Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyến thông tỉnh Tiền Giang cho biết, sau gần một năm triển khai, chương trình phát triển kinh tế số đã mang lại những hiệu quả tốt, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Tiền Giang thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. | |
Toàn tỉnh hiện có 51 doanh nghiệp công nghệ cung cấp dịch vụ viễn thông – công nghệ thông tin, trong đó có 44 doanh nghiệp, chiếm 86,27% đã triển khai nền tảng số. Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa được giới thiệu tiếp cận, sử dụng các sản phẩm công nghệ số, để tham gia chuyển đổi số qua nền tảng SMEdx của quốc gia. Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 84,50%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%. Đã có 1.255 sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được đưa lên sàn thương mại điện tử: Postmart.vn, Voso.vn với số lượt giao dịch trên 8.479 lượt.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn cho biết, phát triển kinh tế số, hướng tới kết nối thị trường xuất khẩu bền vững là một trong những nội dung quan trọng được Ngành chú trọng. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang đã tổ chức giới thiệu tổng quan về thương mại điện tử và đẩy mạnh sử dụng các giải pháp số trong thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, những biện pháp Chuyển đổi số - Kinh tế số hiệu quả năm 2022 và kết nối cung cầu hàng hóa thu hút gần lượt người tham gia.
Nhờ vậy, nhận thức phát triển kinh tế số từng bước lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp, hộ gia đình, bước đầu triển khai tiêu thụ sản phẩm lên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ giới hạn trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoài tỉnh và toàn quốc.
Đối với các sản phẩm nông nghiệp của các hộ kinh doanh, hợp tác xã, được quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua sàn thương mại điện tử; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trên kênh phân phối mới, tìm kiếm đối tác, kết nối cung cầu… thiết thực giúp địa phương tăng trưởng xuất khẩu mạnh và bền vững. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Tiền Giang đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 3 tỷ USD, tăng 29,6% so cùng kỳ năm trước và đạt 89,6% chỉ tiêu cả năm.
Ông Trần Văn Dũng đánh giá, các doanh nghiệp bước đầu làm quen với các hoạt động quảng bá, tiếp thị và trải nghiệm khách hàng; từng bước tiếp cận khách hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch; các doanh nghiệp áp dụng các công nghệ số vào sản xuất kinh doanh, cụ thể như các hệ thống quản lý tài chính kế toán, quản lý xuất nhập, quản trị doanh nghiệp, triển khai hệ thống camera giám sát,… xây dựng trang thông tin điện tử, sử dụng mạng xã hội nhằm quảng bá, giới thiệu, kinh doanh sản phẩm,…
Năm 2021, theo kết quả báo cáo đánh giá Chỉ số chuyển đổi số - DTI của Bộ Thông tin và Truyền thông, Tiền Giang có chỉ số kinh tế số xếp hạng 12/63 tỉnh, thành phố cả nước. Đồng thới, giá trị tăng thêm của kinh tế số năm 2021 là 8.619 tỷ đồng và chiếm 8,59% trong tồng GRDP của tỉnh.
Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế, Tiền Giang phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số chiếm 15% GRDP của tỉnh và đến năm 2030 đạt 25%; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% và đến năm 2030 đạt 15%; Năng suất lao động hàng năm tăng bình quân trên 7% và đến năm 2030 đạt 8%.
Nhận thức chuyển đổi số có tính tất yếu khách quan, việc chuyển đổi số và phát triển kinh tế số là một phần quan trọng trong phát triển GRDP của tỉnh nên luôn được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh. Các chính sách thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi số nói chung, phát triển kinh tế số từng bước được ban hành và triển khai áp dụng.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế số, Tiền Giang tăng cường tuyên truyền, thúc đẩy đổi mới tư duy, nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, hộ gia đình và doanh nghiệp về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số trong đời sống, sản xuất, thương mại và thực thi công vụ. Đồng thời, xây dựng Kế hoạch, lộ trình phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2022 – 2025 trên cơ sở chiến lược của quốc gia; triển khai đồng bộ kế hoạch chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ở các ngành, các cấp nhằm lan tỏa trên diện rộng, đạt hiệu quả.
Tập trung thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số tại các doanh nghiệp; có chính sách thu hút và khuyến khích doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phát triển tại tỉnh, ưu tiên các lĩnh vực thương mại điện tử, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường, tài chính,…
Phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phát triển kinh tế số - ICT thông qua hỗ trợ Tập đoàn VNPT hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư Khu Công viên phần mềm Mekong ITP tại thành phố Mỹ Tho, hỗ trợ xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp thứ cấp vào Khu Công viên phần mềm hình thành các doanh nghiệp công nghệ số sản xuất, cung cấp các sản phẩm số, các dịch vụ số lan tỏa chuyển đổi số trong doanh nghiệp, chính quyền và người dân.
Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2022 – 2025. Sở dự thảo trình Ủy ban nhân dân tỉnh Kế hoạch Xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Năm 2022, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông) phối hợp Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các huyện tổ chức các cuộc hội thảo chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Trong đó, tập trung giới thiệu các sản phẩm công nghệ số đến với nhu cầu các doanh nghiệp tỉnh áp dụng đã tạo tiền đề cho nhận thức chuyển đổi số của các doanh nghiệp. Qua đó, có một số doanh nghiệp áp dụng các sản phẩm công nghệ số vào quản lý, sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình.
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông khảo sát lấy thông tin nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp để tìm ra các sản phẩm công nghệ thông tin có tính ứng dụng cao, phù hợp nhu cầu sử dụng cho doanh nghiệp.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng thừa nhận, trong quá trình phát triển kinh tế số, Tiền Giang cũng gặp những khó khăn như: khó khăn trong tiếp cận doanh nghiệp; các doanh nghiệp còn ngại hoặc chậm chuyển đổi số do đã quen với quy trình hoạt động hiện hành của doanh nghiệp…
Mặc khác, các doanh nghiệp thiếu nguồn lực công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số; thiếu kinh phí duy trì các phần mềm, máy tính, thiết bị công nghệ thông tin; còn tư duy theo lối cũ, ngại sử dụng các dịch vụ thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin không đảm bảo an toàn thông tin, lộ lọt thông tin doanh nghiệp, thông tin khách hàng.
Để khắc phục, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục xây dựng kế hoạch hành động, triển khai, thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế số. Tiến hành khảo sát chuyển đổi số cho doanh nghiệp, đánh giá mức độ chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhằm nắm bắt nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Từ đó, triển khai các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số đạt hiệu quả.
Ngoài ra, còn tổ chức các hội thảo giới thiệu mô hình chuyển đổi số cho doanh nghiệp, phát triển kinh tế số; triển khai hoạt động giới thiệu, xúc tiến cung cầu giữa doanh nghiệp công nghệ số và doanh nghiệp tỉnh; Tuyên truyền, áp dụng các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế số; Giới thiệu các mô hình chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp chuyển đổi số hiệu quả, mang lại niềm tin, sự quyết tâm chuyển đổi số trong lãnh đạo doanh nghiệp..../.