưu thông hàng hóa và thúc đẩy phát triển thương mại của địa phương. Chợ truyền thống kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng nhằm giải quyết đầu ra cho người sản xuất, đảm bảo quá trình tái sản xuất diễn ra liên tục không ngừng, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ngoài ra, chợ truyền thống ở Tiền Giang không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, giữ vai trò to lớn trong đời sống vật chất mà còn là nơi hội tụ, kết tinh, giao lưu và lan tỏa văn hóa giữa các vùng miền.
Tuy nhiên, khi đời sống xã hội phát triển, nhu cầu của người dân tăng lên, cùng sự phát triển mạnh mẽ của loại hình thương mại hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại) và thương mại điện tử đã khiến thị phần của chợ truyền thống Tiền Giang bị thu hẹp chịu sức ép cạnh tranh(2). Bên cạnh những mặt tích cực, mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn cũng đã xuất hiện không ít tồn tại bất cập về an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, an toàn phòng cháy, chữa cháy và văn hóa kinh doanh. Vì vậy, cần có những giải pháp phù hợp để bảo tồn và và phát huy các giá trị của chợ truyền thống.
Giang hàng mua bán gia vị tại chợ Cũ (phường 8, thành phố Mỹ Tho).
Mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong những năm qua liên tục phát triển cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng nhu cầu mua, bán của nhân dân. Nhiều chợ được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động ổn định. Đa số các chợ xây dựng mới được đầu tư ở các nơi có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng thương mại, nhiều khu, cụm công nghiệp tập trung. Theo thống kê của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 177 chợ, gồm: 5 chợ hạng I, 21 chợ hạng II, 151 chợ hạng III. Hằng năm, công tác quản lý, hoạt động khai thác, kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh cơ bản đi vào ổn định.
Hệ thống các chợ truyền thống đã góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh sản xuất, phát triển dịch vụ, lưu thông hàng hóa, phục vụ tốt đời sống của người dân trên địa bàn. Theo số liệu từ Sở Công Thương, hiện bình quân mỗi xã, phường, thị trấn trên địa bàn có 16,1 chợ; mỗi phường/xã có 1,08 chợ; bình quân mỗi chợ phục vụ 9.244 người dân; trong đó có 25 chợ ở khu vực đô thị (chiếm tỷ lệ 14,1 %) và 152 chợ ở khu vực nông thôn (chiếm tỷ lệ 85,9 %). Nhìn chung, phân bố mạng lưới chợ tại các xã, phường, thị trấn khá đồng đều. Hiện nay, vẫn còn một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh chưa có chợ.
Các ngành hàng kinh doanh chính tại chợ truyền thống chủ yếu là thực phẩm tươi sống, tạp hóa, nông sản khô và sơ chế, sản phẩm của hộ sản xuất nhỏ... chiếm hơn 80% tổng số hộ kinh doanh. Trong đó, hàng thực phẩm tươi sống có số hộ kinh doanh lớn nhất, chiếm 46,3%, hàng của hộ sản xuất nhỏ chiếm tỷ lệ 14,7%, hàng may mặc là 8,5% và hàng tạp hóa chiếm tỷ lệ 7,5%. Các mặt hàng như trang sức, kim khí điện máy, nông cụ, vật tư nông nghiệp và điện tử điện lạnh chỉ chiếm dưới 1%. Cơ cấu hộ kinh doanh không cố định và đồng nhất trên từng huyện, thị mà có sự khác biệt giữa các ngành hàng.
Lý do người tiêu dùng lựa chọn chợ truyền thống Tiền Giang để mua sắm
Nguồn: Tác giả tổng hợp 2022
Bên cạnh sự phát triển đa dạng của các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, chợ điện tử… thì hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh có một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh. Sự phát triển của các chợ truyền thống góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần tích cực trong thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn và chợ truyền thống phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Người tiêu dùng hiện nay không chỉ hướng tới giá cả, chất lượng sản phẩm mà còn hướng tới vấn đề kênh phân phối. Qua khảo sát thì có tới 46% tiểu thương ở các chợ truyền thống cho rằng khách hàng đến mua sắm tại chợ là do chất lượng hàng hóa đảm bảo, đáp ứng nhu cầu. Phần lớn khách hàng lựa chọn mua sắm tại chợ vì thuận tiện cho việc đi lại, việc mua bán diễn ra nhanh chóng không mất nhiều thời gian thanh toán, giá cả ở chợ hợp lý hơn so với các điểm mua sắm khác và người mua có quyền trả giá. Ngoài ra, họ lựa chọn chợ còn vì thói quen mua sắm, hàng hóa ở chợ khá phong phú và đa dạng.
