Dự thảo mới nhất về quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII) đang được Bộ Công thương tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành Trung ương đã đưa thêm 3.000 MW điện than và giảm khoảng 8.000 MW điện tái tạo vào năm 2030 so với dự thảo trước đó. Tại cuộc tọa đàm trực tuyến do Liên minh năng lượng Việt Nam (VSEA) tổ chức trong tháng 9/2021, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu được thông qua, chính sách năng lượng của Việt Nam sẽ tiếp tục chậm nhịp so với xu hướng phát triển năng lượng trên thế giới; đồng thời, tạo ra những tác động lớn về kinh tế, xã hội và môi trường… | |
Lắp tấm pin năng lượng mặt trời mái nhà cho hộ dân |
Phát biểu khai mạc tọa đàm, bà Nguỵ Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID), Chủ tịch VSEA nhấn mạnh: Xu hướng chuyển dịch năng lượng của thế giới là giảm dần điện than và chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo. Hiện tại, có 44 quốc gia cam kết chấm dứt xây dựng dự án điện than mới và có 33 quốc gia hủy bỏ nhiều dự án quy hoạch điện than đã được phê duyệt từ năm 2015 đến nay. Để góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc cũng đã kêu gọi các quốc gia dừng xây dựng dự án điện than sau năm 2021.
Theo bà Khanh, dự thảo quy hoạch do Bộ Công thương đưa ra lấy ý kiến lần này vẫn chưa bổ sung một số nội dung góp ý của VSEA trước đây. Tính khả thi, tiến độ triển khai, khả năng huy động nguồn lực tài chính cũng như lộ trình về “điện cạnh tranh” chưa được làm rõ trong nội dung quy hoạch…
Điện than và những hệ lụy
TS. Nguyễn Đức Tuyên, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng: “Chúng ta đang đứng trước hai lựa chọn: Một hệ thống điện truyền thống hay một hệ thống điện tiên tiến, hiện đại. Nếu được, chúng ta hãy dũng cảm chọn một hệ thống điện mà tỉ lệ nguồn năng lượng sạch lớn hơn, theo đuổi bước đi của các nước tiên tiến trên thế giới, tránh lặp lại những gì chúng ta nghĩ là bền vững nhưng lại trở nên lạc hậu trong thời gian tới. Để phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo, chúng ta cần đẩy mạnh công nghệ hiện đại như vận hành linh hoạt, dự báo công suất phát, lưới điện thông minh, phát triển nguồn điện phân tán. “Nếu theo đuổi chính sách sử dụng nhiều nguồn năng lượng hoá thạch thì có lẽ chúng ta chưa sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của sự phát triển hệ thống điện trong tương lai trên thế giới” – ông Tuyên nhấn mạnh.
PGS.TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ nhận định: “Dự thảo Quy hoạch Điện VIII hiện nay so với các bản dự thảo trước đang mở ra cho năng lượng đen và thắt lại sự phát triển của nguồn năng lượng sạch. Tiếp tục phát triển điện than là đi ngược lại các cam kết của Chính phủ về giảm phát thải nhà kính; đồng thời, giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu khi phải đối mặt với thuế carbon từ các đối tác lớn; trong đó có Liên minh châu Âu. Dưới góc nhìn từ Đồng bằng Sông Cửu Long, việc xây dựng các nhà máy điện than mới đang mâu thuẫn với Dự thảo Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng, tăng nguy cơ về ô nhiễm môi trường, gây tác động xã hội, đặc biệt tại các vùng sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Trong khi đó, Đồng bằng sông Cửu Long lại có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, các công nghệ về năng lượng tái tạo và lưu trữ đang phát triển nhanh và ngày càng rẻ hơn”.
Ngoài ra, việc tăng tỷ trọng điện than theo Quy hoạch Điện VIII sẽ gây khó khăn trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam với thế giới là sẽ cắt giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030.
