“Cánh đồng mẫu lớn” là khái niệm ở Việt Nam, ban đầu được hiểu là mẫu những cánh đồng lớn, do vậy, nếu nhân rộng nên gọi là xây dựng những “cánh đồng lớn”. | |
Cánh đồng mẫu lớn ở Tiền Giang (Ảnh: St) |
Vậy,“Cánh đồng lớn” mà chúng ta đang kỳ vọng xây dựng là gì? Ban đầu có nhiều cách hiểu và chưa thống nhất, có thể hiểu “Là một cánh đồng có thể một hoặc nhiều chủ, nhưng có cùng quy trình sản xuất, cùng có kế hoạch tiêu thụ sản phẩm, cung ứng đồng đều và ổn định về số lượng và chất lượng theo yêu cầu của thị trường dưới một thương hiệu nhất định”. Vấn đề này đã được thống nhất tại Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Gần 10 năm qua cụm từ trên đã được thống nhất trên phạm vi cả nước.
Điểm mấu chốt của “cánh đồng lớn” là nông dân cùng thực hành sản xuất theo một quy trình kỹ thuật, quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm… Để làm được điều đó người nông dân phải tổ chức được hành động tập thể của họ lại với nhau theo từng cánh đồng lớn. Quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản và thương mại cho doanh nghiệp được thiết lập trên cơ sở yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường về khối lượng cung ứng, chất lượng…, đây chính là các yếu tố để nông dân xây dựng các hành động cụ thể đồng loạt.
Vậy yếu tố để người nông dân liên kết lại là gì? Trước hết lợi ích mà hành động tập thể mang lại phải lớn hơn lợi ích của hành động riêng lẻ do từng cá nhân quyết định. Lợi ích của hành động tập thể do cùng thực hiện trên một cánh đồng lớn bao gồm: đạt tính kinh tế quy mô; giảm chi phí sản xuất, chi phí giao dịch; tăng khả năng tiếp cận công nghệ, nguồn lực sản xuất và thị trường mới; tăng vị thế đàm phán và khả năng cạnh tranh; nâng cao năng lực về tổ chức và nâng cao kiến thức nhờ vào sự chia sẻ kinh nghiệm trong nhóm; chia sẻ rủi ro. Những lợi ích hành động tập thể mang lại là vượt trội mà hành động riêng lẻ không thể nào tạo ra được.
Bên cạnh các yếu tố trên, liên kết nông dân với nhau cũng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường tốt hơn. Chỉ có liên kết lại, nông dân mới có thể cung cấp sản phẩm đủ lớn về số lượng, kịp thời gian cho nhiều đối tác. Nhờ vào liên kết, nông dân mới có khả năng xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, tiến đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình, quản lý về chất lượng sản phẩm để không những gia tăng giá trị mà còn đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng tăng đối với sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đảm bảo chất lượng, an toàn.
Tổ chức sản xuất thông qua liên kết ngang giữa nông dân với nhau để cung cấp sản phẩm theo nhu cầu thị trường, chính là thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra, mà hoạt động cốt lõi là xây dựng liên kết dọc giữa nông dân và doanh nghiệp tiêu thụ. Xây dựng mối liên kết này về bản chất là xây dựng kênh tiêu thụ. Nếu không có liên kết này, việc tổ chức thông qua liên kết ngang không đạt được như mong muốn. Hiện tại nhiều doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam chỉ thực hiện một khâu trong chuỗi giá trị toàn cầu, mà chủ yếu là gom thô hoặc sơ chế đóng gói. Có nghĩa là ngay bản thân các doanh nghiệp cũng không tiếp cận được tới người tiêu dùng thông qua thương hiệu của mình, vì vậy, kinh doanh của doanh nghiệp mang tính thời vụ, không ổn định. Những doanh nghiệp này không thể liên kết ổn định với nông dân được, họ không có các yếu tố ổn định để liên kết với nông dân về chất lượng, cung ứng và chia sẻ rủi ro…Do vậy, để xây dựng cánh đồng lớn, nông dân chỉ nên liên kết với những doanh nghiệp có khả năng chế biến sâu sản phẩm, bán sản phẩm trực tiếp, có thương hiệu, đến người tiêu dùng thông qua các hệ thống phân phối trong nước hoặc toàn cầu. Hoặc những doanh nghiệp chứng minh được là họ đã liên kết, là một phần hữu cơ của một chuỗi hàng hóa nào đó trong các khía cạnh về chất lượng, thương hiệu, rủi ro,…
Như vậy, đặc điểm cốt lõi của “cánh đồng lớn” chính là xây dựng các liên kết ngang để thực hiện hành động tập thể và liên kết dọc để xây dựng kênh phân phối mới của các tác nhân trong chuỗi gía trị nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường một cách có hiệu quả nhất trên nguyên tắc các bên tham gia bình đẳng và cùng có lợi. Điều này cũng có nghĩa “cánh đồng lớn” cần được hiểu trên một bình diện rộng hơn, không chỉ về mặt không gian và cả về mặt thể chế tổ chức trong quy hoạch, sản xuất, thương mại theo từng chuỗi sản phẩm. Như thế, một mô hình mà nông dân tổ chức liên kết sản xuất trên những mảnh ruộng không nằm cạnh nhau nhưng thực hiện cùng một quy trình sản xuất, quản lý sản xuất, chất lượng sản phẩm tương đồng, có liên kết với doanh nghiệp cung ứng sản phẩm đầu vào, cung cấp dịch vụ hỗ trợ, bao tiêu sản phẩm đầu ra thì cũng có thể coi là “cánh đồng lớn”.
