Nhằm triển khai, tuyên truyền sâu rộng kết quả Hội nghị Trung ương 5 (khoá XIII) đến cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ, sau kết nối trực tuyến Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 12/5/2022; chiều 17/5/2022, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tiếp tục tổ chức Hội nghị trực tuyến từ tỉnh đến xã (phường, thị trấn) thông báo kết quả Hội nghị Trung ương 5 (khoá XIII). | |
Hội nghị đã nghe Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang báo cáo kết quả Hội nghị Trung ương 5 (khoá XIII). Theo đó, từ ngày 04/5 đến ngày 10/5/2022 tại Thủ đô Hà Nội, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp bàn về các nội dung: (1) Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. (2) Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. (3) Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. (4) Về xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. (5) Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021. (6) Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (7) Báo cáo những công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 4 đến Hội nghị Trung ương 5 và một số nhiệm vụ trọng tâm từ Hội nghị Trung ương 5 đến Hội nghị Trung ương 6 khoá XIII. (8) Báo cáo kết quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ năm 2022. (9) Nghe báo cáo chuyên đề về: "Xung đột Nga - U-crai-na: Tác động quốc tế và những vấn đề đặt ra".
Về Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, thảo luận Tờ trình và Đề án của Bộ Chính trị; thống nhất ban hành Nghị quyết với tên gọi: "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".
Về quan điểm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất các quan điểm:
Một là, Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra. Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội theo luật định, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình. Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất công bằng, hiệu quả và bền vững.
Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo lãnh thổ quốc gia, cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường; phân công hợp lý giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương, đồng thời có sự phân cấp phù hợp, hiệu quả đối với địa phương.
Hai là, Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu; quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ. Người sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai; không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân; có chính sách để đất nông nghiệp được sử dụng với hiệu quả cao nhất.
Ba là, Thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; có chính sách phù hợp với đối tượng, loại hình sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai; khắc phục tình trạng sử dụng đất đai lãng phí, tham nhũng, khiếu kiện và đầu cơ đất đai.
Bốn là, Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai. Hiện đại hoá công tác quản lý đất đai, dịch vụ công về đất đai. Củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy quản lý đất đai tập trung, đồng bộ, thống nhất. Nâng cao vai trò và năng lực các cơ quan tư pháp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai. Đất đai phải được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, lượng hoá, hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế; được quy hoạch sử dụng hợp lý với tầm nhìn dài hạn, hài hoà lợi ích giữa các thế hệ, các vùng, miền, giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Giải quyết tốt những bất cập, vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại và từ yêu cầu mới của thực tiễn.
Năm là, Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn dân trong xây dựng, thực hiện và giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai.
Về mục tiêu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định mục tiêu tổng quát là: Hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đất đai được huy động, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững; được quản lý với hiệu lực, hiệu quả cao; thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả; nguồn lực đất đai được vốn hoá, khai thác, phát huy cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo đảm công bằng, ổn định xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là: (1) Ưu tiên thời gian, nguồn lực để sớm hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 vào năm 2023 và một số luật liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. (2) Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông. (3) Hoàn thành việc kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đất đai theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ, thống nhất; có sự phân cấp phù hợp, hiệu quả kèm theo cơ chế kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. (4) Giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất và xây dựng kinh tế; đất của các cơ sở sản xuất, đơn vị sự nghiệp tập trung đông người đã di dời ra khỏi trung tâm các đô thị lớn; đất tôn giáo; đất kết hợp sử dụng nhiều mục đích; đất sản xuất, đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Mục tiêu đến năm 2030: (1) Hệ thống pháp luật về đất đai được hoàn thiện đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. (2) Khắc phục cơ bản tình trạng sử dụng đất lãng phí, để đất hoang hoá, ô nhiễm, suy thoái.
Trung ương cũng đã đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp.
Một là, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hai là, hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai.
Bốn là, đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng.
Năm là, tập trung giải quyết về cơ bản các tồn tại, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất.
Sáu là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong quản lý và sử dụng đất.
Về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, thảo luận về Tờ trình, Báo cáo tổng kết của Bộ Chính trị; thống nhất ban hành Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là: Nông dân và người dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển hiện đại, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Nông thôn phát triển toàn diện, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, môi trường sống tốt đẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; xây dựng tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5 - 6%/năm. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn bình quân trên 10%/năm. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90%, trong đó, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới trên 70%, trong đó 35% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Tỉ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 80%. Tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%; bình quân hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn; tỉ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 60%. Tỉ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%, nâng cao năng suất, chất lượng rừng; tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 90%.
Tầm nhìn đến năm 2045 là: Nông dân và người dân nông thôn văn minh phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, thông minh, sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, quy mô xuất khẩu nông sản đứng hàng đầu thế giới. Nông thôn hiện đại, điều kiện sống tiệm cận với đô thị, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
Về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, thảo luận về Tờ trình và Đề án của Bộ Chính trị; thống nhất ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên; xây dựng thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã. Bảo đảm trên 80% tổ chức kinh tế hợp tác hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hoá gắn với liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.
Tầm nhìn đến năm 2045: Thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế hợp tác. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác, bảo đảm chất lượng hoạt động ngang tầm phong trào hợp tác xã các nước trong khu vực và trên thế giới. Các hợp tác xã đều áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ; bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế hợp tác hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết. Đẩy mạnh phát triển mô hình liên đoàn hợp tác xã, mô hình doanh nghiệp trực thuộc các tổ chức kinh tế hợp tác. Có ít nhất 3 tổ chức kinh tế hợp tác nằm trong bảng xếp hạng 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) công nhận./.