Ngày 25/8, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang phối hợp cùng Sở Công Thương các tỉnh Bến Tre, Long An tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa với sự tham gia của khoảng 100 đại biểu là các doanh nghiệp, hợp tác xã, các nhà phân phối lớn trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành phía Nam. | |
Đại biểu tham quan các gian trưng bày sản phẩm |
Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn, Hội nghị nhằm kết nối doanh nghiệp với các nhà sản xuất, các hợp tác xã trong ngoài tỉnh chuyên sản xuất và cung ứng các sản phẩm nông – thủy sản – thực phẩm, sản phẩm đặc trưng vùng, miền đạt OCOP cấp tỉnh…Qua đó, tạo cơ hội để các đối tác liên quan có thêm cơ hội kết nối cung – cầu hàng hóa, tìm hiểu vùng nguyên liệu, địa bàn sản xuất cũng như nhu cầu, phương thức, tiêu chuẩn thu mua và tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện đưa ra thị trường phục vụ người tiêu dùng thông qua các kênh phân phối hàng hóa, sản phẩm có uy tín, được thị trường trong nước tín nhiệm.
Nhờ vậy, thiết thực góp phần tháo điểm “nghẽn” vể đầu ra sản phẩm chủ lực, giúp nông dân nói chung an tâm đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy đổi mới về nông nghiệp – nông thôn – nông dân và xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An cho biết, Long An hiện có trên 13.000 ha thanh long, trong đó tập trung nhiều nhất là ở huyện Châu Thành, sản lượng đạt gần 400.000 tấn/năm.
Quang cảnh Hội nghị
Hiệp hội Thanh long Long An là tổ chức nghề nghiệp mang tính chất kinh tế của những người sản xuất, nhà kinh doanh, chế biến xuất khẩu thanh long thuộc mọi thành phần kinh tế, được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện. Mục đích của Hiệp hội là liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau về kinh tế – kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chế biến thanh long bảo đảm sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, đại diện và bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên.
Theo ông Nguyễn Quốc Trịnh, thời gian qua, Hiệp hội thường xuyên thông tin giá cả thị trường, định hướng cho hội viên, hợp tác xã sản xuất thanh long theo đơn đặt hàng. Đến với Hội nghị, Hiệp hội thanh long tỉnh Long An mong muốn kết nối với các doanh nghiệp, nhà phân phối để tháo điểm nghẽn cho tiêu thụ thanh long, hướng đến thị trường trong nước giàu tiềm năng song song với đẩy mạnh xuất khẩu. Từ đó, giúp nhà vườn an tâm đẩy mạnh sản xuất, ổn định cuộc sống.
Giám đốc Hợp tác xã Vĩnh Kim (huyện Châu Thành, Tiền Giang) Nguyễn Thanh Sơn cho biết, hợp tác xã hiện có 4 cơ sở chế biến và 1 cơ sở đóng gói trái cây, sản lượng hằng năm trên 1.000 tấn trái cây các loại như: Dừa xiêm, bưởi da xanh, sa pô chê, thanh long, mít, xoài… cung cấp thị trường trong nước là chủ yếu. Trên lĩnh vực thương mại, hợp tác xã có mạng lưới 4 trung tâm bán lẻ những chủng loại hàng hóa thiết yếu.
Đặc biệt, Hợp tác xã Vĩnh Kim mong muốn xây dựng mối liên kết giữa nông hộ với hợp tác xã và hợp tác xã với doanh nghiệp, các nhà phân phối một cách bền vững nhằm hỗ trợ thành viên trong sản xuất, tiêu thụ, giải quyết đầu ra nông sản hàng hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động và giúp bà con ổn định cuộc sống.
Đại diện Tổng công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên thương mại Sài Gòn (SATRA) cho biết, đơn vị là 1 trong 17 doanh nghiệp nhà nước hàng đầu tại Thành phố Hồ Chí Minh. SATRA luôn mong muốn kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất – thương mại – dịch vụ tại các địa phương nhằm tìm kiếm cơ hội làm ăn, tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân, xã viên. Nhất là các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP hoặc đặc sản vùng, miền tại các địa phương với giá tốt nhất trên nguyên tắc các bên đối tác cùng có lợi. Yêu cầu của doanh nghiệp là chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh, các điều kiện khác như công bố chất lượng sản phẩm, cam kết về chất lượng,…
Quyền Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn cho biết, sau Hội nghị, Sở Công Thương sẽ lập danh sách cụ thể các doanh nghiệp, hợp tác xã, các chủ thể sản xuất của các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre cung cấp cho các nhà phân phối, hệ thống các siêu thị bán lẻ hàng đầu ở thị trường các tỉnh phía Nam nhằm triển khai các bước tiếp theo trong nỗ lực kết nối cung – cầu gắn với xúc tiến thương mại cho sản phẩm chủ lực.
Từ đó, góp phần tháo gỡ vướng mắc, đưa nông sản hàng hóa cũng như sản phẩm đặc trưng vùng, miền của các địa phương chiếm lĩnh thị trường trong nước, đến với người tiêu dùng một các rộng rãi, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội khi các tỉnh đang trở lại trạng thái bình thường mới khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống năm 2022 và các năm tiếp theo.
Nhân dịp này, Ban Tổ chức cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức sản xuất trưng bày, giới thiệu các sản phẩm chất lượng của mình với đại biểu, nhà phân phối, khách hàng, đối tác tham dự Hội nghị.
Sản phẩm được trưng bày, giới thiêu là các mặt hàng nông – thủy sản, thực phẩm, các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh trên địa bàn các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre. Đây là nỗ lực thiết thực xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, giúp mở đường giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa, sản phẩm đặc trưng vùng, miền đến với thị trường trong ngoài nước./.