Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Giải pháp phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
(Ngày đăng: 14/06/2022)

Ngày 10/6/2022, tại khách sạn Sài Gòn – Bạc Liêu, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu (Liên hiệp Hội) phối hợp với Công ty cổ phần Sáng tạo Xanh Việt Nam tổ chức hội thảo “Hiện trạng và giải pháp phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo ở Đồng bằng sông Cửu Long”. Thạc sĩ Lâm Thành Đắc, Chủ tịch Liên hiệp Hội Bạc Liêu và tiến sĩ Nguyễn Xuân Khoa, Phó chủ tịch Liên hiệp Hội chủ trì hội thảo.
PGS.TS. Lê Anh Tuấn (Trường Đại học Cần Thơ) nêu định hướng phát triển NLTT ở ĐBSCL và Việt Nam

 

          Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Bạc Liêu; các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân quan tâm và ứng dụng năng lượng tái tạo (NLTT), các chuyên gia, nhà khoa học cùng đại diện lãnh đạo Liên hiệp Hội các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh.


          Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Khoa, thời gian qua, các tỉnh khu vực ĐBSCL nói chung và Bạc Liêu nói riêng đã có những bước đi đột phá trong phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Việc phối hợp tổ chức hội thảo nhằm phân tích hiện trạng, tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp phát triển bền vững các nguồn NLTT ở ĐBSCL.

 

ThS. Lâm Thành Đắc (trái) và TS. Nguyễn Xuân Khoa chủ trì hội thảo về năng lượng tái tạo


          PGS. TS. Lê Anh Tuấn (Trường Đại học Cần Thơ) thông tin, Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, có bờ biển dài nên hội đủ điều kiện để phát triển nhiều dạng NLTT như: Năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng dòng chảy, năng lượng địa nhiệt, năng lượng sinh khối. Tuy nhiên, tiềm năng này chưa được chú ý khai thác. Tiềm năng kỹ thuật điện mặt trời (ĐMT) ước tính gần 7 triệu MW, gấp khoảng 100 lần công suất hệ thống điện quốc gia hiện nay (70 GW); tiềm năng kỹ thuật điện gió trên bờ là 217 ngàn MW, gấp 3 lần công suất hệ thống điện quốc gia; năng lượng sinh khối khoảng 150-160 triệu tấn/năm nhưng việc khai thác còn khá khiêm tốn; riêng thủy điện, chỉ còn khoảng 20% thủy điện nhỏ chưa khai thác nhưng nguồn NLTT này có thể gây ra một số tác động về môi trường, xã hội...

 

Đại diện Công ty cổ phần Sáng tạo Xanh Việt Nam đề xuất năng lượng bền vững,

thúc đẩy sinh kế Xanh cho cộng đồng.


          Theo Sở Công thương Bạc Liêu, tính đến cuối năm 2021, tỉnh đã đưa vào hoạt động 8 dự án điện gió với tổng công suất 469,2 MW (đứng thứ 3 cả nước) và có 1.619 khách hàng lắp đặt ĐMT mái nhà, công suất 151,9 MW, giúp tạo ra nguồn điện sạch, an toàn, thân thiện với môi trường do giảm phát thải trên 586 ngàn tấn CO2.


          Tại hội thảo, Ngành Công thương, Điện lực, các chuyên gia cũng chia sẻ một số khó khăn, thách thức trong đầu tư phát triển các nguồn NLTT như: Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát và thời hiệu áp dụng quá ngắn gây khó khăn cho nhà đầu tư cũng như công tác quản lý, vận hành lưới điện của ngành điện khi nguồn cung tăng đột ngột và không theo quy hoạch; hệ thống truyền tải sẽ không đáp ứng được nhu cầu khi các dự án điện gió, điện khí đồng loạt vận hành phát điện; một số tỉnh chưa được đầu tư lưới 500 Kv cũng như vị trí đấu nối từ các dự án nhà máy điện đến trạm biến áp khá xa làm phát sinh chi phí đầu tư; việc đầu tư NLTT, trong đó có ĐMT thường đòi hỏi nguồn vốn lớn nên nông dân, người có thu nhập thấp khó tiếp cận; vấn đề xử lý các tấm quang năng sau quá trình khai thác, sử dụng…


          Để thúc đẩy việc đầu tư, ứng dụng các nguồn NLTT tại khu vực ĐBSCL, một số giải pháp, đề xuất, kiến nghị được đưa ra như: Từng bước quy hoạch phát triển NLTT; có kế hoạch điều chỉnh mục đích sử dụng đất và công bố, công khai quy trình đầu tư NLTT; tận dụng phế phẩm trong nông nghiệp để tạo ra khí sinh học làm khí đốt, chất đốt; đề nghị bổ sung vào Quy hoạch điện VIII đường dây và trạm biến áp 500kV kết hợp đầu tư, nâng cấp đường dây và trạm biến áp 110kV, 220kV cho một số tỉnh để giúp giải phóng công suất phát điện từ các dự án điện gió, ĐMT; đề nghị Chính phủ sớm ban hành giá FIT mới cho điện gió, ĐMT; kết hợp đầu tư ĐMT và điện gió tầm thấp nhằm khai thác tối đa tiềm năng, diện tích tại các trang trại tôm; đầu tư ĐMT kết hợp với sản xuất nông nghiệp để giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường…

  

Huỳnh Văn Xĩ
Tin liên quan