Sáng 14-6-2009, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Tiền Giang đã diễn ra cuộc tọa đàm trực tiếp với chủ đề “Tiền Giang xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra cho nông sản hàng hoá”, do cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực ĐBSCL phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức. Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Thanh Trung cùng đại diện lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Thương mại tỉnh, Hợp tác xã vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Châu Thành) và Hợp tác xã Mỹ Thành (Cai Lậy). | |
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Trung, Tiền Giang là tỉnh có diện tích đất trồng cây ăn trái lớn nhất khu vực ĐBSCL với 68 ngàn hecta, trên 80 ngàn hecta đất trồng lúa và 60 ngàn hecta diện tích mặt nước nuôi trồng thủy hải sản. Những năm qua, tỉnh luôn chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản và xây dựng thương hiệu quốc tế cho các sản phẩm nông nghiệp.
Từ năm 2003, tỉnh đã có Quyết định số 1135/QĐUB thành lập Ban chỉ đạo đăng ký bảo hộ và xây dựng thương hiệu, nhất là các loại trái cây đặc sản của tỉnh. Tỉnh đã xây dựng và triển khai chương trình hỗ trợ phát triển toàn diện một số loại trái cây đặc sản của tỉnh, trong đó có nội dung quan trọng là xây dựng và quảng bá thương hiệu. Hiện nay, tỉnh đã đăng ký bảo hộ 7 nhãn hiệu tập thể sản phẩm về cây ăn trái đặc sản: Xoài cát Hoà Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, khóm Tân Lập, bưởi lông Cổ Cò, sầu riêng Ngũ Hiệp, thanh long Chợ Gạo, sơ ri Gò Công; đăng bạ quốc gia tên gọi xuất xứ hàng hoá: Xoài cát Hoà Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, đặc biệt là vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim và gạo Mỹ Thành Nam đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP.
Các hàng hóa nông sản có thương hiệu, nhất là các hàng hoá đạt được tiêu chuẩn quốc tế Global Gap đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn cho địa phương. Về mặt kinh tế, các sản phẩm có thương hiệu có giá bán cao hơn so với các sản phẩm không có thương hiệu. Về mặt xã hội, người nông dân đã từng bước thay đổi tập quán canh tác theo hướng tiên tiến, phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội hiện đại. Bên cạnh đó, vai trò của hợp tác xã cũng được nâng lên. Thương hiệu hàng hoá nông sản cũng góp phần quảng bá hình ảnh địa phương.
Mục tiêu sắp tới của tỉnh là tiếp tục khuyếch trương nông sản hàng hoá của tỉnh, mở rộng diện tích các sản phẩm đạt chứng nhận Global GAP, áp dụng và chứng nhận VietGAP hoặc Global GAP cho các trái cây đặc sản. Tỉnh đã phê duyệt và chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế và trong nước về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Theo bà Trần Kim Nhung, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại tỉnh, trong lúc các hợp tác xã chưa có kinh nghiệm về xuất khẩu trái cây ra nước ngoài, Trung tâm đã trực tiếp hỗ trợ cho các HTX sơ chế, đóng gói hàng mẫu qua Nga, Cộng hoà Liên bang Đức và Hàn Quốc..., đến khi ổn định Trung tâm chuyển giao lại cho các HTX làm việc trực tiếp với các công ty của nước ngoài. Riêng với mặt hàng trái cây đóng hộp, đông lạnh đã có thị trường ổn định tại Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Châu Âu,Úc.
Ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim thông tin: HTX đã xuất khẩu 3,6 tấn vú sữa sang Nga, dự kiến sẽ xuất tiếp 6,5 tấn. Sau khi được chứng nhận Global GAP, giá trị sản phẩm vú sữa tăng 20%/ha ( giá trị tăng thêm từ 20-30 triệu đồng /ha). Muốn xây dựng sản phẩm đạt thương hiệu Global GAP thì cần sự liên kết của bốn nhà: Nhà khoa học - Nhà nông - Nhà doanh nghiệp - Nhà nước. Năm 2010, HTX sẽ mở rộng diện tích thêm 60 ha vú sữa Lò Rèn.
Ông Trương Văn Bảy, Chủ nhiệm HTX Mỹ Thành khẳng định: Nhằm tạo ra sản phẩm đạt 4 tiêu chí lớn: An toàn môi trường, An toàn sức khoẻ người sản suất, An toàn người tiêu dùng và Truy vết được sản phẩm, tháng 2-2009 HTX Mỹ Thành đã đạt được chứng nhận Global GAP, đồng thời sản phẩm làm ra được Công ty TNHH ADC trực tiếp bao tiêu sản phẩm với mức giá cao hơn 20% so với thị trường. Thấy được những lợi ích từ mô hình đem lại, bà con nông dân phấn khởi tham gia mô hình nhiều hơn. Được sự chỉ đạo của tỉnh, HTX tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất theo quy trình Global GAP 100 ha, do Phòng Nông nghiệp - PTNT Cai Lậy trực tiếp hướng dẫn. Theo quy hoạch, đến năm 2020 Tiền Giang sẽ mở rộng diện tích lúa an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế ở HTX Mỹ Thành lên 1.000 ha với sản lượng 1 triệu tấn.
Tại cuộc hội thảo, các đại biểu đều đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng thương hiệu cho nông sản hàng hoá của Tiền Giang, để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trong điều kiện Việt Nam gia nhập WTO, đồng thời cũng chính là phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại hoá, không ngừng nâng cao đời sống người nông dân.