Trong các ngày 5/7 đến 8/7. Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang khóa X đã tổ chức kỳ họp thứ 5 nhằm đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ 6 tháng đầu năm đồng thời tiếp tục đưa ra các nhóm giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 một cách bền vững, tạo tiền đề cho các năm tiếp theo. | |
Chủ tọa kỳ họp thứ 5, khóa X Hội đồng nhân dân tinh Tiền Giang |
Kỳ họp thứ 5, khóa X Hội đồng nhân dân tinh Tiền Giang cũng xem xét bầu bổ sung các chức danh: Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang, Ủy viên các Ban Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang và Ủy viên UBND tỉnh Tiền Giang.
Ông Nguyễn Hữu Lợi, đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang khóa X, Bí thư thị xã Gò Công trúng cử chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang khóa X và ông Nguyễn Thành Diệu, đại biều hội đồng nhân dân khóa X, Bí thư huyện ủy Gò Công Đông trúng cử chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Đồng thời, tại kỳ họp, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X tập trung thảo luận, đánh giá kết quả đạt được trong 6 tháng qua cũng như những khó khăn, thách thức cần tháo gỡ trong thời gian tới. Đặc biệt, nhìn nhận thực trạng sản xuất của các doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19 tuy được phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn bởi giá xăng dầu, nguyên, vật liệu đầu vào sản xuất tăng cao; lực lượng lao động thường xuyên thiếu, biến động, công nhân bỏ việc vẫn còn xảy ra... đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc triển khai một số dự án khu, cụm công nghiệp vẫn còn chậm; tình hình tiêu thụ các mặt hàng trái cây, xuất khẩu nông sản còn lệ thuộc nhiều vào thị trường truyền thống, giá đầu ra các sản phẩm nông, thủy sản thấp trong khi giá vật tư nông nghiệp, nhất là giá phân bón, thức ăn chăn nuôi đang ở mức cao, chi phí đầu vào tăng, làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế nông nghiệp, thu nhập của người dân.
Để khắc phục, trong 6 tháng cuối năm, tỉnh tiếp tục phát huy vai trò cấp ủy, chính quyền; Huy động tất cả các nguồn lực, gắn thích ứng, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh với thúc đẩy tăng trưởng với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân.
Tại kỳ họp, Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang yêu cầu UBND tỉnh và các cấp, các ngành đúc kết những kinh nghiệm điều hành phát triển kinh tế - xã hội khi tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới trong nửa đầu năm 2022, trong các tháng còn lại năm 2022 đưa ra những giải pháp tăng tốc phát triển theo hướng bền vững và hiệu quả, phát huy tốt tiềm năng và lợi thế tỉnh khu vực sông Tiền vừa nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí giao thương hết sức thuận lợi kết nối vùng và liên vùng.
Theo đó, địa phương tiếp tục theo dõi, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả gắn với phòng, chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu. Trước mắt là thu hoạch nhanh gọn vụ Hè Thu và chuẩn bị chu đáo cho sản xuất vụ Đông Xuân gắn với chuyển dịch cơ cấu sản xuất và Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Mặt khác, tỉnh quan tâm hơn nữa đến phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ mà đặc biệt là đầu tư kiện toàn kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng các khu – cụm công nghiệp đồng thời có chính sách phù hợp, hiệu quả mời gọi, thu hút đầu tư phát triển; tăng cường kích cầu tiêu dùng mà nhất là xúc tiến thương mại cho các sản phẩm chủ lực, nông – thủy sản có lợi thế cạnh tranh của tỉnh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tặng hoa cho các đại biểu vừa trúng cử các chức danh chủ chốt HĐND và UBND tỉnh
Tiền Giang khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tăng cường liên kết giải quyết đầu ra cho sản phẩm theo các mô hình chuỗi giá trị trên cây trồng, vật nuôi, tích cực kết nối thị trường cho trái cây đặc sản theo hướng giảm xuất tiểu ngạch song song với đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, giúp nông dân an tâm phát triển sản xuất, thâm canh, ổn định cuộc sống.
Mặt khác, các ngành, các cấp, các cơ quan hữu quan khẩn trương rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, giảm khó khăn và phiền hà cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nhất là trong các khâu miễn giảm thuế, vận chuyển và xuất nhập khẩu hàng hóa nhằm tạo đột phá trong cải cách hành chính...
Trong nửa cuối năm, Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang thống nhất các chỉ tiêu chủ yếu bao gồm phấn đấu thu ngân sách thêm 4.564 tỷ đồng để đạt tổng thu ngân sách cả năm 9.505 tỷ đồng, vượt 7,7% dự toán cả năm và tăng hơn 10,2% so năm trước; kim ngạch xuất khẩu đạt thêm 1,5 tỷ USD nâng cả năm đạt 3,5 tỷ USD, vượt 4,5% kế hoạch và tăng 18,6% so năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt thêm 37.300 tỷ đồng để đạt tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội cả năm 2022 hơn 75.400 tỷ đồng; thu hút thêm 293.000 lượt du khách để đạt tổng lượng khách cả năm 580.000 lượt, gấp 2 lần so năm trước,…
Theo Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang khóa X Võ Văn Bình, năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI trong bối cảnh cả nước đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ.
Ông Võ Văn Bình đánh giá, với sự tập trung lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; vai trò chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh cùng sự vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nên các hoạt động dần trở lại trạng thái bình thường mới; các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh - tế xã hội 6 tháng đầu năm 2022 đạt kết quả tốt.
Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 4,1% so với cùng kỳ. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý theo hướng tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp và giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp.
Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,07 tỷ USD, đạt 61,9% so kế hoạch, tăng 20,8% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trong 6 tháng được 4.941 tỷ đồng, đạt 55,9% dự toán năm... Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 58,3% kế hoạch, có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 27,3% kế hoạch. Nâng toàn tỉnh có 131/143 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 91,6% số xã; có 26 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 18,2% số xã; thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và thị xã Cai Lậy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Chợ Gạo, huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây đạt chuẩn huyện nông thôn mới; huyện Cai Lậy đang khẩn trương thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới để ra mắt huyện nông thôn mới cuối năm 2022.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, công tác an sinh xã hội; an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội được đảm bảo; các chính sách hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề lao động nông thôn,… được triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Để nâng cao chất lượng kỳ họp, ông Võ Văn Bình yêu cầu các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nêu cao trách nhiệm, phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, tập trung nghiên cứu, tích cực tham gia thảo luận đóng góp nhiều ý kiến chất lượng đối với các nội dung trình hoặc lưu hành trong kỳ họp, vừa rút ngắn thời gian vừa đảm bảo cho kỳ họp thành công tốt đẹp.
Tại kỳ họp thứ 5, Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang khóa X còn dành thời gian thảo luận, giải trình và chất vấn, trả lời chất vấn về những vấn đề nhân dân và cử tri quan tâm. Từ đó, phát huy vai trò đại biểu Hội đồng nhân dân vừa tạo chuyển biến tích cực trong các ngành, lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân./.