Chợ Bình Nghị (huyện Gò Công Đông) ngày nay.
Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi, qua khảo sát của cơ quan chức năng tỉnh cho thấy, tại một số chợ truyền thống, hoạt động kinh doanh vẫn gặp phải những khó khăn, hạn chế nhất định, như: Công tác đầu tư, di chuyển chợ, chuyển đổi mô hình quản lý chợ; vệ sinh môi trường; việc chuyển đổi công năng đối với một số chợ hoạt động không hiệu quả; công tác xử lý các chợ tạm, chợ tự phát còn hạn chế; việc xây dựng văn minh thương mại chưa được quyết liệt; chưa phát huy được tính chủ động của địa phương trong việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ, chuyển đổi mô hình quản lý chợ...
Đặc biệt hiện nay, chợ truyền thống đang bị đe dọa bởi sự xuất hiện hàng loạt các thương hiệu bán lẻ hiện đại trong nước và nước ngoài như Lotte Mart, Co.op Mart, Big C, VinMart,… với hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini len lỏi vào các khu dân cư tại thành phố, thị xã và ở cả khu vực nông thôn của tỉnh. Hiện nay khi nhịp sống xã hội phát triển thì việc mua bán, trao đổi hàng hóa ngày càng trở nên sôi động hơn với các kênh bán hàng hiện đại như: trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi…, cũng như nhiều hình thức, dịch vụ thuận tiện trên internet, từ mua bán hàng online, livestream, sàn thương mại điện tử đến mạng xã hội Facebook, Zalo... Đây cũng chính là một trong số các nguyên nhân khiến chợ truyền thống ở Tiền Giang rơi vào cảnh vắng khách.
Bà Nguyễn Huế Hảo (phường 1, thành phố Mỹ Tho) cho biết: Ngoài kênh mua sắm ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, bà thường chọn mua hàng thông qua mạng online, điện thoại. Lợi ích của việc mua hàng này so với ở chợ là không mất thời gian, hàng được giao nhanh chóng, giá cả cũng rẻ hơn. Tôi không thích mua hàng ở chợ vì vẫn còn một số trường hợp người bán nói thách, đòi giá quá cao so với giá trị thực của sản phẩm, tạo cho khách hàng tâm lý e dè, sợ bị mua “hớ”. Người bán hàng cũng không năng động sử dụng các chiêu thức thu hút khách hàng như: khuyến mại, tặng quà, giao hàng tận nơi..., phong cách bán hàng cũng như thái độ phục vụ chưa chuyên nghiệp”.
Ông Lê Minh Mỹ (sinh 1955), tiểu thương kinh doanh sạp vải tại chợ Gò Công (thị xã Gò Công) cho biết, 20 năm buôn bán nhưng chưa bao giờ chợ ế như bây giờ. “Ngày xưa, có những buổi chợ 2-3 người phụ bán hàng vẫn không ngơi tay. Bây giờ, có bữa ra chợ nhưng cả ngày không có khách mở hàng, có quầy 2-3 ngày không có khách mua. Các quầy bán hàng khác cũng trong tình cảnh tương tự. Ngay cả những mặt hàng vốn là ưu thế của chợ, như thực phẩm tươi sống cũng lâm vào tình cảnh buôn bán cầm chừng. Chợ bây giờ, không còn cảnh “trăm người bán, vạn người mua” như trước
TS. Huỳnh Quán Chi (Trưởng Bộ môn Khoa học xã hội, Trường Đại học Tiền Giang) cho rằng: “Có rất nhiều nguyên nhân khiến chợ truyền thống ngày càng đìu hiu khách, trong đó có nguyên nhân đến từ việc bị cạnh tranh khốc liệt bởi nhiều loại hình kinh doanh hiện đại và đa dạng(3). Với xu hướng hiện nay, các kênh phân phối hàng hóa hiện đại phát triển mạnh khiến chợ truyền thống đang mất dần ưu thế. Cùng đó, trước những lo lắng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng giờ đây có nhiều lựa chọn và có xu hướng thích vào mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi do những điểm bán hàng này có không gian thoáng đãng, mát mẻ, sạch sẽ. Hàng hóa đa dạng, phong phú, có xuất xứ rõ ràng, giá cả niêm yết công khai”
Đã từ lâu, chợ truyền thống Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng được xem là loại hình thương mại phổ biến và quan trọng trong hoạt động cung ứng và tiêu thụ hàng hóa của người dân. Hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... đã làm tăng áp lực cạnh tranh lên chợ truyền thống. Để chợ truyền thống phát triển song hành với các loại hình buôn bán khác, các ngành chức năng của Tiền Giang cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, rà soát, điều chỉnh bổ sung Quy hoạch mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2030 để phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo quỹ đất phát triển chợ; thực hiện việc đầu tư, thu hút đầu tư xây dựng chợ đúng quy hoạch.