Với những phân tích trên, kinh nghiệm xây dựng “cánh đồng lớn” nên được nhìn nhận và phát huy hiệu quả dưới 2 góc độ chính: xây dựng liên kết ngang, tổ chức nông dân hành động tập thể trong qui hoạch sản xuất, sản xuất, bán sản phẩm…; xây dựng liên kết dọc trong chuỗi giá trị trên cơ sở những doanh nghiệp hoặc tổ chức nông dân đủ khả năng tiếp cận thị trường đầu cuối, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp khác trong chuỗi giá trị đến tận người tiêu dùng, dưới thương hiệu nhất định.
Gần 10 năm qua, kể từ khi có Nghị quyết của Chính phủ việc xây dựng cánh đồng lớn, trên phạm vi cả nước đã đạt được nhiều thành qủa nhất định. Tuy nhiên, cũng còn nhiều mặt hạn chế trong việc triển khai xây dựng “cánh đồng lớn”, trong đó vấn đề liên kết ngang giữa nông dân với nông dân và liên kết dọc giữa nông dân với doanh nghiệp còn nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm trong tổ chức cũng như cơ chế chính sách và tuyên truyền thuyết phục người nông dân tham gia.
Nhằm phát huy những kết quả đạt được, đồng thời, khắc phục những khó khăn và tồn tại trong thời gian qua, tạo điều kiện phát huy hiệu quả mối liên kết ngang và liên kết dọc trong xây dựng và phát triển “cánh đồng lớn” cho thời gian tới, xin phép đề xuất một số giải pháp và kiến nghị như sau:
1. Đối với chính quyền các cấp và các ban, ngành tỉnh:
Tăng cường tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến người nông dân hiểu biết và thấy được quyền lợi, lợi ích từ chủ trương của Đảng và Nhà nước về mô hình cánh đồng lớn để nông dân tự nguyện tham gia.
Bên cạnh việc mở rộng diện tích xây dựng cánh đồng lớn, chính quyền các cấp cần quan tâm hơn nữa việc hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, THT và nông dân thực hiện thành công hợp đồng. Hỗ trợ củng cố nâng cao năng lực các tổ chức đại diện của nông dân như HTX, THT thông qua chương trình đào tạo, tập huấn, hỗ trợ về trang thiết bị và hạ tầng sản xuất như lò sấy, kho bãi…
Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân.
Tham mưu UBND tỉnh lập kế hoạch cánh đồng lớn trên cây ăn trái và rau màu.
2. Đối với doanh nghiệp:
Các doanh nghiệp đăng ký và xây dựng phương án cánh đồng lớn gởi Sở NN&PTNT thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt; trong đó, cần xây dựng phương án mang tính chất lâu dài, xây dựng vùng nguyên liệu hiệu quả, bền vững. Bên cạnh việc tiếp tục mở rộng quy mô thực hiện cánh đồng lớn cần quan tâm thực hiện mọi biện pháp nhằm nâng cao tỷ lệ thành công của hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất. Nghiên cứu cách tính giá mua sản phẩm hợp lý cho nông dân, khắc phục những hạn chế hiện nay dẫn đến việc đôi bên hủy ký kết. Tiếp tục thực hiện các chính sách đầu tư ứng trước vật tư, giống và hợp tác với các HTX, THT, nông dân để cùng nhau xây dựng cánh đồng lớn.
3. Đối với ngân hàng và các tổ chức cung cấp dịch vụ khác:
Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân sản xuất sản phẩm nông nghiệp trong các dự án cánh đồng lớn tiếp cận tín dụng một cách dễ dàng. Đẩy mạnh việc cho vay thực hiện chính sách hỗ trợ về giảm tổn thất sau thu hoạch theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ cho nông dân, tổ chức đại diện cho nông dân mua sắm máy móc, đầu tư cơ sở hạ tầng, kho chứa để tham gia hiệu quả vào các phương án xây dựng cánh đồng lớn./.