Quyết định số 217-QĐ/TW được Bộ Chính trị ban hành và được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, các cấp triển khai sâu rộng đến đoàn viên, hội viên và nhân dân. Qua đó, đã tác động tích cực đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong các tầng lớp nhân dân nói chung và cán bộ, đảng viên nói riêng. Quyền làm chủ của nhân dân, tính tự quản trong cộng đồng dân cư được phát huy. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai, thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội được thể hiện rõ nét. Vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân được chú trọng; hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó, tình hình tư tưởng, đời sống nhân dân ổn định, an tâm lao động sản xuất, khắc phục khó khăn, chấp hành tốt chủ trường, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. | |
Ảnh: https://tuyengiaotiengiang.vn |
Qua 10 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy báo cáo kết quả:
Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, sở, ngành thành lập 39 đoàn giám sát và giám sát 27 nội dung tại 435 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tập trung vào việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của nhân dân về bảo vệ môi trường; biện pháp, cách thức giảm nghèo bền vững; Việc thực hiện cánh đồng mẫu lớn...
Ngoài các nội dung giám sát độc lập, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tiền Giang còn quan tâm đến các hoạt động giám sát thường xuyên đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ dân cử; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện quy chế dân chủ... Bên cạnh đó, còn tích cực tham gia phối hợp giám sát với Hội đồng nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan tư pháp. Các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã chủ trì tổ chức, thành lập 194 đoàn để giám sát 194 nội dung tại 415 cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành, thị chủ động thành lập 225 đoàn, giám sát 225 nội dung tại 972 cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã tổ chức 2.198 cuộc giám sát với nhiều nội dung giám sát cụ thể, thiết thực như: việc huy động nguồn lực đóng góp kinh phí, vật chất của nhân dân trong xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông; việc xây dựng các công trình giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng và phúc lợi xã hội; việc thực hiện chế độ, chính sách, công tác chăm lo cho đối tượng chính sách; việc cấp phát quà Tết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; việc tuyển chọn thanh niên nhập ngũ và tuyển dân quân...
Nhìn chung, các kiến nghị sau giám sát của đoàn giám sát tỉnh, huyện, xã đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu và giải quyết kịp thời. Qua giám sát, những vấn đề hạn chế đã dần được khắc phục và thay đổi theo hướng tích cực hơn.
Cùng với hoạt động giám sát, công tác phản biện xã hội được Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp quan tâm triển khai, thực hiện, đạt được những kết quả tích cực. Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ trì, phối hợp tổ chức 97 hội nghị phản biện xã hội về các chủ trương, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội; tham gia góp ý và tổ chức hội nghị góp ý và tổ chức hội nghị góp ý hơn 5.213 văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương. Qua đó, đã phát huy được vai trò của các tổ chức thành viên, Hội đồng tư vấn trong hoạt động phản biện xã hội. Hoạt động phản biện xã hội của các địa phương đã tạo điều kiện để các tầng lớp Nhân dân phát huy quyền làm chủ trong việc tham gia xây dựng các chính sách, quy định và các đề án, dự án, chương trình của địa phương có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân. Qua đó, góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng các chính sách, quy định và các đề án, dự án khi ban hành phù hợp với thực tiễn, được Nhân dân đồng tình hưởng ứng. Nhìn chung, qua 10 năm triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, công tác phản biện xã hội có chuyển biến rõ nét, nhất là việc thể hiện chính kiến của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để xây dựng chính sách, pháp luật có chất lượng, hiệu quả và thiết thực.
Qua 10 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, việc tổ chức giám sát, phản biện xã hội luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy; sự phối hợp, tạo điều kiện của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, nhất là về cơ chế, chính sách và các điều kiện cần thiết để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò, trách nhiệm trong giám sát, phản biện xã hội. Kết quả giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội khá toàn diện và có sức thuyết phục cao. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về hoạt động giám sát, phản biện xã hội có chuyển biến mạnh mẽ, tích cực. Các cấp ủy đảng, các ngành, địa phương đã ban hành văn bản kịp thời triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc nội dung Quyết định số 217-QĐ/TW phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đạt được nhiều kết quả nổi bật, bám sát sự hướng dẫn của trung ương và tình hình thực tế của địa phương trong tổ chức thực hiện. Công tác phối hợp thống nhất hành động được phát huy, tính nhân dân được chú trọng, huy động được đông đảo các giai tầng xã hội tham gia. Công tác giám sát được tiến hành đồng bộ ở các cấp và sử dụng đồng thời tất cả các hình thức giám sát được quy định. Công tác phản biện xã hội được tổ chức chu đáo và ngày càng nhiều, nhất là đối với cấp tỉnh, cấp huyện. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng thể hiện rõ nét nhất là việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân./.