Đây là chủ đề của hội thảo khoa học được tổ chức vào sáng ngày 19/10/2023 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang tổ chức. Ông Phạm Văn Trọng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội thảo. | |
Tham dự Hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các viện, trường đại học ở trong và ngoài tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, các cơ quan ban ngành cấp huyện, xã; đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã ngành nông nghiệp.
Ông Phạm Văn Trọng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Võ Văn Lập, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn nhấn mạnh, thời gian qua, các sở, ngành, các đoàn thể, chính quyền địa phương đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp cho các đối tượng tham gia thành lập Hợp tác xã (HTX). Trong giai đoạn từ 2018-2023, toàn tỉnh đã thành lập mới được 80 Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) theo Luật HTX năm 2012. Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp địa phương, mời giảng viên các Viện, trường tổ chức các lớp đào tạo tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nâng cao chất lượng cho cán bộ quản lý HTXNN. Kết quả trong giai đoạn từ 2018-2023 đã tổ chức được 45 lớp với 1.600 người tham dự; tạo điều kiện cho các HTXNN tham gia các kỳ Hội chợ xúc tiến thương mại trong nước. Qua đó, đã quảng bá được hình ảnh của hàng nông sản Tiền Giang, giúp các HTXNN ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho thành viên hợp tác xã. Giai đoạn 2019-2020, tỉnh đã hỗ trợ 42 công trình cho 35 HTX với tổng kinh phí thực hiện là 32 tỷ đồng. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 372/KH-UBND ngày 10/12/2021 về liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021-2025; trong đó, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục 109 dự án/kế hoạch liên kết sẽ triển khai. Hiện có 29 dự án/kế hoạch liên kết được phê duyệt với tổng kinh phí thực hiện 107,487 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ là 19,414 tỷ đồng.
PGS.TS. Nguyễn Phú Son - Khoa Marketing, Đại học Kinh tế Cần Thơ trình bày tham luận:
“Giải pháp thúc đẩy liên kết bền vững giữa hợp tác xã và các thành phần kinh tế khác".
Tham dự hội thảo, đại biểu còn được các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ nhiều chủ đề liên quan đến việc nâng cao chất lượng của hợp tác xã nông nghiệp như: Kinh nghiệm về xây dựng và phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới hoạt động hiệu quả của một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; giải pháp thúc đẩy liên kết bền vững giữa hợp tác xã và các thành phần kinh tế khác; giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong việc phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang…
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao nội dung tham luận, thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý, đại diện hợp tác xã. Theo ông, đây là những ý kiến tâm huyết, được đúc kết từ thực tiễn. Do đó, ông đề nghị các ngành tiếp thu và vận dụng những giải pháp, đề xuất của các chuyên gia vào điều kiện thực tế của tỉnh. Ông Phạm Văn Trọng cũng đề nghị củng cố lại các hợp tác xã hoạt động chưa hiệu quả nhằm tìm ra giải pháp cụ thể hỗ trợ về nguồn cung, cũng như cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách để các Hợp tác xã có động lực tiếp tục duy trì và hoạt động khởi sắc hơn trong thời gian tới. Đồng thời, cần học hỏi các mô hình hợp tác xã của một số nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc vì các nước đi trước đã có những mô hình hợp tác xã vận hành rất hiệu quả và thành công./.