Đánh giá về bản dự thảo quy hoạch, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT, Công ty Halcom Việt Nam nêu: “Dự thảo Quy hoạch điện VIII là giải pháp an toàn trước mắt cho vận hành hệ thống, không phải giải pháp cho tương lai. An ninh năng lượng muốn đảm bảo được chắc chắn thì cần có sự chủ động, không thể chỉ dựa vào những cái thuận lợi trước mắt (như giá than rẻ, vận hành hệ thống thuận tiện, các nước nhập khẩu than đang có nguồn cung ứng dồi dào...) để đảm bảo an ninh lâu dài. Bên cạnh đó, nếu muốn phát triển bền vững thì không thể ưu tiên các nguồn năng lượng gây nguy hại cho môi trường, trong khi Việt Nam có ưu thế về năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.”
Sửa Luật Điện lực để mở nút thắt
Ông Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết: “Bản dự thảo hoạch mới là thụt lùi so với bản dự thảo cũ. Quy hoạch điện VIII phải thực hiện đúng Nghị Quyết 55-NQ/TW và chỉ đạo của Chính phủ. Việc Bộ Công thương đưa ra một số lý do để thắt chặt năng lượng tái tạo bắt nguồn từ chính cơ chế chính sách của chúng ta, chứ không bắt nguồn từ bản chất của năng lượng tái tạo. Để phát triển năng lượng tái tạo, chúng ta cần phải xóa bỏ độc quyền ngành điện, thúc đẩy tư nhân hóa, tạo cạnh tranh lành mạnh trong thị trường điện”.
Với truyền trải điện, ông Lương cho rằng Nhà nước (thông qua Tổng công ty truyền trải điện quốc gia) chỉ cần quản lý đường truyền tải chính (500 Kv), chứ không nên độc quyền cả các phụ tải ở các địa phương. Theo ông, nên cho phép tư nhân được đầu tư các đường truyền tải nhỏ.
Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Mai Văn Trung – Phó Tổng Giám đốc Công ty Nami Solar chia sẻ: “Đối với các doanh nghiệp điện mặt trời, bản dự thảo Quy hoạch điện VIII đang thắt lại sự phát triển của ngành (từ nay đến năm 2025 chỉ có 2.000 MW điện mặt trời được đưa vào quy hoạch). Việc thắt chặt năng lượng tái tạo và đặc biệt là điện mặt trời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực này cũng như doanh nghiệp và người tiêu dùng có nhu cầu tiêu thụ nguồn điện sạch. Đa số các doanh nghiệp xuất khẩu đang phải đối mặt với thách thức lớn khi châu Âu và Bắc Mỹ sẽ áp trần tỷ trọng sử dụng điện sạch trong tổng điện chung để tạo ra sản phẩm xuất khẩu trong năm 2022”.
Theo ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Halcom Việt Nam, ước tính sơ bộ, việc nâng công suất mạng lưới điện hiện nay cần khoảng 13 tỉ đô la Mỹ. Nếu Nhà nước không “thu hút” tư nhân tham gia đầu tư, thì sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, khi mời gọi tư nhân tham gia thì lại vướng về chính sách, mà cụ thể vướng ở điều 4 của Luật Điện lực, tức phân phối điện lưới là độc quyền của Nhà nước. Vì vậy, nội dung điều 4, Luật Điện lực không còn phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 55-NQ/TW.
Do đó, đã đến lúc cần phải đề xuất sửa đổi Luật Điện lực theo hướng khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng cho phù hợp với Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Kết quả khảo sát nhanh của VSEA cho thấy, có 89% đại biểu tham dự tọa đàm không đồng tình với việc tăng công suất điện than và giảm công suất năng lượng tái tạo. Lựa chọn theo hướng mở hay thắt lại lộ trình chuyển dịch năng lượng tái tạo sẽ quyết định đến định hướng phát triển xanh của Việt Nam trong tương lai. |