Trong thời gian qua Tiền Giang trải qua làn sóng dịch Covid khá nặng nề, có trên 24 000 người mắc Covid, 512 người tử vong, và đã có gần 19 000 người may mắn khỏi bệnh. Một số bạn đọc hỏi nếu tiếp xúc với người f0 vừa khỏi bệnh có bị lây nhiễm không? | |
Xin khẳng định với các bạn là không lây. Vì sao?
Thứ nhất, người f0 muốn được ra viện phải có đủ tiêu chuẩn an toàn:
- Đối với người f0 không triệu chứng thì nằm viện tối thiểu 10 ngày và có kết quả xét nghiệm PCR âm tính hoặc tải lượng virus thấp CT ≥ 30 ngày thứ 9.
- Đối với người f0 có triệu chứng thì nằm viện tối thiểu 14 ngày, các triệu chứng hết trước 3 ngày trở lên và có kết quả xét nghiệm PCR âm tính hoặc tải lượng virus thấp CT ≥ 30 trước ngày ra viện.
- Đối với người f0 cách ly nằm viện trên 10 mà kết quả xét nghiệm PCR nhiều lần vẫn dương tính, tải lượng virus cao CT ≤ 30 sẽ được ra viện khi nằm viện đủ 21 ngày, các triệu chứng hết trước 3 ngày trước khi xuất viện.
- Sau khi xuất viện người bị f0 tiếp tục cách ly tại nhà thêm 7 ngày nữa thì được “tái xuất” hòa nhập với xã hội bình thường.
Như vậy người từng là F0 là người an toàn ngay khi ra viện, nhưng để tuyệt đối an toàn thì nên tự cách ly thêm một tuần nữa. Nếu trong thời gian chưa đủ 7 ngày tự cách ly, mà chúng ta tiếp xúc với người ấy trong điều kiện cả hai đều mang khẩu trang và giữ khoảng cách hai mét thì khả năng lây nhiễm coi như cực thấp hoặc không có.
F0 đã khỏi bệnh là an toàn nhất vì họ không mắc bệnh lại nên cũng không lây cho ai, trong cơ thể họ đã có đủ kháng thể tự nhiên sau khi mắc bệnh nên họ an toàn ít nhất 8 tới 11 tháng, theo một nghiên cứu của Mỹ.
Vì vậy chúng ta không nên có tư tưởng kỳ thị, xa lánh người từng là f0. Không ai muốn mình là f0, nhưng nếu là f0 khỏi bệnh thì đó lại là nạn nhân may mắn nhất trong đại dịch, trong cái rủi có cái may, họ góp phần tạo miễn dịch cho cộng đồng, làm cho mọi người cùng sống chung với Covid một cách an toàn nhất. Thái độ kỳ thị f0 của một số người khiến cho một số nngười tự test Covid tại nhà, khi bị dương tính thì không dám khai báo, sợ mọi người biết nên họ tự mua thuốc về uống, không những nguy hiểm đến tính mạng của mình mà còn là nguồn lây cho gia đình mình và cho xã hội.
Riêng người f0, các bạn không cần lo lắng chuyện mình mang bệnh về lây cho những thành viên gia đình, người thân chưa bị bệnh. Tuy nhiên vẫn phải chú ý việc rửa tay, nhất là khi trong nhà có người chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid, vì khả năng bàn tay mình đã tiếp xúc với môi trường bên ngoài, rồi vô tình mang những giọt bắn chứa virus dính trên tay về tận nhà. Vì vậy khi đi làm, đi chợ về nhà, bạn đừng quên rửa tay trước, rồi sau đó muốn làm gì thì làm.
Không có lý do gì kỳ thị, xa lánh người từng là f0, họ an toàn và cần sự cảm thông của mọi người trong cơn biến động của dịch bệnh hiện nay.
BÀI 2: NHÀ MÌNH CHUNG VÁCH CÓ LÂY COVID KHÔNG? CHUNG HẺM CÓ MỞ CỬA ĐƯỢC KHÔNG?
