Trước thông tin một số ít người trẻ tiêm ngừa Covid-19 bị viêm cơ tim khiến một số phụ huynh lo ngại. Bà con thắc mắc là vì sao lại viêm cơ tim? Có nguy hiểm không? Làm sao tránh được? | |
Viêm cơ tim là tình trạng viêm các tế bào cơ tim. Viêm cơ tim có thể do nhiều nguyên nhân như nhiễm trùng, chất gây độc tim, thuốc, nhiễm siêu vi…. Triệu chứng rất đa dạng như: Mệt mỏi, khó thở, phù, đánh trống ngực, nếu nặng sẽ đột tử. Chẩn đoán dựa trên các triệu chứng, xét nghiệm troponin trong máu, troponin là một loại protein chỉ có tại cơ tim, khi viêm cơ tim thì nồng độ protein này tăng cao, đo điện tim, siêu âm tim.
Một nghiên cứu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho thấy tỷ lệ khoảng 12,6/triệu liều vaccine, tức có trên 12 người bị viêm cơ tim trong một triệu người từ 12 đến 39 tuổi tiêm vaccine RNA liều thứ hai. Các bệnh nhân thường có triệu chứng đau ngực từ hai đến ba ngày sau khi chích liều thứ hai và có nồng độ troponin tim tăng cao. Điện tâm đồ bất thường. Còn đối với người mắc bệnh Covid-19 mà chưa tiêm vaccine thì nguy cơ mắc bệnh viêm cơ tim cao hơn 15,7 lần so với những người bình thường.
Trong một nghiên cứu khác do Kaiser Permanente Nam California (KPSC) và được công bố trên tạp chí JAMA Internal Medicine vào ngày 4 tháng 10 năm 2021, trong nhóm 2.392.924 người đã tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19 mRNA, có 15 trường hợp viêm cơ tim được xác nhận, trong đó có 13 người sau liều thứ hai. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với nghiên cứu của CDC, chỉ có 0,8 trường hợp trên 1 triệu liều đầu tiên và 5,8 trường hợp trên 1 triệu liều thứ hai trong thời gian quan sát 10 ngày. Tất cả đều là nam giới với độ tuổi trung bình là 25 tuổi. Như vậy các nghiên cứu đều cho thấy biến chứng viêm cơ tim cực kỳ hiếm gặp.
Tại sao vaccine lại gây viêm cơ tim? Có ba nguyên nhân chính.
Thứ nhất là do cơ thể phản ứng với thuốc tiêm ngừa. Thuốc tiêm ngừa vào cơ thể sẽ gây nên phản ứng viêm, biểu hiện là sốt, đau chỗ chích, mệt mỏi, phản ứng viêm này có thể xảy ra ở tế bào cơ tim, nên gây viêm cơ tim.
Thứ hai là do protein gai có một phần giống tế bào cơ tim. Protein gai vô hại là protein được tạo ra khi chích ngừa. Đầu tiên, vaccine COVID-19 mRNA được tiêm ở bắp tay trên. mRNA sẽ xâm nhập vào các tế bào cơ và sử dụng tế bào cơ ở vai để sản sinh ra mảnh của protein gai. Protein gai này được tìm thấy trên bề mặt vi-rút gây ra bệnh COVID-19. Sau khi tạo ra mảnh protein, các tế bào của chúng ta sẽ phá vỡ và loại bỏ mRNA trong vòng vài ngày sau khi tiêm chủng. Còn protein gai, giống như các loại protein khác mà cơ thể chúng ta tạo ra, có thể ở lại trong cơ thể tới vài tuần. Nhờ tế bào bạch cầu ghi nhớ thuộc hệ thống miễn dịch của cơ thể đã ghi nhớ được protein gai và mRNA của virus Covid-19, nên khi virus thật sự thâm nhập vào cơ thể, cơ thể chúng ta ngay lập tức kích hoạt hệ miễn dịch tiêu diệt virus theo cách mà cơ thể chúng ta được huấn luyện lúc chích ngừa. Thật chẳng may một phần protein gai này lại có những điểm giống protein của cơ tim, khiến cơ thể lại sản xuất kháng thể chống lại tế bào cơ tim gây nên viêm cơ tim sau chích ngừa từ 2 đến 10 ngày.
Thứ ba, một giả thuyết khác cho rằng việc tiêm vắc-xin không đúng cách có thể là một yếu tố gây viêm cơ tim. Các mũi tiêm phải được tiêm vào cơ delta ở vai, nếu vô tình tiêm vào tĩnh mạch, vaccine có thể được đưa đến tim qua mạch máu, gây ra phản ứng viêm cơ tim. Một nghiên cứu ở Hồng Kông đã tiêm vắc-xin Pfizer-BioNTech cho chuột vào tĩnh mạch đã dẫn đến cả viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim ở động vật.
Các nhà khoa học cũng giải thích bệnh viêm cơ tim thường xuất hiện ở nam thiếu niên và thanh niên, tác giả Bozkurt công bố trên tạp chí Circulation rằng testosterone, một loại nội tiết tố có ở nam giới, có vai trò làm tăng phản ứng miễn dịch gây viêm nhiều hơn so với nữ giới, kết hợp với người trẻ có phản ứng miễn dịch mạnh hơn người lớn tuổi.
Viêm cơ tim sau chích ngừa thường nhẹ và không nguy hiểm. Hầu hết các bệnh nhân viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim được chăm sóc đều đáp tốt với thuốc, sau đó được nghỉ ngơi và đã nhanh chóng khỏi bệnh. Chưa có trường hợp nào nằm cấp cứu.
Đề phòng viêm cơ tim, bà con mình nên báo với bác sĩ về tình trạng tim mạch của con mình trước khi chích ngừa như bé có bệnh tim bẩm sinh, rối loạn nhịp tim đã từng điều trị. Sau tiêm ngừa cần cho bé nghỉ ngơi, không gắng sức như tập thể thao, thể dục quá độ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của tim. Nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường nào sau tiêm ngừa thì báo ngay cho cán bộ y tế gần nhất.
Không vì tác dụng phụ rất hiếm và nhẹ là viêm cơ tim mà bà con ngần ngại đưa con em đi tiêm ngừa Covid-19. Lợi ích của tiêm ngừa lớn hơn nhiều so với tác dụng phụ của vaccine mà các nhà khoa học đã chứng minh, nên bà con hãy an tâm.