Ngày 8/3/2022, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Tiền Giang, Sở Nông nghiệp – PTNT tổ chức Hội nghị triển khai chủ trương, chính sách, kinh nghiệm và mô hình phát triển hợp tác xã trong giai đoạn mới. Đại diện lãnh đạo, cán bộ phụ trách kinh tế tập thể các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh tham dự. | |
Ông Trần Hoàng Nhật Nam – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT phát biểu tại Hội nghị. |
Tham dự Hội nghị, đại biểu được Tiến sĩ Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm đào tạo và tư vấn kinh tế hợp tác (Trường cán bộ quản lý nông nghiệp và PTNT II) giới thiệu các chủ trương, chính sách liên quan đến hợp tác xã như: Quyết định 1804/QĐ-TTg, ngày 13/11/2020 của Thủ trướng Chính phủ ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 – 2025; Quyết định 167/QĐ-TTg, ngày 03/2/2021 của Thủ trướng Chính phủ phê duyệt Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 – 2025; Nghị định 198/NĐ-CP, ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; một số tiêu chí phân biệt hợp tác xã kiểu cũ (1946 – 1995) và hợp tác xã (HTX) kiểu mới (1996 đến nay); vấn đề thay đổi tư duy, nhận thức đúng về bản chất của HTX, không chỉ đạt mục tiêu lợi nhuận, mà còn mang lại lợi ích cho thành viên, cộng đồng…
TS. Trần Minh Hải chia sẻ kinh nghiệm về phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới.
Theo Tiến sĩ Trần Minh Hải, nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho HTX phát triển, cơ quan chuyên môn cần tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết hay chủ trương cho HTX được thuê đất công, vận động cán bộ, công chức, viên chức tham gia thành viên HTX; điều động cán bộ không chuyên trách kiêm nhiệm ban giám đốc HTX; phân công ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy phụ trách kinh tế hợp tác theo địa bàn. Đồng thời, ngành Kế hoạch – Đầu tư tham mưu UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về hỗ trợ phát triển HTX; ngành Tài nguyên và môi trường, ngành Công thương, ngành Nông nghiệp - PTNT cần phối hợp xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng (để lựa chọn cây trồng phù hợp thổ nhưỡng), xây dựng mô hình HTX gần vùng nguyên liệu và hạ tầng logistics, chọn HTX làm trung tâm để triển khai các chương trình của tỉnh…
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Trần Minh Hải cũng chia sẻ kinh nghiệm triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX của một số tỉnh bạn như: Đồng Tháp, Bến tre, Trà Vinh; đồng thời, thông tin về thị trường xuất, nhập khẩu, dự báo những cơ hội và thách thức đối với vấn đề sản xuất, tiêu thụ nông sản của Việt Nam trong thời gian tới như: Sầu riêng, thanh long, mít, xoài, bưởi da xanh… Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX, cơ quan quản lý cần hỗ trợ HTX giải quyết tốt 6 từ khóa liên quan gồm: Hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm kết hợp xây dựng phần mềm thống kê dữu liệu sản xuất, truy suất chất lượng nông sản, mã vùng trồng…; đồng thời, có kế hoạch tuyên truyền, vận động để thu hút cán bộ, đảng viên, công chức , viên chức, cộng đồng doanh nghiệp tham gia làm thành viên HTX, nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu tăng quy mô đầu tư, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của HTX trong thời gian tới…