Ngày 24/5/2021 chị Lê Huỳnh Thanh T, nhà ở Bến Tre, mới mang thai 27 tuần (tháng thứ 6 bào thai) nhưng bị chuyển dạ sớm, gia đình đưa chị T vào bệnh viện Phụ sản Tiền Giang sinh một bé trai cân nặng chỉ có 900 gram. Được biết đây là đứa con thứ hai của chị, đứa đầu tiên cũng sinh non do chị bị hở eo cổ tử cung, một dị tật làm phụ nữ mang thai dễ sinh non. | |
Mẹ đang ấp con bằng phương pháp Kangaroo |
Ngay sau sinh bé thở nấc, tím môi, tay chân cử động rất yếu, rên rỉ, nên bệnh viện Phụ sản chuyển bé sang bệnh viện Tiền Giang vào khoa Hồi sức tích cực và chống độc nhi đẻ điều trị tiếp.
Lúc tiếp nhận bệnh nhân, tập thể Khoa Hồi sức tích cực và chống độc Nhi, bệnh viện Tiền Giang đã hội chẩn và lên kế hoạch dài hạn nuôi sống bé sơ sinh sinh cực non 27 tuần tuổi bằng những phương pháp và kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay, kết hợp với sự tư vấn chuyên môn của các bác sĩ tuyến trên, như: Bơm chất hoạt diện surfactant vào phổi, đặt ống thông vào tĩnh mạch rốn nuôi ăn, kháng sinh chống nhiễm trùng, nuôi ấp bé bằng phương pháp Kangaroo…
BS Hữu Đức đang bế bé sau khi nuôi đạt 8 tháng
Về chuyên môn, chất surfactant trong phổi có tác dụng làm giảm sức căng bề mặt của màng của phế nang, ngăn ngừa tình trạng xẹp phế nang trong thời kỳ thở ra. Hầu hết phổi trẻ sinh non đều thiếu chất này nên làm bé không thở được, suy hô hấp nặng, gọi là bệnh màng trong. Để an toàn và giúp bé mau hồi phục các bác sĩ trong khoa quyết định chọn phương pháp bơm surfactant ít xâm lấn bằng kỹ thuật Lisa. Các bác sĩ dùng một ống thông mềm để luồn vào phế quản của trẻ rồi đưa chất surfactant vào phổi của trẻ thay vì phải đặt ống nội khí quản xâm nhập như trước đây, đồng thời trẻ sẽ được thở oxy qua mũi áp lực cao. Đây là phương pháp tiên tiến nhất trong hồi sức sơ sinh hiện nay trên thế giới.
Nhờ không gắn ống để thở máy, nên người mẹ có thể cho bé bú sớm và ôm ấp con theo phương pháp Kangaroo, nên bé hồi phục rất nhanh, sau 46 ngày điều trị, đến nay bé được 33 tuần 3 ngày, mỗi ngày bé tăng 15 gram, đạt 1600 gram, gần gấp đôi lúc mới sinh, bú mẹ tốt, da dẻ hồng hào, cân nặng hiện tại phù hợp với bé 8 tháng tuổi trong thời kỳ bào thai.
Bác sĩ Võ Hữu Đức, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc Nhi, cho biết đây là ca đầu tiên của Tiền Giang nuôi sống bé 900 gram, một kỳ tích đáng ghi nhận. Trước đây những ca dưới 1000 gram đều chuyển đến các trung tâm hồi sức sơ sinh lớn ở tuyến trên điều trị, nhưng do tình hình dịch Covid đang phức tạp, nên hầu hết các ca nặng đến bệnh viện tỉnh, Khoa đều giữ lại điều trị, thành công này khích lệ bệnh viện tuyến tỉnh có thể tự tin nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, giúp bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.