Nhiều người rất lo lắng khi nhà chung vách bị mắc COVID-19, không biết có lây nhiễm không? Một số nhà ở cùng chung hẻm đối diện với nhau thì có nên mở cửa sổ không, sợ virus bay qua cửa sổ vào nhà?
Xin khẳng định với bà con là nếu không có tiếp xúc thì không có lây nhiễm Covid. Có hai cách tiếp xúc, một là tiếp xúc trực tiếp, tức là khi mình đứng trước bệnh nhân, hít phải giọt bắn của họ vào mũi của mình. Hai là tiếp xúc gián tiếp khi giọt bắn có chứa virus dính vào tay mình rồi mình vô tình đưa lên mắt, mũi, miệng của mình. Giả thuyết virus bay trong không khí là không có cơ sở khoa học, vì virus không thể tồn tại bên ngoài tế bào sống được, nó luôn luôn tồn tại và phát triển trong tế bào sống như các tế bào niêm mạc mũi, miệng, phế quản, phổi bị tróc ra khi người ta ho, hắt hơi… giọt bắn lớn thì ta nhìn thấy được, giọt bắn nhỏ, dưới dạng khí dung aerosol thì mắt thường không nhìn thấy được, nhưng nó vẫn có khả năng mang virus.
Về chuyên môn, một người bị lây nhiễm virus phải hội đủ hai điều kiện. Điều kiện thứ nhất là phải đủ số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, ít nhất phải có trên 1000 hạt virus từ người bệnh phát tán ra ngoài rồi đi vào mắt, mũi, miệng người lành. Điều kiện thứ hai là thời gian tiếp xúc, có đủ lâu để virus xâm nhập hay không.
Đối với số lượng virus, khi người bệnh thở sẽ phát tán 20 hạt virus trong một phút; khi người bệnh nói chuyện sẽ phát tán 200 hạt virus trong một phút; khi người bệnh ho, nhảy mũi sẽ phát tán trên 200 triệu hạt virus trong một phút. Những hạt virus này tồn tại khoảng 3 giờ trong không khí ở môi trường kín, thiếu sự thông thoáng, tồn tại từ 2 đến 3 ngày trên một số bề mặt xung quanh.
Đối với thời gian tiếp xúc, theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), nếu một người f0 đi bộ, đi xe đạp, xe máy chỉ đi lướt qua người khác như trường hợp trên, cả hai đều mang khẩu trang thì khả năng lây rất thấp, gần như không có. Nếu mình dừng lại nhưng không nói chuyện, giữ khoảng cách trên 2m trong thời gian dưới 45 phút, thì lây nhiễm rất thấp, hoặc không lây. Nếu có nói chuyện với nhau trong thời gian dưới 4 phút thì lây nhiễm cũng rất thấp, nói chuyện trên 4 phút thì lây nhiễm cao. Trong môi trường thông thoáng khả năng lây nhiễm rất thấp, ngược lại trong một môi trường kín, ít thông thoáng như trong nhà đóng kín cửa, trong hội trường máy lạnh, thang máy, rạp hát, chung cư dùng chung hệ điều hòa trung tâm… thì lây nhiễm rất cao.
Nhà chung vách, nhưng mình không “khoét vách” để tiếp xúc với nhau thì không thể và không bao giờ lây nhiễm được. Bản thân virus không có khả năng chui tường, đục vách mà sang nhà bên ấy được. Còn nhà hẻm đối diện nhau cũng không lây. Virus không bay qua hẻm được nếu cửa sổ không đối diện nhau và khoảng cách hai nhà trên hai mét. Hãy mở tất cả các cửa trong nhà khi có điều kiện để không khí lưu thông thật thông thoáng, càng thông thoáng càng hạn chế lây nhiễm vì lúc đó nồng độ virus đã bị pha loãng và đẩy ra khỏi nhà nhanh chóng.
Để phòng bệnh trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bà con mình nên thực hiện tốt 5k theo hướng dẫn của ngành y tế, hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết. Tự nguyện chích ngừa đủ hai mũi để phòng bệnh cho chính mình và cho những người xung quanh mình.