Giải pháp nghiên cứu này do Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hội Làm vườn huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) thực hiện. Theo đó, nghiên cứu được thực hiện trên cây xoài được xử lý ra hoa bằng cách tưới Paclobutrazol (PBZ) vào đất với liều lượng 10gr hoạt chất/gốc, sau đó, dùng chế phẩm vi sinh để phân giải PBZ lưu tồn trong đất trồng xoài kết hợp bón đạm, lân để đánh giá sự sinh trưởng, năng suất và phẩm chất xoài cát thương phẩm. | |
ThS. Nguyễn Ngọc Thành (áo trắng) kiểm tra thùng nuôi cấy chế phẩm vi sinh vật. |
Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng chế phẩm vi sinh kết hợp phân bón hữu cơ và vôi để bón cho cây giúp phân giải được PBZ lưu tồn trong đất; đồng thời, giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả canh tác cho nhà nông.
THỰC TRẠNG
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thành cho biết, xoài Cát Hòa Lộc là một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh Tiền Giang cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bởi màu sắc hấp dẫn, mùi vị thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao, đã được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Trong điều kiện tự nhiên ở ĐBSCL, cây xoài thường ra hoa vào tháng 12 đến tháng 1 năm sau và thu hoạch tập trung từ tháng 4 - 5. Chính vì thu hoạch tập trung nên giá bán không được cao trong vụ chính nhưng rất cao trong vụ muộn (tháng 7 – 9) và vụ nghịch (tháng 12 – 1); đặc biệt, vào các dịp lễ, tết. Từ thực tế này các nhà vườn đã áp dụng nhiều biện pháp để kích thích xoài ra hoa sớm hay nghịch vụ để có thể bán được giá cao gấp 2 đến 3 lần so với xoài chính vụ.
Phối trộn chế phẩm vi sinh vật với phân bón hữu cơ
PBZ là hợp chất hóa học được sử dụng để làm chậm sự tăng trưởng của cây trồng thông qua ức chế quá trình sinh tổng hợp GA (Gibberellin) ở rễ tơ. PBZ được sử dụng như hormone điều hòa sinh trưởng, giúp cây ăn trái ra hoa mùa nghịch. Khi tưới PBZ vào gốc làm cho chồi có tỷ lệ GA/ABA thấp, cây sẽ ngừng sinh trưởng và phân hóa mầm hoa. Trong quá trình canh tác, nông dân sử dụng PBZ tưới xung quanh gốc xoài với liều lượng rất cao để kích thích xoài ra hoa. Việc lưu tồn một lượng lớn PBZ trong môi trường đất và nước sau nhiều lần xử lý ra hoa làm cho đất dần thoái hóa, kém tơi xốp do các vi sinh vật (VSV), côn trùng, vật chủ có ích (trùn đất, trùn quế, dế…) trong đất bị tiêu diệt, tạo môi trường yếm khí (do đất bị nén chặt), bộ rễ bị ức chế, không ra rễ non làm cây kém phát triển, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng… Do đó, vấn đề đặt ra là cần giải độc PBZ trong đất để phục hồi bộ rễ cho cây, kết hợp cung cấp dinh dưỡng giúp xoài sinh trưởng tạo tán, tạo cành, nhất là cành mẹ để tạo hoa (xoài ra hoa ở đầu cành), nuôi trái là rất cần thiết.
Xuất phát từ thực tế trên, tác giả đã tiến hành nghiên cứu, sử dụng các loại phân bón, chế phẩm vi sinh cùng các chất liệu khác kích thích sự phát triển của VSV nhằm đánh giá khả năng phân giải PBZ trong đất trồng xoài Cát Hòa Lộc cũng như ảnh hưởng của các biện pháp này đến sự phát triển của bộ rễ và năng suất xoài. Đồng thời, cũng đánh giá ảnh hưởng của việc bổ sung dinh dưỡng đạm, lân đến năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của cây xoài.
