Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Tổ chức đào tạo dạy nghề “trồng lúa chất lượng cao” thích ứng với biển đổi khí hậu cho người dân lao động nông thôn ở thị xã Gò Công
(Ngày đăng: 15/03/2023)

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã có tác động trực tiếp đến đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng, trong đó hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp đã tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp ở các huyện phía Đông trong đó có Thị xã Gò Công. Tần suất xảy ra ngày càng nhiều và càng sâu nên nguồn nước ngọt cung cấp cho chương trình “Ngọt hóa Gò Công” ngày càng ít đi. Một trong những giải pháp hiệu quả cho sản xuất lúa vùng ngọt hóa Gò Công là sử dụng giống lúa chất lượng cao đảm bảo xuất khẩu cũng như phục vụ chế biến và có khả năng chống chịu hạn, mặn và chống đổ ngã tốt, cho năng suất cao và ổn định. Qua đó thực hiện cơ cấu, bố trí lại mùa vụ trên nền đất lúa cho phù hợp với từng khu vực. Do đó, Phòng Kinh tế thị xã Gò Công Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thị xã Gò Công và Trường Trung cấp Gò Công tổ chức lớp dạy nghề “Trồng lúa chất lượng cao” cho người dân lao động nông thôn chuyên sản xuất lúa tại xã Tân Trung.
Cán bộ kỹ thuật (TTDVNN) hướng dẫn nông dân thực hành nhận diện sâu bệnh hại trên lúa giai đoạn trổ, ngậm sữa.

 

          Tham gia lớp nghề nông dân được cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thị xã Gò Công giảng dạy với 120 tiết học (trong đó 30 tiết lý thuyết, 90 tiết thực hành) về chuyên môn sản xuất lúa chất lượng cao và cán bộ Trường trung cấp Gò Công giảng dạy 24 tiết kỹ năng mềm, lớp học bắt đầu từ tháng từ cuối tháng 9 năm 2022, kết thúc vào tháng 12 năm 2022.

 

Nội dung lớp nghề gồm 3 mô đun trong đó phần lý thuyết: gồm các nội dung giới thiệu khái quát về cây lúa, chuẩn bị các điều kiện thuận lợi trước khi trồng lúa, tìm hiểu về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện bảo quản hạt giống lúa (QCVN 01-158:2014/BNNPTNT), chọn giống lúa chất lượng cao thích nghi tốt, gieo sạ lúa, ngâm ủ giống, gieo mạ và chăm sóc mạ, làm đất để sạ và cấy lúa, giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa, các khâu dặm lúa, quản lý nước cho cây lúa, phòng trừ cỏ dại, tìm hiểu về nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa, phòng trừ côn trùng, bệnh hại và động vật hại lúa, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất và thâm canh lúa.

 

Ông Lê Hùng Chinh - Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Gò Công

trao giấy chứng nhận cho các học viên.

 

Phần thực hành gồm: thực hành nhận biết các đặc điểm nông học của cây lúa, các biện pháp bảo quản lúa giống, tính lượng giống lúa ngâm ủ theo diện tích thực tế, kỹ thuật ngâm giống, gieo mạ, chuẩn bị dụng cụ vệ sinh đồng ruộng và làm đất, nhận biết nhu cầu dinh dưỡng, các biểu hiện thiếu hụt dinh dưỡng của cây lúa qua bảng so màu lá lúa theo chuẩn mới của IRRI, IPM trong bảo vệ thực vật, kỹ thuật canh tác lúa theo chương trình 3 giảm 3 tăng và 1 phải 5 giảm, nhận diện các loài thiên địch có lợi trên đồng ruộng như kiến ba khoan, bọ xít mù xanh, gọng vó, nhện Lycosa, nhện sói, nấm xanh Metarhizium sp., nấm trắng ký sinh trên rầy nâu…, nhận diện các mẫu rầy nâu hại lúa, sâu đục thân 2 chấm hại lúa, sâu đục bẹ hại lúa, sâu cuốn lá, bọ trĩ hại lúa, bọ xít hại lúa và nêu đặc điểm sinh thái các côn trùng, nhận diện các mẫu bệnh đạo ôn lá, cháy bìa lá, ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ, các biện pháp phòng trừ ốc bưu vàng, phòng trừ chuột trên ruộng lúa…

 

Đầu năm 2023, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Thị xã Gò Công phối hợp với Phòng Kinh tế Thị xã Gò Công, Trường Trung cấp Gò Công, Hội Nông dân xã Tân Trung đã tổ chức bế giảng lớp dạy nghề “Trồng lúa chất lượng cao” cho 35 học viên là nông dân sản xuất lúa nòng cốt tại ấp Sơn Quy A và Sơn Quy B, xã Tân Trung, Thị xã Gò Công.

 

Theo cán bộ kỹ thuật phụ trách lớp nghề - Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp Thị xã Gò Công cho biết: “Trước đây, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiến tiến vào sản xuất còn rất hạn chế, đặc biệt là trong việc sử dụng giống mới, giống chất lượng cao, giống xác nhận trong sản xuất, nên năng suất, chất lượng lúa kém, chi phí, giá thành sản xuất cao, hiệu quả kinh tế thấp. Lớp dạy nghề giúp nông dân thấy được hiệu quả của việc sử dụng giống xác nhận, giống lúa chất lượng cao trong sản xuất, đồng thời nắm được quy trình tự sản xuất, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây lúa để nông dân áp dụng tốt vào sản xuất”./.

KS. Dương Phát Thịnh
Tin liên quan