Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Ý nghĩa ngày khoa học&công nghệ việt nam
(Ngày đăng: 17/05/2022)

Đảng và nhân dân ta đã và đang tiến hành cuộc “Cách mạng khoa học kỹ thuật”. Thật vậy, lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự phát triển của KH&CN, vì người cho rằng nó có ảnh hưởng rất lớn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.


          Trong bài phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam (18-5-1963), Hồ Chủ tịch đã phân tích: “chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp kém. Phong tục tập quán lạc hậu còn nhiều”. Nói riêng về khoa học tự nhiên và kỹ thuật Người nhấn mạnh:“Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”.


          KH&CN liên kết chặt chẽ với sản xuất; đồng thời sản xuất cũng là động lực thúc đẩy KH&CN phát triển. Điều nầy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta trong việc xây dựng tiềm lực KH&CN hướng tới hiện đại, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển nhanh, tạo điều kiện nâng cao đời sống của nhân dân, trước hết là bảo đảm các yêu cầu cơ bản của người dân, xóa đói giảm ngèo, từng bước đưa đất nước phát triển bền vững.


          Đã gần 60 năm trôi qua, những lời dạy của Bác vẫn mang tầm vóc tư duy và ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn vô cùng sâu sắc và thấm thía. Trong câu nói ngắn gọn, dễ hiểu và súc tích đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nguyên lý, phương châm và sứ mệnh cao cả của KH&CN. Liên kết chặt chẽ giữa khoa học và sản xuất là một quan điểm mang tính nguyên lý đối với hoạt động KH&CN trong tư tưởng Hồ Chí Minh về KH&CN.


          Quán triệt tư tưởng đó của Hồ Chủ tịch, hơn 5 thập kỷ qua các thế hệ trí thức, nhà KH&CN của cả nước đã luôn nổ lực phấn đấu, không ngừng lao động và sáng tạo. Cùng thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ của nền KH&CN nước nhà cũng như những đóng góp to lớn của KH&CN đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tổ quốc.


          Xuất phát từ ý nghĩa lịch sử nêu trên, Bộ KH&CN đã đề xuất, được Chính phủ đồng ý và Quốc hội nhất trí lấy ngày 18-5 là ngày KH&CN Việt Nam. Ngày 18-6-2013, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật KH&CN sửa đổi, trong đó Điều 7 của Luật ghi rõ: “Ngày 18 tháng 5 hàng năm là Ngày KH&CN Việt Nam”.


          Trên thực tế, trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước cũng như ý thức của đa số người dân thì vai trò to lớn của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được khẳng định. Vì vậy, để thúc đẩy sự phát triển của KH&CN không chỉ cần sự góp sức của giới khoa học mà còn của toàn xã hội. Ngày nay, trong thế giới hiện đại với sự phát triển chưa từng có của KH&CN làm xuất hiện nền kinh tế tri thức, cùng với xu thế toàn cầu hóa đem lại cho tất cả các nước trên thế giới nhiều cơ hội song cũng không ít thách thức. Trong điều kiện đó, càng phải thấm nhuần và phát huy cao hơn nữa tư tưởng của Bác về phát triển KH&CN.


          Thời gian gần đây, một số chủ trương, chính sách lớn phát triển KH&CN đã được bổ sung hoàn thiện, mở ra những cơ hội để các nhà khoa học đóng góp tài năng, tâm huyết vì sự nghiệp chấn hưng đất nước. Đó là Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 14-4-2012, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01-11-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Luật KH&CN năm 2013. Trong số các văn bản trên, Luật KH&CN năm 2013 đã trở thành đạo luật căn bản với nhiều quy định pháp lý mang tính đổi mới rất căn bản và toàn diện về chính sách đầu tư, cơ chế tài chính, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài KH&CN nhằm tiếp tục khẳng định phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững. KH&CN có vai trò quyết định trong việc thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Cộng đồng khoa học đón nhận tinh thần đổi mới của Luật với niềm hy vọng rằng, sẽ có nhiều cơ hội nghiên cứu, ứng dụng hơn trước đây để từ đó đóng góp được nhiều hơn cho đất nước và được xã hội tôn vinh. Từ sự kiện Hồ Chủ tịch nói chuyện tại Đại hội đại biểu lần thứ I của Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam, đến nay ngày 18-5 đã được luật hóa để trở thành Ngày KH&CN Việt Nam.


           Năm 2022 là năm thứ chín Bộ KH&CN tổ chức Ngày KH&CN Việt Nam (18-5). Đây là hoạt động lớn nhằm thực hiện Điều 7 của Luật KH&CN năm 2013. Ngày KH&CN Việt Nam đặc biệt có ý nghĩa quan trọng, là dịp để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về KH&CN; biểu dương, tôn vinh đội ngũ cán bộ làm công tác KH&CN; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các thành tựu KH&CN, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của KH&CN; động viên khích lệ thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên say mê nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Đây là ngày hội KH&CN không chỉ đối với giới trí thức mà là ngày hội để mọi người dân có cơ hội tìm hiểu các thành tựu KH&CN trong nước và trên thế giới, là ngày hội phổ biến kiến thức KH&CN đến toàn xã hội. Ngày 18-5 hàng năm cũng là dịp để cả hệ thống chính trị, trước tiên là giới khoa học cùng nhìn nhận, đánh giá khách quan, công bằng về thành tựu cũng như những thách thức, tồn tại trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển KH&CN là một quốc sách hàng đầu.


          Tại tỉnh Tiền Giang, hưởng ứng Ngày KH&CN Việt Nam do Bộ KH&CN phát động, ngay năm 2014, năm đầu thực hiện tỉnh đã tổ chức Hội thảo khoa học giới thiệu những thành tựu KH&CN ứng dụng có hiệu quả vào phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong tỉnh, mở cửa các phòng thí nghiệm, trại thực nghiệm của các tổ chức KH&CN thuộc Sở KH&CN để sinh viên Trường Đại học Tiền Giang vào tham quan học tập. Năm 2022, năm thứ sáu tổ chức Ngày KH&CN Việt Nam tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học, tôn vinh trí thức KHCN tiêu biểu và vinh danh các tiến sĩ vừa mới tốt nghiệp và một số hoạt động KHCN khác do các ngành chức năng có liên quan tổ chức, do tình hình dịch bệnh Covid- 19 nên việc tổ chức ngày này phải hoãn lại 2 năm là năm 2020 và năm 2021.


          “Khoa học phải từ sản xuất mà ra…”, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là kim chỉ nam, là động lực để mỗi người quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp và mọi người dân tiếp tục thi đua phát huy nội lực, đổi mới, sáng tạo, lập nên nhiều thành tựu, nâng cao tiềm lực KH&CN Việt Nam, góp phần “xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Người hằng mong ước./.

 

Nguyễn Văn Re
Tin liên quan