Giải độc Paclo cho đất trồng xoài bằng chế phẩm VSV, phân bón hữu cơ…
KẾT HỢP NHIỀU CHỦNG VI SINH VẬT
Giải pháp nghiên cứu được thực hiện tại vườn xoài Cát Hoà Lộc thuộc ấp Hòa, xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè). Vườn xoài 15 năm tuổi, mật độ trồng 270 cây/ha, hàng năm được xử lý ra hoa bằng cách tưới PBZ vào xung quanh gốc (1 mét đường kính tán) với lượng 10g hoạt chất. Điểm mới của giải pháp này là tác giả sử dụng 6 chủng VSV gốc mua từ Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh về nuôi cấy và phối trộn với các giá thể, nguyên liệu khác tạo thành chế phẩm VSV để giải độc PBZ tồn dư trong đất.
Chế phẩm VSV nuôi cấy gồm: Trichodermaviride mật độ ≥ 1x108 CFU/g; Treptomyces sp. ≥1x108 CFU/g; Bacillus sp. ≥1x106 CFU/g; Lactobacillus sp. ≥ 1x108 CFU/g; Bacillus subtilis ≥1x108 CFU/g có tác dụng phân giải độc chất trong đất và Pseudomonas sp. ≥1x108 CFU/g có tác dụng phân giải P2O5 cố định bởi Fe3+, Al3+. Chế phẩm VSV đa chức năng được nuôi cấy trong thùng chứa (thùng mốt) dạng bột (tỷ lệ 1: 5) với hỗn hợp gồm: Cám gạo, bột ngô, bột đậu nành, các vitamin A, B, C, glucolyxin, tocotrienol facturi, axit grama buteric với lượng vừa đủ trong thời gian 90 ngày ở nhiệt độ từ 30 - 32oC, pH = 6 - 7. Sau đó ủ chế phẩm VSV thu được với chất thải gia súc theo tỉ lệ 1% trong 30 ngày rồi đem bón. Phân bón hữu cơ, vô cơ được phối hợp sử dụng gồm: Phân vi sinh BIMIX, phân bò; vôi; thạch cao; phân NPK 20-20-15+TE.
Vườn xoài của ông Trần Văn Đậm (xã Hòa Hưng) phục hồi tốt sau khi sử dụng chế phẩm
VSV giải độc PBZ
Giải pháp nghiên cứu được tiến hành bằng 2 thí nghiệm nhằm xác định ảnh hưởng của biện pháp phân giải đến mức độ lưu tồn PBZ trong đất, sự phát triển của bộ rễ và năng suất; đồng thời, xác định ảnh hưởng của lượng bón đạm, lân đến năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của cây xoài. Thí nghiệm được bố trí 4 nghiệm thức (thời gian thực nghiệm từ tháng 10/2019 đến tháng 7/2020). Đối với thí nghiệm 1, sau khi thu hoạch, bón vôi, NPK, phân bò hoai và chế phẩm VSV tự ủ được bón 2 lần với lượng 25 kg/cây/lần vào thời điểm 25 và 85 ngày sau khi bón vôi. Đối với thí nghiệm 2, bón phân bò hoai và vôi sau thu hoạch; bón K2O kết hợp với đạm và lân chia 3 đợt (sau thu hoạch; trước khi xử lý ra hoa và sau khi đậu trái).
Việc đánh giá kết quả nghiên cứu bằng cách lấy mẫu đất cách gốc 50cm ở độ sâu từ 0 - 20cm và 21 - 40cm vào các thời điểm trước thí nghiệm và 3, 6, 9 tháng sau khi bố trí thí nghiệm, phân tích lượng PBZ lưu tồn trong đất theo TCCS 246: 2015/BVTV tại Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Nam (TP. Hồ Chí Minh). Các chỉ tiêu theo dõi gồm: Số chùm quả và số quả thu hoạch/cây; khối lượng trung bình quả, năng suất thực thu, kích thước quả, cấu trúc quả, tỷ lệ phần ăn được và độ Brix.
