Tác động từ biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp, sinh hoạt của người dân đang sinh sống tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. | |
Túi HDPE chứa nước ngọt |
Tiền Giang nằm trải dọc bên bờ Bắc sông Tiền, các huyện, thị xã gồm: thị xã Gò Công, huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông và Tân Phú Đông nằm ở cuối nguồn nước mặt sông Mê Công và nằm sát với biển Đông nên bị ảnh hưởng bởi sự xâm nhập mặn của nước biển, do đó việc trữ nguồn nước ngọt tại các huyện phía Đông là vấn đề nan giải và cần có giải pháp để chủ động ứng phó với tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn nhằm đảm bảo các hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt diễn ra bình thường.
GIẢI PHÁP TRỮ NGUỒN NƯỚC NGỌT TẠI CÁC HUYỆN PHÍA ĐÔNG TỈNH TIỀN GIANG
1. Giải pháp tổng thể theo quy mô vùng:
Đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ trồng trọt, sản xuất và sinh hoạt tại các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang, tăng cường quan trắc, dự báo sớm tình hình hạn mặn để chủ động triển khai các giải pháp trữ nước ngọt phục vụ sản xuất.
Xây dựng các hồ nước ngọt để tích trữ, điều tiết nước trong mùa mưa, hạn chế ngập úng. Đồng thời, chủ động nước ngọt sử dụng trong mùa khô và vấn đề xâm nhập mặn.
Giải pháp trữ nước ngọt với dung tích lớn như đắp đập, gia cố bờ bao, tích trữ nước ngọt ứng phó với hạn và mặn.
Xây dựng đê bao kết hợp cống để tích trữ, xây dựng các hệ thống kênh rạch phụ theo các sông lớn để tích trữ nước khi cần thiết, nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt.
Tăng cường khả năng tích trữ nước trên các sông lớn và hệ thống kênh rạch đảm bảo nguồn nước ngọt cấp cho toàn vùng ổn định và bền vững.
Đưa nước ngọt về vùng ven biển bằng hệ thống kênh dẫn kết hợp với hệ thống công trình ngăn mặn. Trữ nước, tích nước tại chỗ từ nước mưa hay nước mặt khi điều kiện cho phép.
2. Giải pháp cụ thể theo qui mô nhỏ:
Các hệ thống có thể chứa được nước, nhưng các bể chứa nầy có nhiều khuyết điểm như: không thể di chuyển được, giá thành so với thể tích chứa nước còn khá cao, nguồn xâm nhiễm từ môi trường cao, đặc biệt khi sử dụng trong chăn nuôi. Do nguồn nước không được thay thế tuần hoàn nên khả năng tạo mầm bệnh rất cao. Bên cạnh đó người dân chưa thể tự thực hiện.
Ngược lại, túi nhựa HDPE với những tính chất vượt trội như dễ thi công, có thể di chuyển từ điểm nầy sang điểm khác, có thể giữ - bảo quản sau mỗi giai đoạn sử dụng hệ thống giúp kéo dài thời gian sử dụng. Sử dụng túi trữ nước HDPE giúp ngăn ngừa sự xâm nhiễm từ môi trường bên ngoài, cách ly các nguồn ô nhiễm, hạn chế mầm bệnh cho nhu cầu chăn nuôi.
Ngoài ra, bằng việc thiết kế hệ thống bộ lọc thô ở đầu ra các túi, hạn chế cặn lắng, nước từ túi HDPE được đảm bảo sạch và có thể sử dụng cho sinh hoạt. Trong trường hợp trữ nước mưa có thể phục vụ cho nhu cầu ăn uống.
Hệ thống HDPE có độ dày phù hợp, tính chất dai và dẻo của hợp chất HDPE sẽ rất bền, sử dụng được lâu và chi phí không cao. Điều nầy phù hợp với nhu cầu sử dụng nước ngọt theo một hay nhiều hộ gia đình, hạn chế các vấn đề xã hội trong việc sử dụng nước sạch so với hệ thống lớn cho nhiều hộ dùng chung.
KẾT LUẬN
Khô hạn và xâm nhập mặn là vấn đề gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, du lịch và sinh hoạt tại đồng bằng sông Cửu Long. Giải pháp dự trữ nước ngọt để ứng phó với khô hạn và xâm nhập mặn được đánh giá cao.
Các phương án xây dựng các hồ đập, bờ bao, kênh rạch để dự trữ nguồn nước ngọt dung tích lớn để đảm bảo sản xuất nông nghiệp cho vùng khi gặp vấn đề khô hạn, xâm nhập mặn cần có nghiên cứu thực hiện sớm.
Áp dụng các mô hình túi trữ nước ngọt bằng HDPE có tính chất dễ thi công, lâu bền và giá thành thấp, đảm bảo được các hoạt động sản xuất và sinh hoạt cho quy mô nhỏ hay tập trung hộ gia đình.
KIẾN NGHỊ
Cần có đề tài nghiên cứu về cảnh báo hạn và xâm nhập mặn cho tỉnh Tiền Giang nhằm hạn chế ảnh hưởng của khô hạn và xâm nhập mặn, để đánh giá được hiệu quả của các mô hình và đề ra các phương án tiếp theo để kịp thời ứng phó với các tác động đến nguồn nước ngọt tại vùng./.