Công nghệ 4.0 đang được áp dụng cho nông nghiệp Việt Nam như: (i) hệ thống thiết bị máy móc kỹ thuật được số hóa, gắn cảm biến và kết nối internet hoặc được kết nối với hệ thống nhà lưới, nhà kính, nhà màng để tạo thành hệ thống canh tác thông minh trong nhà, được điều khiển tự động hoặc bán tự động với quy trình khép kín; | |
Máy bay không người lái phun thuốc BVTV trên cây rau |
(ii) hệ thống tưới được vận hành từ xa dựa vào phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây và người dùng có thể theo dõi các thông số nầy theo thời gian thực giúp tiết kiệm lượng nước tưới 30- 50%, giảm tiêu thụ năng lượng, giải phóng toàn bộ công lao động vận hành hệ thống tưới thủ công trong khi vẫn đảm bảo lượng nước tưới tiêu phù hợp cho sự tăng trưởng của cây trồng; (iii) phần mềm công nghê VFSC là một phần mềm mở, áp dụng công nghệ Block-Chain để truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam theo nguyên tắc “Từ trang trại đến bàn ăn” cho trang trại chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản trong quá trình sản xuất kinh doanh và truy xuất nguồn gốc chuỗi nông sản thực phẩm; (iv) robot gắn các thiết bị cảm biến để thu thập và phân tích dữ liệu, sau đó đưa ra quyết định chăm sóc cây trồng phù hợp; (v) FarmRise App, một giải pháp nông nghiệp kỹ thuật số ứng dụng trên điện thoại di động có hệ điều hành Android hỗ trợ cho nông dân sản xuất nhỏ quản lý quy trình canh tác của mình.
Trên lĩnh vực bảo vệ thực vật (BVTV), công nghệ 4.0 tạo ra những bước tiến nhảy vọt. Thiết bị bay không người lái giúp nông dân phun các sản phẩm bảo vệ cây trồng, phun đúng vị trí và liều lượng giúp tiết kiệm thuốc và hạn chế lạm dụng các sản phẩm hóa học trong khi không phải tiếp xúc với hóa chất độc hại. Qua ứng dụng thực tế tại một số địa phương như: Kiên Giang, Đồng Tháp,… máy bay không người lái phun thuốc BVTV hiệu quả và đảm bảo an toàn so với phun thuốc bằng thủ công, cho thấy phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay sẽ là dịch vụ thu hút được nhiều nông dân tham gia và là hướng đi tất yếu của nông nghiệp hiện đại. Về các phần mềm ứng dụng, nông dân có thể sử dụng điện thoại di động thông minh nối mạng 3G, 4G hay wifi để tải về sử dụng; ứng dụng xarvio “FIELD MANIGER” giúp nhận diện chẩn đoán nhanh các dịch hại và khuyến cáo các loại thuốc để xử lý; zalo được tích hợp với hệ thống mã QR xác thực sản phẩm thuốc BVTV có đúng nhà sản xuất, giúp quản lý được thời gian và chất lượng sản phẩm; phần mềm tra cứu thuốc BVTV quốc gia của Cục BVTV cho phép người sử dụng truy cập trực tiếp vào cơ sở dữ liệu của Cục BVTV với những thông tin mới nhất và đầy đủ về thuốc BVTV hiện có trên thị trường, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam trên từng loại cây trồng, và các bộ tài liệu hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV hiệu quả, an toàn và phát triển bền vững.
Việc điều tra dự tính, dự báo sâu bệnh hại cây trồng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành BVTV là cơ sở để phát hiện và dự báo chính xác sự phát sinh và gây hại củ dịch hại, từ đó kịp thời có các biện pháp phòng trừ, hạn chế thiệt hại cho sản xuất. Công tác nầy hiện được thực hiện thống nhất theo phần mềm quản lý dữ liệu BVTV PPDMS 2.0 trên phạm vi cả nước do Cục BVTV chỉ đạo chung, giúp tra cứu nhanh, đầy đủ thông tin về thuốc BVTV, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, hướng dẫn nông dân và hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp tuân thủ pháp luật, sử dụng đúng thuốc BVTV, phục vụ nhu cầu sản xuất an toàn. Biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh và mạnh, diễn biến dịch ngày càng phức tạp, khó lường đã tác động lớn đến công tác phân tích, dự báo để đạt được độ chính xác tuyệt đối. Với công nghệ 4.0, trạm giám sát sâu rầy thông minh sử dụng năng lượng mặt trời, tự động hóa, đặc biệt là phần trí tuệ nhân tạo. Việc giám sát sâu rầy có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi, không phải bị động, hay trực tiếp ra đồng như trước đây. Trạm giám sát sử dụng ánh sáng đèn led để kích thích và dẫn dụ sâu rầy trên diện rộng, sử dụng camera trí tuệ nhân tạo để giám sát. Mạng lưới tự động nhận diện, thống kê số lượng, mật độ, các chủng loại sâu rầy thông qua phầm mềm quản lý trung tâm SaaS (Software as a service); tự động vệ sinh sạch sâu rầy sau quá trình hoạt động. Trà Vinh là tỉnh đi đầu khi phê duyệt đề án xây dựng hệ thống giám sát côn trùng thông minh phục vụ công tác BVTV trên địa bàn tỉnh. Các bẩy đèn sẽ giúp theo dõi côn trùng trên cây lúa, rầy nâu di trú; lấy mẫu rầy nâu phân tích, giám định mầm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Bẩy đèn thông minh nhận diện chính xác số lượng, chủng loại côn trùng vào đèn, giúp nhà quản lý có cơ sở dữ liệu trên máy tính chủ và máy trạm, thông qua phầm mềm ứng dụng; từ đó ghi nhận kết quả phục vụ công tác dự tính, dự báo công tác kịp thời và chính xác hơn. Ngoài ra, công nghệ bẩy đèn thông minh, giám sát côn trùng sẽ giúp nông dân truy cập thông tin nhanh, chính xác bằng điện thoại thông qua phầm mềm ứng dụng; giúp phòng trừ dịch hại hiệu quả, giảm chi phí sản xuất, đặc biệt là giảm tối đa sử dụng thuốc BVTV trên cây lúa.
Tại Tiền Giang, ngành nông nghiệp tỉnh đang chủ trì triển khai thực hiện 02 dự án phát triển sản xuất lúa và rau màu ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ 4.0: (i) Dự án ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất lúa giai đoạn 2018- 2020 và định hướng đến năm 2025, dự kiến triển khai tại 4 huyện trồng lúa trọng điểm của tỉnh với diện tích 30.000 ha, dự kiến đến năm 2025 sẽ có 15.536 ha lúa ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất; (ii) Dự án xây dựng cánh đồng rau công nghệ cao giai đoạn 2018- 2020 và định hướng đến năm 2025 tại 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, trong đó tập trung vào các vùng chuyên canh rau màu, với mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 50% diện tích trồng rau trong vùng dự án ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đối với công tác BVTV, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, dịch hại phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh như hiện nay, việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ 4.0 để điều tra dự tính, dự báo chính xác sâu bệnh hại cho các loại cây trồng chủ lực của tỉnh (lúa, thanh long, sầu riêng, xoài, cây có múi,…) là hết sức cần thiết, cấp bách và hơn bao giờ hết cần có sự chung tay góp sức của các đơn vị có đủ năng lực về công nghệ thông tin của các viện trường trong khu vực và thành phố Hồ Chí Minh./.