Thứ hai, ưu tiên tập trung đẩy mạnh chuyển đổi mô hình quản lý chợ tại các chợ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang theo hình thức xã hội hóa. Đối với những chợ truyền thống đã xuống cấp, ngành cũng phối hợp các địa phương có phương án để từng bước nâng cấp, cải tạo nhằm đáp ứng nhu cầu buôn bán và mua sắm của tiểu thương và người dân, du khách khi đến du lịch tại địa phương.
Thứ ba, cần gắn kết các điểm bán hàng tại chợ truyền thống tỉnh Tiền Giang với các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng thế mạnh của địa phương, yêu cầu niêm yết giá bán tại các quầy, sạp trong chợ và bán đúng giá niêm yết. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự tại chợ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thứ tư, thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý chợ (bao gồm: Ban quản lý, Tổ quản lý chợ, Ban quản lý Hợp tác xã kinh doanh chợ, Doanh nghiệp quản lý chợ). Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng để phù hợp với tình hình và điều kiện thực tiễn của địa phương. Đồng thời, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ; nhân rộng mô hình “chợ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Thứ năm, tuyên truyền, vận động các tiểu thương buôn bán đổi mới tư duy, phương thức kinh doanh; tạo dựng lòng tin với khách hàng bằng việc bán những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đúng giá niêm yết, đẹp mắt, tiện lợi, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa những nhu cầu, thói quen mua bán hàng hóa của người tiêu dùng. Đồng thời, chủ động chuyển sang kinh doanh hình thức bán trực tiếp tại sạp hàng và bán online, thanh toán chuyển khoản, quét mã QR.
Thứ sáu, các tiểu thương cần phải tích cực tham gia các khóa đào tạo nâng cao kiến thức pháp luật, khuyến khích phát triển tiềm năng kinh doanh, tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới. Đồng thời, nâng cao chất lượng phục vụ, xây dựng văn hóa kinh doanh văn minh, lịch sự, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng; để nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ truyền thống trong tình hình mới.
Tóm lại, chợ truyền thống Tiền Giang vẫn mang đậm dấu ấn văn hóa riêng, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, do hình thành từ lâu đời nên mạng lưới chợ truyền thống Tiền Giang vẫn tồn tại một số hạn chế như cơ sở hạ tầng ngày càng xuống cấp, mất an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường,... Ðể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân, chợ truyền thống Tiền Giang cần được đổi mới về không gian, môi trường và cả phương thức kinh doanh cho phù hợp Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần có những chính sách ưu đãi cụ thể để thu hút các nhà đầu tư xây dựng, cải tạo và phát triển các chợ truyền thống: vừa văn minh, hiện đại; vừa phù hợp với thói quen mua sắm của người dân; đồng thời quyết liệt xóa chợ cóc, chợ tạm.
(1) Trường Đại học Tiền Giang
(2) Theo số liệu của Nielsen năm 2022, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm thị phần 75%, doanh thu trên dưới 10 tỉ USD mỗi năm.
(3) Theo khảo sát của chúng tôi, trên địa bàn tỉnh hiện nay nhiều cửa hàng thuộc các hệ thống bán lẻ thực phẩm, các chuỗi cửa hàng tiện lợi như: WinMart+, Bách hóa xanh... “len lỏi” vào tận khu dân cư. Chính điều này khiến sức mua của nhiều mặt hàng tại chợ truyền thống giảm, trong đó, những mặt hàng như hóa mỹ phẩm, quần áo, giày dép... bị tác động nhiều nhất.
Tài liệu tham khảo
1. Lê Thị Mai (2006), Chợ quê trong quá trình chuyển đổi, Nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội.
2. Nguyễn Phúc Nghiệp (1998), Kinh tế nông nghiệp Tiền Giang thế kỉ XIX, Nhà xuất bản Trẻ.
3. Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang (2014), Đề án Phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, Tiền Giang.
4. Sở Công Thương Tiền Giang (2018), Báo cáo tổng hợp điều chỉnh quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
5. Võ Văn Sơn (2019), Vai trò của chợ truyền thống đối với đời sống của người dân Tiền Giang, Đề tài nghiên cứu khoa học không xuất bản, Trường Đại học Tiền Giang.
6. Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang (2018), Quyết định số 1090/QĐ-UBND ngày 23 tháng 4 năm 2018 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển thương mại Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.