Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Tiền Giang: Định hướng phát triển du lịch đến năm 2030
(Ngày đăng: 20/07/2023)

Qua 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU, ngày 05/4/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X về phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; các cấp, các ngành và các địa phương đã cụ thể hóa nghị quyết vào chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm; xây dựng đề án và các văn bản chỉ đạo sát hợp với thực tiễn của địa phương; tổ chức tốt các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm và hình ảnh du lịch của địa phương đến du khách, bạn bè trong nước và quốc tế; lượng khách du lịch và tổng thu từ du lịch năm sau cao hơn năm trước.
Quang cảnh một góc sông Tiền (Tiểu Lam)


          Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước về phát triển du lịch và mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của phát triển du lịch chưa đi vào chiều sâu, còn mang tính thời vụ. Một số lãnh đạo ngành và địa phương chưa nhận thức được du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực nên có tư tưởng phát triển du lịch là nhiệm vụ riêng của ngành Du lịch; tiến độ triển khai thực hiện các dự án du lịch còn chậm, kéo dài. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chưa đi vào chiều sâu; chưa phát huy được năng lực và điều kiện để tổ chức các tour du lịch dài ngày, phát triển kinh doanh lữ hành, nhất là lữ hành quốc tế; chưa có các điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí quy mô lớn để giữ chân du khách; mức độ khai thác, phát triển du lịch sinh thái gắn với các di tích lịch sử - văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Năng lực, trình độ, sự nhạy bén của cán bộ quản lý nhà nước, của đội ngũ lao động trong lĩnh vực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là nhân lực chất lượng cao, chuyên gia đầu ngành. Để thực hiện có hiệu quả thời gian tới, tỉnh đã đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để phát triển cụ thể:


          Về mục tiêu: Tạo bước đột phá phát triển toàn diện du lịch của tỉnh cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính bền vững; phấn đấu đến năm 2030, du lịch là ngành kinh tế thực sự quan trọng của tỉnh, có tỷ trọng, tốc độ, chất lượng tăng trưởng cao, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và có sức cạnh tranh; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện môi trường, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh.


          Về các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025: Đón khoảng 2,1 triệu lượt khách, tăng bình quân 33,4%; trong đó, có trên 700 ngàn lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch đạt 6,7 ngàn tỷ đồng, tăng bình quân 8,9%. Có ít nhất 350 cơ sở lưu trú, với 8,5 ngàn phòng. Có ít nhất 34,8 ngàn lao động trong lĩnh vực du lịch, trong đó có khoảng 7 ngàn lao động trực tiếp.


          Về chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030: Đón trên 3,1 triệu lượt khách, tăng bình quân 8,1%; trong đó, có khoảng 1,3 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 13 ngàn tỷ đồng, tăng bình quân 14,2%. Có khoảng 470 cơ sở lưu trú, với 12,5 ngàn phòng. Có ít nhất 41,8 ngàn lao động trong lĩnh vực du lịch, trong đó có khoảng 9,7 ngàn lao động trực tiếp.


          Trong thời gian tới: các cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt thực hiện Nghị quyết; nâng cao nhận thức về trách nhiệm trong công tác phát triển du lịch của cả hệ thống chính trị. Đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong xây dựng, bảo vệ hình ảnh đất và người Tiền Giang. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư; ban hành các chính sách, cơ chế phù hợp, tạo môi trường thông thoáng về thủ tục đầu tư; mời gọi, thu hút nguồn lực xã hội, nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật ngành du lịch, đặc biệt là cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng phát triển của du lịch. Triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Quy hoạch, Đề án đã được phê duyệt. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển các dự án du lịch tại 04 trung tâm du lịch chính như: khu du lịch Cái Bè, khu du lịch cù lao Thới Sơn, khu du lịch biển Tân Thành và khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười... Tiếp tục xây dựng và phát triển sản phẩm đặc thù, tạo khác biệt và hình thành thương hiệu địa phương của tỉnh để cạnh tranh, trên cơ sở khai thác các tiềm năng văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch biển. Phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý, bảo đảm số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập; nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển du lịch để tạo nguồn nhân lực bền vững. Đưa du lịch vào giáo dục hướng nghiệp trong trường học để tạo nguồn nhân lực cho tương lai. Đổi mới cách thức quảng bá, xúc tiến du lịch; từng bước xã hội hóa trong công tác xúc tiến du lịch; đẩy nhanh chuyển đổi số ngành du lịch; nâng cao hiệu quả việc tổ chức các sự kiện văn hóa gắn với phát triển du lịch. Tập trung xây dựng và triển khai bộ nhận diện thương hiệu du lịch Tiền Giang; đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tổ chức quốc tế để trao đổi kinh nghiệm, tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, thu hút đầu tư, đào tạo nhân lực du lịch và giới thiệu điểm đến./.

 

Tấn Quân
Tin liên quan