Nhằm ứng phó diễn biến thời tiết, thủy văn khó lường và bất lợi, bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, trong mùa khô 2021, Tiền Giang đã đầu tư trên 134,5 tỷ đồng hoàn thiện mạng lưới thủy lợi, cống đập và đê bao ngăn mặn, ngăn lũ, bảo đảm nguồn nước tưới tiêu phục vụ gần 172.000 ha đất canh tác trong đó có gần 38.000 ha đất sản xuất vùng dự án ngọt hóa Gò Công, gần 3.000 ha vùng dự án Phú Thạnh – Phú Đông, trên 128.000 ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc dự án Bảo Định mở rộng trên địa bàn 2 tỉnh Tiền Giang và Long An và trên 2.700 ha vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản ở cù lao Tân Phong, Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy). | |
Đắp đập ngăn mặn xâm nhập trên kênh Nguyễn Tấn Thành |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đúc kết kinh nghiệm ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn, phòng chống lũ lụt và triều cường bảo vệ sản xuất thời gian qua, ngay từ đầu mùa khô năm 2021, địa phương quan tâm xây dựng và chủ động triển khai những giải pháp ứng phó thiên tai phù hợp với đặc thù từng vùng, tiểu vùng: Vùng ngọt hóa Gò Công phía Đông, Vùng dự án Phú Thạnh – Phú Đông trên huyện cù lao Tân Phú Đông ở hạ lưu sông Tiền, Vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh và Vùng dự án Bảo Định mở rộng thuộc phạm vi hai tỉnh Tiền Giang và Long An.
Tại Vùng ngọt hóa Gò Công thì Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang chú trọng vận hành đồng bộ các cống lấy và trữ ngọt trong nội đồng; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn theo phương châm “4 tại chỗ”, tổ chức xuống giống đồng loạt theo đúng lịch thời vụ gieo sạ tập trung do ngành chức năng đưa ra. Những địa bàn xa nguồn nước, trồng lúa khó khăn được khuyến khích tích cực chuyển đổi cây trồng và mùa vụ gắn với thực hiện đề án “cắt vụ, chuyển đổi cây trồng, mùa vụ các huyện phía Đông” của tỉnh.
Để nâng cao hiệu quả phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn, Tiền Giang cũng khẩn trương tiến hành nạo vét, mở rộng các tuyến kênh trục chính: kênh N8, kênh Vàm Giồng, kênh Sa – ly - sét - ty, kênh N2… nhằm trữ nước phục vụ sản xuất cho các huyện, thị phía Đông là: Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công. Đồng thời, các huyện, thị trong vùng hưởng lợi còn triển khai thi công 72 công trình thủy nông đảm bảo nguồn nước tưới cho đất canh tác của từng địa phương. Nhờ vậy, đã đảm bảo sản xuất an toàn cho gần 38.000 ha trong đó có trên 22.400 ha lúa Đông Xuân 2020 - 2021, 12.300 ha vườn cây ăn quả, còn lại là diện tích rau màu.
Vùng dự án Bảo Định mở rộng mà hai tỉnh Tiền Giang và Long An cùng hưởng lợi, thực hiện phương án phòng, chống hạn, mặn trong mùa khô 2021, UBND tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhanh việc đầu tư trên 20,1 tỷ đồng đắp 8 đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên các tuyến kênh rạch trọng điểm bảo vệ vùng trồng lúa, trồng cây công nghiệp và chuyên canh cây ăn quả đặc sản xuất khẩu. Các huyện, thành trong Vùng dự án như: Châu Thành, Tân Phước, thành phố Mỹ Tho phía Tiền Giang còn nạo vét 81 công trình kênh mương nội đồng, đắp thêm 17 đập ngăn mặn kết hợp phòng chống hạn hán phục vụ sản xuất cho từng khu vực thích hợp. Ngoài ra, Tiền Giang còn kết hợp tỉnh Long An đắp 5 đập ngăn mặn từ hướng sông Vàm Cỏ xâm nhập nội đồng...
Riêng các xã cù lao trên sông Tiền: Tân Phong, Ngũ Hiệp có vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản: sầu riêng, chôm chôm, mít Thái… giá trị kinh tế lớn thì do đặc thù địa bàn sông nước, vào mùa khô thường bị xâm nhập mặn từ hướng sông Tiền và sông Hàm Luông bao vây, tỉnh đầu tư trên 20,2 tỷ đồng khoan 14 giếng tầng sâu lấy nước ngọt bổ cấp cho sản xuất và đời sông. Các xã trên cũng chủ động thực hiện 22 công trình phòng, chống hạn, mặn, giảm nhẹ thiên tai.
Cùng với bảo vệ sản xuất, việc đảm bảo an sinh xã hội vùng khó khăn mà đặc biệt là bảo đảm nguồn nước sạch sinh hoạt cho nhân dân cũng được tỉnh hết sức chú ý. Trong mùa khô 2021, Tiền Giang đã chủ động mở 49 vòi nước công cộng, cung cấp trên 5.600 m3 nước phục vụ sinh hoạt cho 3.120 hộ dân các xã vùng sâu, ngoài đê bao, ven cửa sông, khu vực nhiễm mặn ven biển nhiều khó khăn. Công ty Cấp nước Tiền Giang đã mở 13 giếng dự phòng, khoan thêm 3 giếng nước tầng sâu nhằm tăng năng lực cấp nước phục vụ sinh hoạt nhân dân các huyện, thị phía Đông tỉnh: Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Tân Phú Đông; không để hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô 2021.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, nhờ chủ động triển khai các phương án phù hợp, thi công khẩn trương nhiều công trình phòng, phòng hạn – mặn, bảo vệ sản xuất và đời sống nên trong mùa khô 2021, thiên tai không gây ra những thiệt hại đáng kể. Đặc biệt, các công trình thủy nông phát huy hiệu quả trong sản xuất và đời sống, không chỉ giúp nông dân trong tỉnh vượt qua khó khăn do thời tiết phức tạp, cực đoan, giành thắng lợi trong vụ Đông Xuân 2020 – 2021 với năng suất 70,7 tạ/ha, sản lượng 340.102 tấn, tăng 7,16 % so với cùng kỳ năm trước mà còn tạo thuận để bà con trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công nằm phía Đông tỉnh chuyển đổi trên 6.000 ha đất ở những địa bàn canh tác khó khăn sang trồng rau màu hoặc cây ăn quả đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các vùng sản xuất trọng điểm khác như: vùng chuyên canh dứa (khóm) trên Đồng Tháp Mười, vùng thanh long xuất khẩu huyện Chợ Gạo, vùng trồng sầu riêng ở các huyện, thị đầu nguồn sông Tiền phía Tây tỉnh cũng được bảo vệ an toàn trong mùa khô 2021. Ngoài ra, các công trình còn đủ khả năng ứng phó khi mùa mưa lũ đồng bằng sông Cửu Long vào cao điểm trong những ngày tới./.