KẾT QUẢ KHẢ QUAN
Theo Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XV (2022 – 2023), giải pháp “Quy trình phân giải Paclobutrazol trong đất bằng chế phẩm vi sinh vật” của thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thành có tính mới, tính sáng tạo, khả năng ứng dụng cao nên được xem xét trao giải Hội thi. Giải pháp này được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Bằng độc quyền “Giải pháp hữu ích”, hiện được nhiều nông dân ở các xã Hòa Hưng, Tân Thanh, Mỹ Lợi A, Mỹ Đức Tây… (huyện Cái Bè) sử dụng để giải độc Paclobutrazol trong đất trồng cây ăn trái (xoài, mận, sầu riêng…) rất hiệu quả. |
Theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thành, việc sử dụng các loại phân bón hữu cơ kết hợp với chế phẩm VSV đã tăng cường hoạt động của VSV và nhờ đó đã phân giải được PBZ lưu tồn trong đất. Hàm lượng PBZ lưu tồn trong đất trồng xoài trước và sau các thời điểm thí nghiệm khác nhau ở các nghiệm thức xử lý giảm dần sau 3, 6, 9 tháng thí nghiệm. Điều này cho thấy ngoài các VSV có trong đất, các loại VSV có trong phân bón và chế phẩm đã tăng cường phân giải PBZ. Ngoài ra, khi được bổ sung thành phần hữu cơ và vôi đã tạo môi trường thuận lợi cho VSV đất hoạt động nên mức độ phân giải PBZ tăng cao hơn so với nhóm đối chứng (83,44% so với 78,21%).
Sự phân giải hàm lượng PBZ lưu tồn trong đất cũng giúp bộ rễ xoài sinh trưởng khá tốt, nhất là khối lượng rễ tơ, khối lượng rễ dẫn, khối lượng rễ cái và tổng khối lượng rễ giữa các nghiệm thức. Như vậy, việc áp dụng các biện pháp phân giải PBZ vừa làm tăng mức độ phân bố rễ theo cả chiều ngang và chiều sâu, vừa tăng khối lượng rễ của cây xoài.
Về ảnh hưởng của lượng bón đạm, lân đến năng suất và phẩm chất xoài, kết quả nghiên cứu cho thấy, lân là yếu tố ảnh hưởng đến khối lượng quả cũng như năng suất nhiều hơn đạm; đặc biệt, với lượng bón 1,2kg đạm và 1,2kg lân/cây, các chỉ tiêu chiều dài, chiều rộng, độ dày quả, khối lượng thịt đạt chỉ số cao nhất (chỉ số đạt được lần lượt là 15cm, 9cm, 7cm và 424g) so với lượng lân được bón ở các mức thấp hơn.
Từ kết quả nghiên cứu trên, tác giả rút ra kết luận, việc sử dụng các loại phân bón có nguồn gốc hữu cơ kết hợp với vôi và chế phẩm VSV, mức độ phân giải PBZ được xếp theo thứ tự như sau: Chế phẩm vi sinh vật tự ủ phân giải 99,77% (trong 9 tháng); phân bón hữu cơ vi sinh BIMIX phân giải 96,95%; phân bò hoai phân giải 83,44%. Đồng thời, giúp cho khối rễ xoài phát triển theo chiều ngang lẫn chiều sâu, phẩm chất và năng suất xoài đạt mức cao nhất khi sử dụng chế phẩm VSV tự ủ (39,96 tấn/ha).
Ông Trần Văn Đậm (ấp Hòa, xã Hòa Hưng) cho biết: “Trước đây tôi thường xuyên sử dụng PBZ để xử lý xoài ra trái nghịch vụ, dần dần đất bị thoái hóa, rồi vườn xoài bị suy kiệt dần. Sau khi sử dụng chế phẩm VSV của ông Thành phối trộn với vôi, phân hữu cơ, phân cút ủ hoai (bằng chế phẩm trên)… để bón, đất vườn của tôi phục hồi rất tốt (bề mặt đất luôn tơi xốp do có nhiều ổ trùn, VSV có ích sinh sống); vườn xoài lúc nào cũng xanh mượt, cho trái say, đẹp nên bán được giá…” |